Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, hoạt động sản xuất của châu Á đã không còn giảm mạnh như suốt thời kỳ năm 2022, điều này có được do sự thúc đẩy từ việc mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 của Trung Quốc. Dù vậy, điểm sáng này vẫn chưa thể bù đắp được những “cơn gió ngược” từ sự tăng trưởng chậm lại của Mỹ và châu Âu.
Ảnh hưởng từ những “cơn gió ngược”
Một cuộc khảo sát khu vực tư nhân cho thấy, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã không còn “tụt dốc” trong tháng 1/2023 sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với Covid-19 vào cuối năm ngoái.
Cùng với đó, áp lực giảm giá đầu vào cũng mang lại những dấu hiệu tích cực ban đầu cho châu Á, khi tốc độ thu hẹp sản lượng đang chậm lại ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, có một số nhà phân tích dự đoán, châu Á vẫn khó để vượt qua tác động của sự suy yếu nhu cầu toàn cầu và tình hình lạm phát cao kéo dài...
Ông Toru Nishihama - nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life ở Tokyo - cho biết: “Thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất ở châu Á đã qua, nhưng triển vọng chưa được sáng sủa do sự suy yếu nhu cầu vẫn đang tiếp diễn tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và châu Âu. Sau đại dịch Covid -19, các nền kinh tế châu Á cần một động cơ tăng trưởng mới. Nhưng đến nay vẫn chưa có gì rõ rệt".
Chỉ số quản lý mua hàng sản xuất toàn cầu (PMI) Caixin/S&P của Trung Quốc tăng lên 49,2 trong tháng 1 so với 49,0 trong tháng cuối cùng của năm 2022, tạo ngăn cách tăng trưởng với suy giảm trong tháng thứ sáu liên tiếp.
Với Nhật Bản, chỉ số PMI của Ngân hàng Au Jibun đứng ở mức 48,9 trong tháng 1, không thay đổi so với tháng trước, do các nhà sản xuất cảm thấy khó khăn bởi nhu cầu toàn thế giới chưa thể tăng cao.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất của Hàn Quốc đã giảm tháng thứ 7 liên tiếp vào tháng 1 với chỉ số PMI đạt 48,5. Cuộc khảo sát cho thấy, trong tháng 1/2023, các đơn đặt hàng mới ở Hàn Quốc đã giảm tháng thứ 7 liên tiếp, tuy nhiên tốc độ đã giảm chậm hơn một chút so với một tháng trước đó.
Ông Usamah Bhatti - nhà kinh tế tại S&P Global Market Intelligence - cho biết: “Triển vọng trước mắt đối với lĩnh vực sản xuất của Hàn Quốc khá nhiều thách thức. Song, các công ty vẫn tự tin rằng, điều kiện kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện trong thời gian tới, từ đó kích thích nhu cầu tăng cao".
Bên cạnh đó, các cuộc khảo sát PMI cũng chỉ rõ, hoạt động của các nhà máy đã mở rộng trong tháng 1 ở Indonesia và Philippines nhưng lại giảm ở Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc).
Hồi đầu tháng 2, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng nhẹ triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2023 do nhu cầu "có khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên" ở Mỹ và châu Âu cũng như việc mở cửa trở lại nền kinh tế Trung Quốc sau khi Bắc Kinh từ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt. Nhưng IMF cho biết, tăng trưởng toàn cầu vẫn sẽ chậm lại từ 3,4% vào năm 2022 xuống 2,9% vào năm 2023 và cảnh báo rằng, thế giới có thể dễ dàng rơi vào suy thoái.
Tín hiệu tích cực từ Trung Quốc
Theo phân tích của các nhà kinh tế, việc các ca nhiễm Covid-19 giảm nhanh hơn dự báo tại Trung Quốc cho thấy giai đoạn suy thoái kinh tế đã qua. Họ kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phục hồi trong quý I và quý II, mặc dù các vấn đề dài hạn trong lĩnh vực bất động sản và nhu cầu bên ngoài suy yếu sẽ cản trở triển vọng tăng trưởng.
Dù vậy, bức tranh kinh tế cũng được thể hiện rõ ở sự trầm lắng của thị trường khi nhu cầu tiêu dùng giảm rõ rệt. Hoạt động của các nhà máy chậm lại vì thiếu đơn hàng... Đó chính là sự tác động bởi “bàn tay” của đại dịch Covid -19.
Cụ thể, các công ty cho biết, tình trạng nhân viên nghỉ việc và vắng mặt do lây nhiễm Covid-19 khiến nhân lực thiếu, từ đó làm gia tăng lượng công việc tồn đọng. Trong khi đó, một số công ty lại cho biết, việc đẩy lùi các biện pháp ngăn chặn virus đã giúp giảm bớt căng thẳng cho chuỗi cung ứng, hoạt động hậu cần vẫn chưa phục hồi hoàn toàn ở một số khu vực trong bối cảnh thiếu lao động.
Tuy nhiên, sau khi chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ một số biện pháp chống đại dịch vào tháng 12/2022, các nhà sản xuất nước này bày tỏ sự lạc quan mạnh mẽ hơn đối với triển vọng phục hồi sản xuất trong năm nay với mức độ tăng sản lượng rõ nét trong tháng đầu năm.
Theo dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), số ca nhiễm lên đến đỉnh điểm vào giữa tháng 12/2022 với 6,94 triệu ca mỗi ngày khi virus lây lan nhanh chóng nhưng ngay sau đó đã giảm đáng kể, tụt xuống 30.000 ca vào ngày 30/1.
Giáo sư Jin Dongyan - một nhà virus học từ Đại học Hong Kong - cho biết trên The Straits Times, lý do chính khiến các ca nhiễm không tăng đột biến sau kỳ nghỉ lễ là vì virus đã lây lan rộng rãi trước khi Bắc Kinh chuẩn bị chấm dứt các biện pháp phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt.
Giáo sư Jin chỉ ra rằng, vì virus đã tấn công cộng đồng trong một khoảng thời gian ngắn nên Trung Quốc đã đạt được “miễn dịch cộng đồng”. Vì vậy bất kỳ làn sóng lây nhiễm nào trong tương lai chỉ có thể diễn ra sau khoảng 6 tháng nữa, khi khả năng miễn dịch suy yếu. Tuy nhiên, Giáo sư Jin cũng lưu ý: “Nếu bất kỳ làn sóng nào xảy ra trong tương lai cũng sẽ nhỏ hơn rất nhiều”.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc cao hơn cho năm 2023, từ 4,4% lên 5,2% sau khi các chính sách “zero Covid” vào năm 2022 đã cắt giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc xuống 3,0%.
Nhà kinh tế Alicia Garcia-Herrero tại Ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp) cho biết: “Dữ liệu về tổng dòng vốn FDI cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Indonesia gia tăng năm 2022. Xu hướng được kỳ vọng sẽ tiếp tục ngay cả khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19, mang lại đòn bảy không chỉ cho dòng vốn chảy vào mà còn cả nhu cầu về số lượng nhân công cho khu vực ASEAN và Ấn Độ".