Các tuyến phố đi bộ khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã chính thức hoạt động trở lại. Đêm về, các phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Đinh Liệt… rất đông người, quán xá tấp nập. Lúc này cũng đã gần Trung thu, nên phố xá đêm lại càng nhộn nhịp hơn. Dù còn ý kiến khác nhau, nhưng nhiều người cho rằng phát triển kinh tế đêm là một hướng mở tích cực.
Sau khoảng thời gian gần 1 tháng kể từ ngày phải tạm dừng hoạt động tụ tập đông người vì tái dịch Covid-19, cuối tuần qua, phố đi bộ Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã chính thức hoạt động trở lại. Dù mới trở lại trạng thái bình thường nhưng lượng người đổ về khu vực phố đi bộ khá đông.
Phố cổ nhộn nhịp trở lại
Dù mới vừa dỡ bỏ “lệnh” giãn cách để khu phố đi bộ được hoạt động trở lại nhưng khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm và các tuyến phố đi bộ đã nhộn nhịp đông đúc hơn thường lệ. Dọc hai bên phố Tạ Hiện, một phần phố Lương Ngọc Quyến và Đinh Liệt, quán xá những ngày cuối tuần gần như kín bàn, người qua lại khá đông đúc, chủ yếu là thanh niên. Bia, mực nướng, chân gà sả ớt và các đồ ăn vặt linh tinh khác vẫn là món chủ đạo của ẩm thực phố cổ tối cuối tuần, như khi dịch chưa từng diễn ra.
Một câu lạc bộ trên phố miễn phí vé vào cửa trong ngày đầu đón khách trở lại khiến cả trăm người xếp hàng để chờ vào. Để qua được cửa nhất thiết phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn. Và dù phải xếp hàng tuần tự để được tham dự nhưng du khách cũng không thấy phiền lòng vì đây là một trong những cách bảo vệ sức khỏe cho chính họ và cộng đồng.
Tại tuyến phố Hàng Ngang- Hàng Đào - Đồng Xuân ngay sau khi được hoạt động trở lại đã tấp nập kẻ bán người mua. Nhiều du khách ghé qua, không quên chọn cho mình vài món đồ lưu niệm. Hút lượng người đông nhất chính là phố Hàng Mã. “Lệnh” gỡ bỏ giãn cách thực hiện đúng vào dịp chuẩn bị tết Trung thu, điều này khiến nhiều người háo hức đến với khu phố này để chụp ảnh, để ngắm phố, để mua những món đồ trung thu truyền thống.
Để ‘hút” khách vào dịp cuối tuần cũng như Trung thu đang cận kề, Ban Quản lý phố cổ đã “tung” ra khá nhiều chương trình đặc sắc. Cụ thể, từ ngày 17/9 -1/10/2020, Không gian “Tết Trung thu phố cổ 2020” sẽ diễn ra tại khu vực Phố đi bộ (chợ Đồng Xuân), Hoàn Kiếm, Hà Nội do Trung tâm bảo tồn và phát triển văn hóa ẩm thực UNESCO phối hợp cùng các đơn vị tổ chức.
Tham gia chương trình, thiếu nhi và du khách đến phố cổ Hà Nội dịp này sẽ được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, các trò chơi dân gian và nghề thủ công truyền thống. Ban Tổ chức còn tổ chức chương trình đêm nghệ thuật vào tối 26/9, với sự tham gia của 50 bạn mẫu nhí, các tiết mục văn nghệ giúp cho các bé thỏa sức sáng tạo, và khuyến khích sự tự tin.
Bên cạnh đó, các bạn nhỏ cũng sẽ được phá cỗ linh đình sau các tiết mục văn nghệ…
Ngoài ra, chương trình có sự tham gia của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cung cấp các sản phẩm phục vụ Tết trung thu cổ truyền cho các em thiếu nhi, các nghệ nhân ẩm thực với các màn trình diễn ẩm thực; khu tham gia trải nghiệm với các hoạt động thú vị như nặn tò he, vẽ mặt nạ, làm bánh Trung thu…
Thí điểm khai thác
Rõ ràng, nhu cầu được vui chơi giải trí vào ban đêm của người Hà Nội cũng như du khách đặt chân đến Thủ đô là rất nhiều nhìn từ khu phố đi bộ, cái chính là chúng ta có biết cách khai thác nó hay không?
Nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách cũng như thúc đẩy vực lại kinh tế sau dịch Hà Nội sẽ thí điểm hoạt động kinh tế ban đêm (KTBĐ). Nói về loại hình dịch vụ này, theo lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm, KTBĐ đã hình thành ở địa bàn quận từ nhiều năm nay với các loại hình như không gian đi bộ, chợ đêm, tuyến phố ẩm thực, cửa hàng tiện lợi, quán café, quán bar, vũ trường, karaoke và các sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật, giải trí trong nhà, ngoài đường phố... vào ban đêm. Một số hoạt động đêm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa, đời sống của một bộ phận người dân địa phương và địa điểm không thể bỏ qua của khách du lịch khi đến Thủ đô.
Việc phát triển loại hình kinh tế vào đêm đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách. Cụ thể, hiện nay 65 cơ sở đủ điều kiện đăng ký tham gia thí điểm kinh doanh đến 2 giờ sáng các ngày cuối tuần đều đạt được nhiều kết quả tốt.
Cụ thể, doanh thu khoán bình quân một tháng trong năm 2017 của các cơ sở tham gia thí điểm tăng 55% so với năm 2016, năm 2018 tăng 30% so với năm 2017, năm 2019 tăng 10% so với năm 2018. Chẳng hạn, với địa điểm ăn đêm trên địa bàn quận là tuyến phố Tống Duy Tân - ngõ Cấm Chỉ bắt đầu tổ chức từ năm 2003.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, đây là điểm đến ấn tượng phục vụ tốt du khách trong và ngoài nước. Qua triển khai, chất lượng an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (54 cơ sở, gồm 8 nhà hàng, khách sạn, 31 cửa hàng và 15 cơ sở thức ăn đường phố) trên tuyến phố được nâng cao, thu hút khách du lịch, nhất là thời điểm sau 18h hằng ngày.
Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết quận sẽ phối hợp các doanh nghiệp du lịch, xây dựng các chương trình, tour du lịch ban đêm để du khách trải nghiệm, như: tham quan di tích lịch sử, văn hóa; khám phá ẩm thực về đêm; xem các buổi biểu diễn nghệ thuật...
Theo đó, không chỉ là những hoạt động vui chơi, giải trí đã từng diễn ra ở các tuyến phố đi bộ thời gian qua, tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận sẽ có thêm các hoạt động lễ hội đường phố lớn hội tụ các vùng miền của quốc gia và Thủ đô, tạo sức hấp dẫn, thu hút các nguồn lực, các hoạt động đặc sắc để trở thành “điểm đến, điểm hẹn, điểm nhấn” của du lịch TP.
Quận Hoàn Kiếm cũng sẽ triển khai phương án tổ chức các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đồng thời vận động, hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh chuyển đổi loại hình kinh doanh sang phục vụ khách du lịch để thu hút khách đến với Thủ đô.
Cần thêm những dịch vụ để du khách tiêu tiền
Hà Nội đã và đang có nhiều việc làm để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách, tuy nhiên nhiều du khách quốc tế hoặc khách nội địa khi tới Hà Nội đều cho rằng Thủ đô thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm, ngoài con phố Tạ Hiện.
Cùng với đó, thị trường quà lưu niệm dành cho khách du lịch cũng chẳng có gì hấp dẫn, ngoài mấy mô hình xích lô uốn bằng dây thép, nón lá hay biểu tượng cô gái mặc áo dài.
Chưa kể, các hoạt động vui chơi, giải trí, lễ hội để phục vụ người dân, du khách ở Hà Nội cũng khá khiêm tốn. Ngoài các nhà hát truyền thống như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long… các hoạt động khác gần như chỉ mang tính chất thời vụ hoặc vào các dịp lễ.
Về phía doanh nghiệp lữ hành, nhiều ý kiến cũng cho rằng Hà Nội vẫn chưa khai thác tốt lợi thế kinh tế về đêm.
Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng chia sẻ, nếu so với TP HCM người dân Hà Nội ít có nhiều điểm tụ tập vui chơi, giải trí, mua sắm hơn. Phần lớn các cửa hàng đều đóng cửa trước 23h. Chỉ một số điểm hoạt động ban đêm nhưng cũng không được phép muộn hơn 2h sáng. Do vậy, nếu muốn du khách mở hầu bao, theo ông Thắng, Hà Nội cần phát triển kinh tế đêm để kích thích khách lưu trú và chi tiêu.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để phát triển KTBĐ tốt hơn, quận Hoàn Kiếm cần xây dựng một chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu của du khách, nhất là du khách nước ngoài. Ngoài những hoạt động văn hóa, giải trí, lễ hội, dịch vụ ngân hàng, bưu chính, tài chính… thì cần có những dịch vụ như chợ đêm, quán bar, karaoke, casino… Phải nghiên cứu để các dịch vụ, mặt hàng bảo đảm “tính địa phương, vùng miền” tốt nhất.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho rằng, chúng ta đã biết được hiệu quả kinh tế đêm, tuy nhiên chúng ta chưa quan tâm đầu tư để có những chính sách, cơ chế riêng phát triển kinh tế về đêm. Đây chính là nút thắt lớn cần được tháo gỡ.
“Tôi cho rằng rào cản không chỉ nằm ở giới hạn thời gian mà còn là quy hoạch và quản lý. Chính vì không quy hoạch được mới trở nên xô bồ. Nhiều tuyến phố đi bộ ở các thành phố lớn, giờ người ta gọi là phố đi nhậu. Hàng quán tràn ra lòng đường, chiếm diện tích. Những con phố rộng hơn, thích hợp làm dịch vụ, thì lại trống trơn” - Tổng Giám đốc Vietravel nhận định
Thời gian thực hiện thí điểm các hoạt động kinh tế ban đêm (dự kiến giai đoạn 1 thực hiện từ khi được UBND TP phê duyệt đến ngày 31/8/2021), giai đoạn này sẽ tập trung phát triển các không gian động lực cho kinh tế ban đêm để tạo tiền đề phát triển toàn diện trên địa bàn. Giai đoạn 2 (từ ngày 1/9/2021): Phát triển kinh tế ban đêm toàn diện trên địa bàn.