Kinh tế toàn cầu đứng trước biến số khó lường

Thanh Đức 23/10/2023 07:00

Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cho rằng kinh tế toàn cầu năm 2023 đang đứng trước những biến số khó lường.

Sức mua của người dân Canada giảm do kinh tế chưa hồi phục. Nguồn: Reuters.

Trong một tuyên bố chung, bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20 bày tỏ quan ngại khó khăn của các nền kinh tế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới đời sống người dân, truyền thông quốc tế loan tin ngày 22/10.

G20 trải qua 7 phiên họp mới đi đến đồng thuận. Nhóm cho rằng kinh tế toàn cầu đã chứng tỏ sức đề kháng trước những cú sốc, tuy nhiên triển vọng vẫn ảm đạm, không đồng đều và chênh lệch giữa các quốc gia, khu vực ngày càng lớn. Từ nay tới cuối năm, kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy giảm do xung đột vũ trang, thời tiết cực đoan, thiên tai và chính sách thắt chặt tiền tệ của nhiều quốc gia.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo nợ toàn cầu hiện vẫn cao hơn so với mức trước đại dịch Covid-19 và dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Ông Vitor Gaspar - Giám đốc phụ trách tài chính của IMF cho biết, nợ toàn cầu năm 2022 ở mức 235.000 tỷ USD, tương đương 238% GDP toàn cầu. Nợ tăng cao phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, lãi suất thực tế tăng và ngân sách ngày càng thâm hụt.

Vẫn theo ông Gaspar, lãi suất cao đã đẩy chi phí cho vay lên cao, là yếu tố chính khiến nợ công tăng cao ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những nền kinh tế chủ chốt. Ở các nền kinh tế tiên tiến, chi phí trả lãi cho các khoản nợ công hiện ở mức 2,4% GDP (so với mức 2,1% của năm 2019, trước đại dịch Covid-19). Các nền kinh tế mới nổi cũng gặp phải xu hướng tương tự khi nợ tăng từ 2% GDP trong năm 2019 lên 2,5% trong năm 2023.

Từ đó, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 đồng thời cảnh báo nguy cơ suy thoái. Theo IMF, tăng trưởng toàn cầu năm 2023 sẽ giảm xuống 2,7% do lãi suất tăng. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 10/2023, IMF cho rằng 1/3 nền kinh tế trên thế giới suy giảm mạnh trong năm nay.

Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre Olivier Gourinchas cho biết, 3 nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) không thể đạt tăng trưởng cao như dự kiến. Trong khi nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) là Đức ngày càng thêm khó khăn. “Nói một cách ngắn gọn, điều xấu nhất vẫn chưa tới và đối với nhiều người, 2023 sẽ giống như năm suy thoái" - ông Gourinchas nói và cho rằng “chúng ta đang chứng kiến kinh tế toàn cầu đang di chuyển chậm chạp và chưa có dấu hiệu của một cuộc chạy nước rút”.

Tuy nhiên, 2,7% vẫn được coi là con số dự báo lạc quan bởi một số định chế tài chính khác cho rằng kinh tế toàn cầu năm 2023 chỉ tăng trưởng khoảng 2,1%.

IMF dự báo mức tăng trưởng của Bắc Mỹ, EU trong năm 2023 “rất nhọc nhằn”, tình hình ở một số quốc gia châu Á “dễ chịu” hơn. Ngoại trừ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, theo IMF, nhóm các nước ASEAN được dự báo tăng trưởng 5,3% trong năm nay, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới, tuy rằng điều đó không tác động rõ ràng lên kinh tế thế giới nói chung do quy mô của nền kinh tế các nước này không lớn.

Về lạm phát, nhìn chung khu vực Bắc Mỹ, EU và Đông Á đã “thắng lợi” trong cuộc chiến đầy gian nan này. Kể từ quý 2/2023, lạm phát theo đà đi xuống sau khi các ngân hàng trung ương liên tiếp có những hành động can thiệp. Năm 2023, lạm phát toàn cầu có thể sẽ ở mức 7,8% trước khi giảm xuống 4,3% trong năm 2024, theo dự báo.

Tuy nhiên, biến số khó lường hơn với kinh tế toàn cầu năm 2023 là suy thoái đã xuất hiện ở nhiều quốc gia, thể hiện ở việc sức mua xuống thấp. Trong khi đó, việc các nước OPEC và OPEC+ (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh ngoài khối) cắt giảm khai thác dẫn đến nguy cơ tăng giá nhiên liệu, từ đó kéo theo giá của nhiều loại hàng hóa khác.

Theo ước tính của IMF, GDP toàn cầu năm nay sẽ thấp hơn khoảng 3.600 tỷ USD, tương đương 3,4%, so với dự báo đưa ra trước đại dịch Covid-19.

Tại Morocco - nơi IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức chuỗi sự kiện thường niên với sự tham gia của giới chức tài chính đến từ 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhà kinh tế Gourinchas nói nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phục hồi từ đại dịch Covid-19, nhưng triển vọng tăng trưởng “chỉ ở hạng xoàng”. Các dự báo cho thấy kinh tế thế giới khó có được một cú “hạ cánh mềm” khi giá hàng hoá cơ bản biến động khó lường, tình trạng phân rã địa kinh tế và sự trỗi dậy của lạm phát đi cùng với ẩn họa suy thoái.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế toàn cầu đứng trước biến số khó lường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO