Kinh tế tuần hoàn là xu hướng chung của thế giới

25/09/2023 14:00

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đánh giá: Tại Việt Nam, hiện các tập đoàn kinh tế lớn đã có mô hình kinh tế tuần hoàn và đã mang lại “quả ngọt”.

Trong xu hướng hòa nhịp với kinh tế thế giới, một trong những nhiệm trọng tâm của Việt Nam là chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính, sang nền kinh tế xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn.

Trong Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021 - 2030 đã khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất.

Kinh tế tuần hoàn là xu hướng chung của thế giới. (Ảnh: CP)
Kinh tế tuần hoàn là xu hướng chung của thế giới. (Ảnh: CP)

Trong năm 2022, Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 687 về Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Trong đó, Chính phủ yêu cầu tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tuần hoàn trên cơ sở nâng cao nhận thức, sự chủ động, phát huy đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Đặc biệt, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chí về kinh tế tuần hoàn; xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Mục tiêu cụ thể của Đề án là góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Mặc dù mô hình kinh tế tuần hoàn đã phát mạnh mẽ trên thế giới, song đây vẫn là “khái niệm” khá mới tại Việt Nam.

PGS.TS Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, khái niệm về kinh tế tuần hoàn được hình thành từ những năm 1960, cho tới những năm 1970 đã hoàn thiện về bản chất, nguyên tắc.

Theo PGS.TS Phạm Văn Lợi, có thể hiểu kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất theo một vòng tròn khép kín, các chất thải trong quá trình sản xuất được quay trở lại, trở thành nguyên liệu tái chế, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Tại Việt Nam, đã có một số doanh nghiệp chủ động chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính truyền thống, sang mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng mọi nguồn rác thải để tái chế tạo ra sản phẩm mới.

PGS.TS Phạm Văn Lợi nhấn mạnh, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại đa lợi ích cho doanh nghiệp, như tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thực hiện tốt hơn trách nhiệm xã hội, thông qua việc triển khai hoạt động kinh doanh hướng về bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường,...

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. (Ảnh: NĐT).
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh: NĐT.

Trong khi đó, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đánh giá, kinh tế tuần hoàn là xu thế chung của toàn thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, tại Việt Nam, hiện các tập đoàn kinh tế lớn đã có mô hình kinh tế tuần hoàn và đã mang lại “quả ngọt”.

“Để các doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu rõ về các lợi ích của kinh tế tuần hoàn, thì cần phải tuyên truyền, quảng bá các mô hình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn thành công, từ đó nâng cao ý thức và trách nhiệm trong cộng đồng doanh nghiệp”, ông Mại nhấn mạnh.

Mô hình 3R của Tân Hiệp Phát, mang lại “cuộc sống mới” cho rác thải

Đồng tình với quan điểm này, ông David Riddle, Tổng Giám đốc của Tân Hiệp Phát cho rằng, mặc dù Việt Nam đã bắt đầu nhận thấy lợi ích của kinh tế tuần hoàn trong việc giúp giảm thiểu lãng phí và sử dụng tài nguyên, nhưng vẫn còn nhiều giải pháp có thể triển khai để tăng tính khả thi. Trong đó có thể chia làm 3 nhóm giải pháp chính.

Ông David Riddle, Tổng Giám đốc của Tân Hiệp Phát. (Ảnh: NĐT).
Ông David Riddle, Tổng Giám đốc của Tân Hiệp Phát. Ảnh: NĐT.

Thứ nhất, chính sách bắt buộc doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn theo lộ trình cụ thể. Trong đó, Việt Nam cần xây dựng khung chính sách hỗ trợ áp dụng kinh tế tuần hoàn. Điều này có thể bao gồm các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thu gom, phục hồi tài nguyên từ các sản phẩm đã qua sử dụng.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần hoàn thiện các quy định pháp luật cho phát triển kinh tế tuần hoàn, trọng tâm là sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc thanh toán chi phí quản lý chất thải.

Nhóm giải pháp thứ hai, cần có chính sách khuyến khích bằng cách tạo điều kiện hấp dẫn, như miễn thuế nhập khẩu, hỗ trợ vốn, chính sách đất đai... cho các doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ để triển khai kinh tế tuần hoàn.

Ông David Riddle cho rằng, Việt Nam có thể cung cấp vốn, hỗ trợ tài chính bằng cách khuyến khích, khen thưởng các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động bền vững và có những đóng góp tích cực đối với xã hội và môi trường.

Nhóm giải pháp thứ 3 là truyền thông về kinh tế tuần hoàn, để các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người nhân nhận thức được sự cần thiết và những tác động tích cực của kinh tế tuần hoàn.

Chia sẻ về thêm mô hình kinh tế tuần hoàn, ông David Riddle tiết lộ, từ một thập kỷ trước, Tân Hiệp Phát đã nhận ra các lợi ích của mô hình kinh tế tuần hoàn.

Vì vậy, Tân Hiệp Phát đã lựa chọn triển khai mô hình 3R, đó là “Reducing waste” - giảm thiểu chất thải; “Reusing” - tái sử dụng và Recycling - tái chế.

Đặc biệt, trong mô hình 3R, Tân Hiệp Phát đã đặt mục tiêu mang đến cho rác thải một cuộc sống mới bằng việc tái chế.

“Việc áp dụng mô hình 3R trong sản xuất kinh doanh đã mang lại hiệu quả cao trong việc tiết kiệm nguồn lực, đổi mới quy trình, phát triển sáng tạo, mang lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp và lợi thế cạnh tranh. Không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp về kinh doanh, áp dụng kinh tế tuần hoàn, góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, là trách nhiệm của thế hệ đi trước với những thế hệ mai sau”, Ông David Riddle chia sẻ.

Theo Theo Nhà báo và Công luận
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế tuần hoàn là xu hướng chung của thế giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO