Từ đầu tháng 7 đến nay, Việt Nam liên tục ghi nhận các ca nhiễm đậu mùa khỉ. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương giám sát chủ động tại các cơ sở khám chữa bệnh, sự kiện tại cộng đồng, các cửa khẩu và lồng ghép hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Khoảng 63% trường hợp bệnh nhiễm HIV
Theo Bộ Y tế, đã có 57 trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Ghi nhận tại 7 tỉnh, thành, gồm TPHCM 46 ca, Lâm Đồng, Long An mỗi nơi 2 ca, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Cần Thơ và Bến Tre mỗi nơi 1 ca. Trường hợp tử vong ở TPHCM. Ngoài ra, còn 2 ca lây nhiễm từ nước ngoài về đã phát hiện vào giữa năm ngoái.
Theo đó, tuổi trung bình các bệnh nhân là 32 (18-49 tuổi), hầu hết nam (gần 93%). Trong số họ, gần 79% có xu hướng tình dục là đồng tính nam và lưỡng tính nam (MSM), còn dị tính gần 9%. Ngoài những bệnh nhân đang nhiễm HIV, có 46% trường hợp mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Thị Phương Thảo - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Da liễu TPHCM) cho biết, đậu mùa khỉ lây từ người sang người khi tiếp xúc gần với người có triệu chứng, tiếp xúc trực tiếp da với da, tiếp xúc đối diện khoảng cách gần, chạm vào các bề mặt có nguy cơ lây nhiễm như chăn gối, ga giường, khăn tắm...
Về nguy cơ lây nhiễm, bác sĩ Lương Chấn Quang - Phó Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TPHCM cho biết, đậu mùa khỉ có cách lây gần giống HIV. Tuy nhiên, khác với HIV, bệnh sẽ tự thải trừ hoàn toàn virus và nhanh khỏi nếu bệnh nhân có miễn dịch tốt. Đậu mùa khỉ chỉ diễn tiến nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng với người suy giảm miễn dịch (AIDS, xơ gan, tiểu đường...). Các triệu chứng bệnh nặng gồm: Tổn thương da lớn hơn, lan rộng hơn (đặc biệt là ở miệng, mắt và bộ phận sinh dục), nhiễm trùng thứ phát ở da dẫn đến nhiễm trùng máu và viêm phổi nặng.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, những người có triệu chứng nghi ngờ như phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu khác như sốt trên 38 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược... cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục, đồng thời liên hệ cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Tuy nhiên, bác sĩ Khanh cũng khuyến cáo, đậu mùa khỉ không quá đáng lo bởi bệnh có đường lây tương tự HIV, tức phải tiếp xúc gần, chủ yếu qua quan hệ tình dục. Người bị bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi, khi khỏi sẽ không lây truyền bệnh cho người khác, trong khi người nhiễm HIV không thể tự khỏi nên nguy cơ lây nhiễm cao hơn.
Đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa
Đại diện Bộ Y tế dự báo: Đậu mùa khỉ là dịch bệnh mới ghi nhận tại nước ta, mầm bệnh đã xâm nhập trong cộng đồng nên sẽ tiếp tục thêm các ca bệnh mới, đặc biệt tại những thành phố lớn khác ngoài TPHCM.
Các chuyên gia cho rằng đậu mùa khỉ, chân tay miệng và thủy đậu cũng có một số triệu chứng giống nhau, dễ gây nhầm lẫn như đều gây ra các triệu chứng ngoài da song đặc điểm khác nhau, cần xác định bệnh sớm để tránh diễn biến nặng.
Theo Bộ Y tế, nguyên tắc điều trị chung của bệnh đậu mùa khỉ là giám sát và cách ly, chủ yếu điều trị triệu chứng, đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng điện giải và hỗ trợ tâm lý, dùng thuốc đặc hiệu với nhóm nguy cơ cao và theo dõi dấu hiệu chuyển nặng hoặc biến chứng. Ở thể nhẹ, người bệnh được điều trị hạ sốt, giảm đau, chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng; theo dõi các biến chứng như viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não... Bệnh nhân nặng điều trị ở khoa hồi sức, dùng các thuốc đặc hiệu như tecovirimat, cidofovir, brincidofovir, globulin miễn dịch (còn gọi là huyết thanh). Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp:
Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.