Trang trí không gian công cộng không nằm ngoài mục tiêu tạo cảnh quan tươi đẹp cho không gian đô thị vào các dịp lễ Tết, kỷ niệm… Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, công việc này đang làm không gian đô thị trở nên biến dạng với những tạo hình phản cảm, gây những ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội.
Dưới góc nhìn của một kiến trúc sư, ông Phạm Thanh Tùng đã có cuộc trao đổi với báo Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, trang trí không gian công cộng là công việc không thế thiếu nhằm tạo nên những hình ảnh tươi đẹp vào mỗi dịp lễ Tết, kỷ niệm… Tuy nhiên, công việc này tại Việt Nam vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Với quan điểm của một kiến trúc sư ông đánh giá ra sao về vấn đề này?
KTS Phạm Thanh Tùng: Chúng ta đang hiểu sai về việc trang trí không gian công cộng. Bởi ngay việc trang trí một đường phố ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay Hải Phòng đã là hoàn toàn khác nhau. Ở đây, việc trang trí không chỉ để làm đẹp cho cảnh quan chung mà còn là những biểu đạt về văn hóa của từng địa phương. Đơn cử, Hà Nội trong những những năm gần đây tôi đánh giá đã có rất nhiều cố gắng. Tuy nhiên, công việc này đến nay vẫn chưa thoát được tư duy bao cấp. Bản thân những người phụ trách ngành văn hóa không nắm rõ được nội dung chủ đạo cho dù đã có những góp ý từ các chuyên gia và chính người dân.
Theo tôi trong việc trang trí Hà Nội điều căn bản cần phải sửa đó là phải dựa trên hình thức văn hóa. Chúng ta hãy làm những thảm cỏ, bồn hoa đẹp để hấp dẫn khách du lịch. Mỗi một tuyến phố ta chỉ cần trang trí “nhẹ nhàng” dưới là bồn hoa trên là đèn với sắc màu dịu, vừa phải sẽ tạo cho mọi người cảm giác thư thái. Ví dụ như phố Tràng Tiền có Nhà hát Lớn không thể trang trí những các vòm trên cao sẽ che hết không gian chung. Bản thân Nhà hát Lớn buổi tối chiếu đèn điện vào đã rất đẹp. Rồi các cửa hiệu trên phố Tràng Tiền chỉ cần bật đèn rất lung linh. Hay như Hồ Gươm là điểm rất đẹp để trang trí.
Nhưng việc trang trí ở đây còn cần có sự tham gia của các nhà thiết kế, kiến trúc sư có kinh nghiệm để đảm bảo được tính ổn định cho không gian. Nếu như cần làm mới, mỗi năm chúng ta có thể thay đổi một chút về màu sắc chứ không nên trang trí lúc nào cũng thật to, thật cao như thế không chỉ không đẹp mà còn vô cùng tốn kém. Ngoài ra, việc trang trí ở đây phải làm sao gần gũi với ngay chính con người, văn hóa Hà Nội. Bên cạnh đó, bên cạnh tín hiệu đáng mừng là việc trang trí trong những năm qua do xã hội hóa đã giảm được kinh phí. Nhưng nếu xã hội hóa tôi mong các nhà hảo tâm hãy đóng góp kinh phí và giao việc trang trí cho ngành văn hóa thực hiện. Chứ không phải đơn vị nào tài trợ sẽ được trang trí một tuyến phố. Trong việc trang trí không gian công cộng chúng ta đang rất cần có “nhạc trưởng”.
Không chỉ việc trang trí không gian nơi công cộng, mà mỗi dịp lễ Tết các công trình di tích văn hóa cũng có nhu cầu tu sửa để đón Xuân. Tuy nhiên, dường như công việc này vẫn đang “làm khó” cho các quản lý, đơn cử như trường hợp Văn Miếu – Quốc Tử Giám vừa qua. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
KTS Phạm Thanh Tùng: Với việc sơn lại một phần không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám vừa qua trước hết tôi hết sức thông cảm cho những cơ quản quản lý. Di tích di sản cũng là một thực thể. Việc sơn vừa qua tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là bình thường nhưng chưa thật khéo. Ở đây, mọi người luôn yêu cầu với các di tích cần phải giữ được màu thời gian. Trong đó, màu thời gian sẽ được thể hiện ở những bức tường, màu ngói hay từ cây cổ thụ, viên gạch lát sân vườn… Để làm được việc này hiện nay chúng ta không thiếu các chuyên gia trong công tác trùng tu, bên cạnh phương tiện hiện đại như máy pha sơn.
Tôi rất ủng hộ việc sơn lại, di sản cũng phải được trùng tu, bảo trì. Bởi di tích cũng như con người. Nhưng quả thật, việc Văn Miếu – Quốc Tử Giám làm vừa qua chưa tốt bởi cách làm có lẽ cũng hơi dễ dãi, vì đây còn là di tích quốc gia đặc biệt, nếu không nói là “mỏ vàng” của du lịch Thủ đô. Nếu để những hình ảnh đó để du khách có suy nghĩ phản cảm thì rất khó giải thích. Do vậy, dù với một công trình nào khi làm cần phải có những suy nghĩ hay chuẩn bị thật tốt.
Trân trọng cảm ơn ông!