Kỳ đài là một công trình trong Kinh thành Huế. Theo ghi chép trong sách Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (tập 1, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002), Kỳ đài ở Kinh thành Huế được xây dựng vào tháng 11 năm Gia Long thứ 6 (1807).
Về mặt kiến trúc, Kỳ đài gồm 2 phần: Đài cờ và Cột cờ. Trong đó, Đài cờ được xây dựng bằng gạch với 3 tầng xếp chồng lên nhau, tượng trưng Thiên - Địa - Nhân hòa hợp, có tổng chiều cao khoảng 17,5m.
Cột cờ ngày xưa làm bằng gỗ, gồm 2 tầng, cao gần 30m. Sau nhiều lần thay đổi, đến nay, Cột cờ đã được làm bằng bê tông cốt thép với tổng chiều cao khoảng 37m.
Kỳ đài là nơi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước.
Năm 1945, trong lễ thoái vị của vua Bảo Đại, lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được kéo lên tung bay phấp phới trên đỉnh Kỳ đài, thay thế cho lá cờ hình quẻ ly của triều đình Nguyễn, báo hiệu kết thúc sự tồn tại của chế độ quân chủ ở nước ta.
Ngày 26/3/1975, lá cờ dài 12m, rộng 8m của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam lại được kéo lên Kỳ đài, đánh dấu sự kiện giải phóng Thừa Thiên Huế.
Đến nay, Kỳ đài là một công trình trong Kinh thành Huế, thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế - được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới năm 1993.