Đã có nhiều họa sĩ vẽ về Hà Nội, song khi xem những bộ tranh ký họa về những góc phố, những gánh hàng rong nơi đây người ta như gặp một Thăng Long - Hà Nội khác: trầm lắng, không xô bồ…
1. Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi) được hình thành cách đây 4 năm, do các kiến trúc sư (KTS) trẻ khởi xướng. Đây là một sân chơi phi lợi nhuận dành cho cộng đồng những người yêu Hà Nội và ký họa. Đến nay, nhóm đã thu hút được khoảng 5.000 thành viên ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề, và Urban Sketchers Hanoi là thành viên của Tổ chức ký họa đô thị thế giới (Urban Sketchers Group).
Đều đặn hàng tuần, nhóm hẹn nhau tại một địa điểm trong thành phố và vẽ ký họa các di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, hoặc phố cổ, các tòa biệt thự Pháp. Sau hai công trình ký họa về các khu tập thể cũ và phố cổ Hà Nội, tháng 10 năm nay, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội đã ra mắt cuốn sách “Ấn tượng Hà Nội -Từ kí họa những công trình thời Pháp” (NXB Kim Đồng ấn hành).
Gần 150 bức tranh ký họa bằng nhiều chất liệu khác nhau của nhiều tác giả, KTS, họa sĩ chuyên và không chuyên có chung một tình yêu nồng nàn với Hà Nội. Bên cạnh ký họa, cuốn sách còn mang tới những bài nghiên cứu, khảo cứu của nhiều GS, TS, KTS và những chuyên gia, học giả hàng đầu Việt Nam về một thời lịch sử hình thành và phát triển của Hà Nội gắn liền với những công trình thời Pháp.
Hà Nội vốn là một thành phố Á Đông nhưng mang trong mình những phong vị phương Tây độc đáo, là sự kết hợp hài hòa, tinh tế của hai nền văn hóa Đông -Tây. Cuối thế kỷ 19, khi đặt chân đến thành phố nhỏ của nước An Nam, người Pháp trong kế hoạch thuộc địa hóa vùng Viễn Đông đã xây dựng nhiều công trình công cộng uy nghi tráng lệ: Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, Phủ Toàn quyền, tòa án, ngân hàng, trường đại học, trường trung học, viện bảo tàng, những quảng trường, vườn hoa và các căn biệt thự.
Một thống kê cho thấy, hiện Hà Nội còn hơn 1.000 biệt thự kiểu Pháp. Mỗi biệt thự đều chứa đựng những câu chuyện sinh động, về kiến trúc, về xây dựng, và đặc biệt là câu chuyện về những người đã sống hoặc đang sống bên trong biệt thự đó. Nếu như ngôi biệt thự lộng lẫy ở số 8 phố Chân Cầm từng là dinh thự của một vị quan đại thần triều Huế ở Bắc Kỳ thì căn biệt thự ở số 65 Nguyễn Thái Học lại từng là ngôi nhà nuôi dưỡng cho một thế hệ văn nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật trong hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo nhất…
Họa sĩ, KTS Trần Thị Thanh Thủy - phụ trách nhóm Ký họa đô thị Hà Nội ví von, những công trình thời Pháp ở Hà Nội là một trong những mảnh ghép lớn của giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc của Hà Nội, tạo nên sự đặc biệt và đang sống cùng Hà Nội. “Tất nhiên, trong quá trình phát triển, đô thị Hà Nội đang có sự giao thoa mạnh mẽ, giữa cũ và mới, truyền thống và hiện đại. Ấy là sự giao thoa của thời gian, mà nếu một Hà Nội toàn công trình cũ thì người ta không thấy sức sống mới, một Hà Nội toàn công trình mới thì người ta lại không thấy phần quá khứ. Có lẽ nhờ sự đan xen ấy ta mới có một Hà Nội rất đời, không hề bị bảo tàng hóa”.
Các bức ký họa của nhóm Ký họa đô thị Hà Nội đều là góc nhìn đầy thân thương của những người yêu mến Hà Nội. Thông qua ký họa, Urban Sketchers Hanoi muốn nâng cao ý thức cộng đồng về giá trị của đô thị, đặc biệt là thủ đô Hà Nội.
2. Một công trình ký họa khác, cũng vừa được ra mắt công chúng, đó là cuốn “Hàng rong và tiếng rao hàng Hà Nội”. Đây là hợp tác xuất bản đầu tiên của NXB Kim Đồng và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, với mong muốn góp phần dựng lại những giá trị văn hóa đặc sắc nhất của Hà Nội 1010 tuổi. Giống như cuốn du ký ngược thời gian, tập sách gói gọn bức tranh Hà Nội thu nhỏ với đặc sản văn hóa không thể trộn lẫn. Đó là những gánh hàng rong, những tiếng rao hàng của Hà Nội đầu thế kỷ XX.
Điều thú vị hơn nữa, những ký họa, hình vẽ, tranh màu nước trong cuốn sách này của 15 sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sau này đều trở thành những danh họa nổi tiếng hàng đầu của Việt Nam như Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Lưu Văn Đệ, Mai Trung Thứ…
Gần 100 trang sách đã dẫn dắt ký ức người đọc, người xem trở về với di sản quá khứ một đi không trở lại, đó là hình ảnh của Hà Nội đầu thế kỷ XX, với những hình ảnh hàng ngày quen thuộc, nhưng vô cùng độc đáo: những gánh hàng rong, những tiếng rao ê a đầy nhịp điệu trong ngõ nhỏ, giữa phố phường, bên hông chợ: “Bánh giò - bánh dày…/ Ai cháo đậu xanh ra mua…”. Nó cũng đánh thức những tình cảm yêu mến của bạn đọc về những nét đẹp của đất Thăng Long, lòng trân quý những giá trị văn hóa vĩnh cửu, đặc sắc Hà Nội một thời: “Những kỷ niệm về một thành phố mà ta từng sống lâu ở đó, được tạo thành một ít từ các công trình, mà phần nhiều từ âm sắc của những tiếng chuông và tiếng ồn thành phố, cũng như từ những món ngon của địa phương mà ta đã ăn ở đó”.
Theo dịch giả Huy Toàn, năm 1925, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, quy tụ những người có năng khiếu hội họa nhất trong toàn cõi Đông Dương, được nhận vào học qua những cuộc thi sát hạch hết sức ngặt nghèo.
“Bắt đầu từ dự án của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương những năm đầu sau khi thành lập: các thầy cho 15 sinh viên đi vẽ chỉ một chuyên đề: những người bán hàng rong trên đường phố Hà Nội. Từ bà bán bánh trái, bác bán phở, cô gái bán hoa, cậu bé bán nước chè, anh hàng tào phớ đến những người đi thu mua đồng nát, vải vụn, tóc rối... Không chỉ vẽ tư thế, vẻ mặt, động tác của họ, các thầy Tây còn ghi lại tiếng rao của họ theo cách ghi nhạc, để lưu lại bằng hình ảnh và âm thanh một nét sinh hoạt đặc thù của Hà Nội”, dịch giả Huy Toàn chia sẻ.
Công trình của các thầy trò Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương gồm ký họa của các sinh viên Việt Nam cùng phần dẫn luận và lời bình của ông thầy hướng dẫn - sau này được công bố trên các tạp chí chuyên ngành ở cả Đông Dương và Paris, Pháp. Tại Paris, người ta đã tổ chức triển lãm ký họa chuyên đề hàng rong Hà Nội của các sinh viên xưa…
3. Bằng tình yêu mảnh đất mình đang sống và thông qua tài năng của mỗi người, Hà Nội đã hiện ra sống động qua những bức tranh ký họa. Lớp họa sĩ xưa đã khắc họa lại những gánh hàng rong xưa qua đó cho hậu thế có được hình dung sinh động về một thời.
Lớp họa sĩ nay vừa mang đến cho người đương thời những góc nhìn thẩm mỹ mới về các công trình kiến trúc xưa, vừa để lại một cuốn sách có ý nghĩa, giúp thế hệ sau có nhiều tư liệu tham khảo. Tất cả, cùng chung một tình yêu Hà Nội, vì Hà Nội.