Sau 3 ngày (27 - 29/7) tổ chức tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Kỳ họp thứ III Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC lần thứ III (ABAC III) với chủ đề “Nắm bắt. Tham gia. Kiến tạo” đã thành công tốt đẹp.
Tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp ABAC III và các sự kiện xúc tiến liên quan ngày 29/7, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết: Mục tiêu của Kỳ họp III là xây dựng Báo cáo khuyến nghị của doanh nghiệp gửi lên các Bộ trưởng APEC, hoàn thiện Báo cáo thường niên của ABAC trình lên Lãnh đạo cấp cao của 21 nền kinh tế APEC và chuẩn bị nội dung cho Đối thoại giữa Lãnh đạo APEC với ABAC sẽ diễn ra trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2022 tại Thái Lan vào tháng 11 tới.
ABAC tập trung thảo luận và khẳng định quyết tâm tiếp tục hợp tác chặt chẽ để ứng phó với thách thức trong việc duy trì quỹ đạo tăng trưởng của khu vực trước tình hình biến chuyển ngày càng phức tạp, có độ mở lớn và thay đổi nhanh chóng của kinh tế toàn cầu.
Tác động kéo dài của đại dịch đã gây ra sự gián đoạn cho chuỗi cung ứng trên thị trường toàn cầu, gây ảnh hưởng đến sự phục hồi cũng như tăng trưởng bền vững và bao trùm của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Để tăng cường hội nhập kinh tế, ABAC đã liên tục ủng hộ việc hiện thực hóa Khu vực tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) , đề xuất lên các Bộ trưởng APEC các mục tiêu cần sớm thực hiện thông qua các chương trình hành động và ưu tiên trong 5 lĩnh vực: Chuyển đổi số, phát triển bao trùm, bền vững, thương mại và đầu tư và ứng phó với đại dịch.
Các trọng tâm của ABAC đã và sẽ tiếp tục theo đuổi là các ưu tiên trong việc tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) trong khu vực đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Hỗ trợ các MSME này phát triển một cách bền vững với cách tiếp cận có tầm nhìn dài hạn thông qua áp dụng chuyển đổi số để tăng cường khả năng phục hồi và thúc đẩy sự đổi mới, đáp ứng nhanh với nhu cầu thị trường và môi trường kinh doanh liên tục thay đổi.
ABAC cũng ủng hộ chương trình nghị sự toàn cầu về tính bền vững, nền kinh tế Net Zero và thúc đẩy các lộ trình phục hồi xanh, đảm bảo an ninh và an toàn lương thực.
Ông Krengkrai Thiennukul, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, Chủ tịch ABAC 2022 chia sẻ: Kỳ họp đã nêu lên những vấn đề liên quan đến việc giải quyết các thách thức, như an ninh năng lượng, kêu gọi các nền kinh tế sâu sắc hơn trong hội nhập, hiện thực hóa Khu vực tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) cũng như thúc đẩy tăng trường hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thông qua hạ tầng số, phát triển bền vững, hiện thực hóa ý tưởng liên quan đến biến đổi khí hậu. Hướng tới nền kinh tế xanh, tuần hoàn.
Tại buổi họp báo, ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Kỳ họp mang nhiều ý nghĩa với cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế, bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã tiếp thu được nhiều khuyến nghị của nhà đầu tư… Tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình để thực hiện và có sự chuẩn bị sẵn sàng, tốt nhất nhằm thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh và sinh sống gắn bó với Quảng Ninh.
Nhân dịp Kỳ họp ABAC III tổ chức tại Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với VCCI và các địa phương tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 với chủ đề “Quảng Ninh hội tụ và lan tỏa” vào ngày 26/7 và Diễn đàn kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông vào ngày 28/7.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 đã quảng bá được tiềm năng thế mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh “An toàn, thân thiện, hấp dẫn”, có lợi thế so sánh bậc nhất hiện nay trên cả nước, là địa phương đã 5 năm liên tiếp từ 2017 đến 2021 đứng đầu Việt Nam trong xếp hạng Chỉ số PCI.
Thông qua Hội nghị, tỉnh Quảng Ninh đã truyền tải thông điệp đến cộng đồng các doanh nghiệp, nhà đầu tư nói chung và đại biểu đến từ 21 nền kinh tế APEC nói riêng về sự chân thành mời gọi, sẵn sàng trao đổi, cởi mở tất cả các nội dung, hoan nghênh và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, hướng tới sự phát triển song hành bền vững.
Cùng với đó, thành công của Diễn đàn kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ 21 nền kinh tế thành viên APEC tìm được cơ hội đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà tỉnh Quảng Ninh, cũng như các tỉnh, thành phố nằm trên trục cao tốc phía Đông có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Điểm nhấn là việc Ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông giữa VCCI và 4 địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên.
Cả hai sự kiện này đã thu hút được sự hiện diện đông đảo của đại diện cơ quan Chính phủ, các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Qua đó, khẳng định khả năng kiểm soát và khống chế dịch bệnh của Việt Nam, minh chứng cho tính ổn định và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, góp phần thu hút hiệu quả hơn dòng đầu tư nước ngoài. Đồng thời, tạo dấu ấn cho chuỗi sự kiện của Kỳ họp ABAC III.