Kỳ họp chuyên đề HĐND TP Hồ Chí Minh: Nóng giải ngân đầu tư công

THANH GIANG 19/04/2023 06:41

Ngày 18/4, kỳ họp lần thứ 9 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thành phố ở mức thấp. Trong 3 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công của thành phố chỉ đạt 4% trong khi được giao vốn đầu tư công hơn 70.000 tỷ đồng, nhiều gấp đôi năm 2022.

Đại biểu tham gia kỳ họp của HĐND TPHCM, sáng 18/4.

Tại kỳ họp, HĐND TPHCM thông qua đề xuất của UBND thành phố điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023. Theo đó, UBND thành phố đề xuất giao số vốn là 13.100 tỷ đồng bố trí cho 2 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 và toàn bộ số vốn còn lại là 13.864,659 tỷ đồng cho các dự án đủ điều kiện bố trí vốn trong năm 2023.

Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công

Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân băn khoăn: “Làm sao cho những dự án đầu tư công được thông qua và thật sự đi vào cuộc sống theo đúng kế hoạch mà các dự án đặt ra, đặc biệt là các dự án giao thông, giáo dục. Có lẽ nên làm rõ những thách thức và giải pháp để các dự án đóng góp với sự phát triển của thành phố”.

Cũng liên quan đến việc triển khai các dự án đầu tư công, đại biểu Trần Quang Thắng đặt vấn đề: “Thường thì tiến độ giải ngân đầu tư công đầu năm rất thấp. Năm nay, giải ngân đầu tư công còn thấp hơn, trong đó nguyên nhân cơ bản nằm ở tiến độ giải phóng mặt bằng. Vậy xin hỏi, có giải pháp nào thay đổi cách làm việc hay không, cụ thể như thay đổi về tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng. Nghĩa là thay đổi quy trình làm việc để khỏi lúng túng hơn”.

Lý giải tình trạng tiến độ giải ngân đầu tư công thấp, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM khẳng định, việc triển khai các dự án đầu tư công thường gặp khó ở khâu bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật. Những vấn đề này cần có sự phối hợp tốt giữa các sở, ngành, địa phương cũng như những cơ quan quản lý hạ tầng kỹ thuật.

Theo ông Lâm, hiện nay vốn tập trung lớn ở Ban Quản lý công trình giao thông trực thuộc UBND TPHCM. Số vốn tập trung ở đây là 26.000 tỷ đồng, nếu đợt này thông qua là khoảng 34.000 tỷ đồng, lớn gấp 10 lần so những năm trước đây. Để hoạt động đầu tư công của Ban Quản lý Công trình giao thông hiệu quả hơn cần nâng cao năng lực, giải quyết vướng mắc. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng giải ngân số vốn đã giao thì vai trò của chủ đầu tư rất lớn. Hiện nay, chủ trương đầu tư công do các sở, ngành lập, nhưng chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công là hết sức quan trọng. Sở GTVT đang theo dõi, có kiểm điểm, phối hợp với địa phương hỗ trợ tháo gỡ để đáp ứng yêu cầu dự án.

Trao đổi thêm về giải ngân vốn đầu tư công, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, thành phố đã lập tổ công tác để tháo gỡ các vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng cho các dự án. Tổ công tác này liên tục theo dõi, lắng nghe để gỡ vướng từng nhóm công việc, từng dự án, từng chủ đầu tư…

Y tế cơ sở bộc lộ nhiều điểm yếu

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, các bệnh viện ngày càng quá tải, gây khó khăn cho người dân và cán bộ y tế, nhất là các bệnh viện tuyến trên. Quá tải bệnh viện là nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng dịch vụ, chữa bệnh, chăm sóc người bệnh bị kéo dài thời gian điều trị. Do đó, việc đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 146 trạm y tế tuyến xã là hết sức cần thiết nhằm nâng cao cơ sở vật chất y tế tuyến huyện, xã đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới. Với 146 trạm y tế, có 140 trạm thực hiện sửa chữa trên hiện trạng hiện hữu và 6 trạm xây dựng mới.

Ông Mãi cho biết thêm, khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư cho dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 146 trạm y tế là phù hợp. Dự kiến ngân sách thực hiện gần 300 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2023 phân phổ khoảng 10 tỷ đồng, năm 2024 phân bổ 250 tỷ đồng, năm 2025 phân bổ 36 tỷ đồng.

Hiện nay, TPHCM có 310 trạm y tế. Đến cuối tháng 10/2021, số lượng nhân viên y tế tại các trạm y tế hưởng lương từ quỹ tiền lương của đơn vị là 22.314 người. Thành phố là địa bàn đông dân cư, có địa bàn trên 100.000 người dân nhưng trạm y tế chỉ có tối đa 10 nhân viên. Như vậy, trung bình một nhân viên y tế của trạm phải quản lý và theo dõi sức khỏe của 10.000 dân. Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, mạng lưới y tế cơ sở là tuyến đầu, làm nhiệm vụ “gác cổng” để tiếp nhận người dân khi ốm đau, dịch bệnh. Thế nhưng, từ diễn biến của dịch bệnh Covid-19 vừa qua cho thấy, hệ thống y tế cơ sở bộc lộ nhiều điểm yếu cần sớm khắc phục.

Ngày 18/4, tại kỳ họp chuyên đề của HĐND TPHCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, việc phân công các thành viên trong Thường trực, Thường vụ Thành ủy làm tổ trưởng các tổ công tác giám sát, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện từng dự án và công tác giải ngân vốn đầu tư công tại các công trình, dự án trọng điểm của TPHCM; tuy là việc không mới nhưng cần thiết. Đặc biệt, năm nay TPHCM được phân bổ nguồn vốn đầu tư công lớn (khoảng 70.000 tỷ đồng). Do đó, Thành ủy phân công kiểm tra cụ thể để nhìn ra các nơi triển khai thế nào, vướng mắc, khó khăn ra sao từ đó có cách giải quyết tích cực. “Qua các tổ công tác, lãnh đạo TPHCM sẽ hiểu thêm phương pháp, cách làm, trình độ, năng lực, ý chí quyết tâm của từng nơi, từng cán bộ trong việc thực thi nhiệm vụ, qua đó đánh giá được cán bộ có làm đúng và làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao hay không. Việc nào cần chia sẻ thì chia sẻ, cần uốn nắn thì uốn nắn, cần tăng cường phải tăng cường, cần thay đổi thì thay đổi, cần xử lý thì xử lý” - ông Nên nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ họp chuyên đề HĐND TP Hồ Chí Minh: Nóng giải ngân đầu tư công