Ngày 5/7, tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc được các đại biểu thảo luận sôi nổi, chất vấn lãnh đạo sở/ngành. Trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường, trật tự lòng lề đường, vỉa hè, chống ngập...
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại kỳ họp.
Kênh nghìn tỷ vẫn bốc mùi
Một số đại biểu nêu ý kiến, một công trình như kênh Ba Bò được đầu tư 1.100 tỷ đồng từ nhiều năm trước đây nhưng nguồn nước vẫn bị ô nhiểm, gây mùi hôi thối cho các khu vực dân cư.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê nói, cử tri gặp ông phàn nàn công trình này khiến dân bất an, có cả mối lo đến nguồn nước uống và nước sinh hoạt, nhưng dân bức xúc lâu rồi chưa có ai giải quyết dứt điểm. Còn ông Nguyễn Ngọc Công - Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP HCM cho biết, trung tâm đã quan sát nhiều lần thì nước kênh Ba Bò có biểu hiện nước màu đen và có mùi hôi thối, đặt nghi vấn có việc xả lén nước thải công nghiệp tại các khu vực quanh đó và chưa qua xử lý khi đổ vào kênh này.
Ông Công cũng nói, Dự án Kênh Ba Bò là dự án kéo dài do vướng việc đền bù giải tỏa từ năm 2007-2014. Có thời điểm Dự án bị ngưng do phải thay đổi toàn bộ cán bộ Ban bồi thường giải phóng mặt bằng. Phải đến cuối tháng 7/2017 thì hệ thống hồ điều tiết và hồ sinh học của dự án mới hoàn thành được.
Trước những vấn đề trên, ông Hoàng Cảnh Dương- Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TNMT) cho rằng: Khó có khả năng đối tượng gây ô nhiễm cho kênh Ba Bò là từ nguồn thải công nghiệp vì hiện cả hai khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2 ở Bình Dương đều đã có hệ thống xử lý nước thải và quan trắc tự động. Theo ông Dương, nguyên nhân gây ô nhiễm chính là do nước thải sinh hoạt của cư dân các khu vực Sóng Thần, (TX.Thuận An, Bình Dương) và P.Bình Chiểu (Q.Thủ Đức, TP HCM). Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường TP cũng dự báo, để khắc phục vấn đề nêu trên thì cần có thời gian do cả hai địa phương còn phải tích cực hơn nữa để kiểm soát được nước thải từ các khu dân cư.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng, kênh Ba Bò được đầu tư rất tốn kém trong thời gian dài, người dân đã đặt niềm tin rất nhiều nhưng cho đến giờ chưa giải quyết được mùi hôi tận gốc. Giải pháp được bà Tâm đề nghị, bao gồm cả việc đàm phán giữa TP.HCM và Bình Dương trong khắc phục các hệ quả môi trường tại đây. Bà Tâm chia sẻ: “Một đống tiền bỏ ra mà người dân vẫn chịu cảnh mùi hôi. Ngồi đây bàn giải pháp không thấy bức xúc đâu. Nhưng nếu nhà mình ở đó, chịu mùi hôi 24/24, ngày này qua ngày khác thì ai cũng bức xúc”.
Vấn đề chống ngập cho TP HCM đã được nhiều đại biểu đề cập tại kỳ họp thứ 5 này. (Ảnh: Thanh Niên).
Lập lại trật tự đô thị - cần thời gian
Ngoài vấn đề ô nhiễm môi trường, các đại biểu HĐND TP HCM đã thảo luận sôi nổi về chủ trương lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè của thành phố.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm nêu vấn đề có nên lập phố hàng rong để đảm bảo không có lấn chiếm vỉa hè, lòng đường một cách tự phát như thời gian qua. Song song đó là chăm lo cuộc sống cho người dân. Đại biểu Trâm cũng nêu suy nghĩ, hình ảnh vỉa hè lâu nay ở TP HCM không chỉ là đường cho người đi bộ mà còn là bản sắc văn hóa về ẩm thực, du lịch của thành phố, nên làm sao phải bố trí cho phù hợp, cũng như phải tính để người dân cảm thấy có lợi khi cùng chính quyền thành phố lập lại trật tự lòng lề đường.
Còn ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT cho biết, theo ghi nhận của Sở này thì hiện nay công tác xử lý, xử phạt về lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường vẫn chưa quyết liệt, bởi nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, liên tục tái phạm. Ông Cường mong muốn công tác lập lại trật tự, vỉa hè cần phải làm mạnh, quyết liệt hơn nữa.
Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh, đây là một chủ trương cần tính bền vững, lâu dài và cho rằng không thể ảo tưởng lập lại trật tự lòng lề đường trong ngày một ngày hai. “Không nên ra đường lập lại trật tự lòng lề đường vì như vậy là phản cảm, cơ quan chính quyền làm được mấy lần, làm được bao lâu? Các cấp triển khai thực hiện thế nào, giữ bền vững ra sao, phải được tổ chức trong hệ thống chính trị, kế hoạch đó phải đưa ra dân để dân cùng bàn bạc, thực hiện, dân và Nhà nước cùng thực hiện”- bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Đối với vấn đề này, ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TP cũng đồng ý về việc lập lại trật tự đô thị không thể làm kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” mà cần phải kiên trì, lâu dài, trong đó nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu quản lý địa bàn không để xảy ra tái chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Ông Khoa gợi ý về giải pháp trước mắt một số quận, huyện cho cải tạo lại chợ truyền thống để bố trí lại bài bản hơn.
Tại các KCN, KCX dễ phát sinh các chợ tạm, cần có giải pháp hữu hiệu để vừa đảm bảo cuộc sống của công nhân, lao động, vừa đảm bảo công tác mỹ quan, đô thị. Đại diện lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu cần có sự đánh giá khách quan về chủ trương thu phí vỉa hè, lòng lề đường vì nhu cầu thực tế về chỗ đậu xe của người dân trên địa bàn là rất lớn, trong khi thành phố chưa thể đáp ứng hết nhu cầu này. Tuy nhiên, giải pháp cụ thể thế nào thì chính quyền thành phố sẽ làm với tinh thần công khai, minh bạch, nghiêm cấm và xử lý mạnh hành vi trục lợi gây bức xúc dư luận.
Công tác chống ngập được lãnh đạo TP HCM đặc biệt quan tâm. Trong tháng 6, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung và các sở ngành liên quan để bàn việc nâng cấp, chống ngập khẩn cấp cho đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) và một số dự án trên các tuyến đường trọng điểm. Trước đó, Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung đã đề xuất lên Thành ủy, UBND TP HCM cho thí điểm hệ thống chống ngập kiểu mới trên địa bàn thành phố với cam kết sẽ giúp giảm ngập cho thành phố. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã chỉ đạo Sở GTVT đôn đốc các chủ đầu tư dự án chống ngập trên địa bàn thành phố, trong đó trọng tâm là Dự án chống ngập, kiểm soát triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu tại thành phố. TP cũng đã lập tổ công tác do ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng để giám sát triển khai và hỗ trợ, chỉ đạo trực tiếp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án chống ngập trên địa bàn. |