Chiều ngày 23/12, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội đã ký kết chương trình phối hợp giữa hai cơ quan.
Tham dự Lễ ký kết có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Nguyễn Hữu Dũng; ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thông tin về nội dung chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ngân hàng chính sách xã hội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, Chương trình phối hợp sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Tuyên truyền về Phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hoạt động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp; kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thông qua Chương trình phối hợp nhằm huy động các nguồn lực cho Quỹ “Vì người nghèo” và bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời tăng cường vai trò, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội đối với các hoạt động tín dụng chính sách xã hội và thực hiện các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.
Tại Lễ ký kết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, với nguồn vốn tín dụng, NHCSXH đã tạo điều kiện hỗ trợ trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn với doanh số cho vay trên 830.087 tỷ đồng. Qua tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, giúp nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động; hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học, xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 29,7 nghìn căn nhà ở xã hội, gần 2 nghìn doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước qua các năm.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mong rằng, thông qua Chương trình phối hợp, hai cơ quan sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nâng cao hiệu quả giám sát của toàn dân đối với công tác này qua đó đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và phát triển của hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói riêng.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến bày tỏ sự trân trọng đối với những đóng góp của hệ thống Ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng chính sách xã hội đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước, trong đó có những hỗ trợ thiết thực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và những người yếu thế trong xã hội.
Đánh giá cao ý nghĩa của chương trình phối hợp, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, MTTQ Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội có một số hoạt động tương đồng trong việc chăm lo cho người nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Nhất là khi Mặt trận vận động hỗ trợ đồng bào vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ, dịch bệnh, hỗ trợ người nghèo thì hệ thống ngân hàng và ngân hàng Chính sách Xã hội luôn đồng hành cùng MTTQ Việt Nam.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, từ hoạt động phối hợp này, hai bên cần lựa chọn các nội dung, hoạt động cụ thể, thiết thực đáp ứng yêu cầu thực tiễn để tổ chức, triển khai thực hiện phù hợp với các yêu cầu đặt ra. Từ đó góp phần cùng với Đảng, Nhà nước có thêm nguồn lực chăm lo cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội.