Những ngày qua, hàng ngàn người dân khắp nơi đã đổ về chùa Som Rong (TP Sóc Trăng) chiêm ngưỡng pho tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn và cặp đá hiếm có, nổi được trên mặt nước.
Đến chùa, tôi được Thượng tọa Lý Đức, trụ trì chùa, dẫn vào bên trong ngôi Sala của chùa, nơi đặt hai hòn đá vô cùng kỳ lạ.
Cặp đá được đặt trang trọng phía 2 bên dưới bàn thờ Phật. Mỗi hòn đá nặng 4,2kg, được đặt trang trọng trên đế, phía dưới có lót vải.
Thượng tọa Lý Đức giới thiệu: Cặp đá này được chính Thượng tọa thỉnh từ Campuchia về từ năm 2018. "Lúc đó, sư đang ở Xiêm Riệp (Campuchia) thì có người phụ nữ Campuchia cho biết bà đang sở hữu một cặp đá rất lạ là không bao giờ chìm trong nước. Nghe xong, sư tìm đến nơi xem và hỏi mua nhưng bà này nói không bán mà sẽ cúng dường cho nhà chùa. Sư quyết định thỉnh cặp đá về trưng trang trọng giữa ngôi Sala. Cặp đá được thỉnh về đến chùa ngày 17/1/2018" - Thượng tọa Lý Đức kể lại.
Theo Thượng tọa Lý Đức, lúc mới thỉnh về, nhà chùa làm hai thùng bằng kính trong suốt để hai hòn đá vào trong đó. Tuy nhiên sau đó bà chủ của cặp đá cho biết hai hòn đá này được chồng bà tìm thấy dưới chân một ngọn núi thuộc một tỉnh ở Campuchia giáp với tỉnh Đắk Lắk của Việt Nam, đưa về để trong phòng chứ không để trong tủ. Nghe vậy, nhà chùa đã lấy cặp đá ra khỏi thùng kính, đưa vào ngôi Sala.
Khi PV hỏi về thông tin đá nổi trong nước, Thượng tọa Lý Đức xác nhận là đúng và cho PV kiểm chứng bằng việc tự thay Thượng tọa bê một hòn đặt vào một thùng nước, nhấn mạnh xuống tận đáy rồi buông tay thì ngay lập tức hòn đá từ từ nổi lên trên mặt nước. Làm đi làm lại mấy lần vẫn vậy, hòn đá không thể chìm.
Quan sát kỹ cặp đá thì thấy, cặp đá tuy kích thước khác nhau, hòn lớn hòn nhỏ nhưng trọng lượng đều nặng 4,2kg mỗi hòn. Hai hòn đá có hình dạng khác nhau nhưng đều có màu nâu sẫm, trên bề mặt đá không nhẵn mà có rất nhiều lỗ nhỏ li ti trải khắp bề mặt như một miếng xốp.
Trên thực tế, các nhà khoa học đã phát hiện một loại đá có thể nổi trên mặt nước là đá bọt.
Đá bọt là loại khoáng thạch có khả năng nổi trên mặt nước. Các nhà khoa học cho biết bên trong loại đá này có rất nhiều bong bóng khí, giúp giảm khối lượng riêng và tăng sức nổi cho chúng.
Bóng khí bên trong các hòn đá có kích thước tương đối lớn và được kết nối với nhau giúp nước không thể ngấm vào bên trong và giữ cho hòn đá không chìm.
Đá bọt hình thành khi núi lửa phun trào trên mặt đất hoặc dưới nước. Nham thạch nóng chảy gặp nước liền bị đông cứng lại rất nhanh, giữ lại nhiều bóng khí bên trong.
Tuy nhiên hiện chưa thể khẳng định hai hòn đá lạ ở chùa Som Rong có phải là đá bọt hay không.