Là người cao tuổi nhất tỉnh Hải Dương, cụ Cơ khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên với mái tóc đen, răng vẫn mọc đến bây giờ.
Khi PV đến thăm nhà, cụ Nguyễn Thị Cơ (122 tuổi, trú ở thôn Phạm Khê, xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) vẫn minh mẫn, mắt đã loà nhưng tai vẫn nghe được.
Ngoài đời, cụ Cơ trông trẻ hơn nhiều so với tuổi thật. Nếu người lạ nhìn thoáng qua, khó có thể nghĩ năm nay cụ bà đã ngoài 100 tuổi.
Bà Nguyễn Thị Hạt (74 tuổi) - con gái út cụ Cơ cho hay, cụ vốn không phải người gốc ở Hải Dương. Cụ sinh ra ở xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, sau này lập gia đình mới chuyển về đây sinh sống.
“Theo số liệu ghi trên CCCD, cụ Cơ sinh năm 1901, tức năm nay tròn 122 tuổi”, con gái cụ cho biết.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, tóc cụ bà vẫn đen nhánh, chỉ điểm hoa râm những sợi bạc. Bà Hạt chia sẻ thêm, tóc cụ tự nhiên vốn như vậy, chứ không có sử dụng qua hoá chất, thuốc nhuộm nào.
“Tôi cũng thấy kỳ lạ, trong khi tóc tôi còn bạc đầy đầu nhưng tóc cụ vẫn đen nhánh, mọc dài tự nhiên. Để dễ dàng vệ sinh, tôi mới cắt ngắn cho sạch sẽ” - bà Hạt chia sẻ thêm.
Ngoài biểu hiện tóc đen hiếm thấy, cụ Cơ vẫn còn răng đến tuổi này. Con gái cụ kể: “Răng cũ rụng, có răng mới chèn ngay vị trí cũ. Tôi để ý cụ từ nhiều năm trước, lúc ấy cụ còn khoẻ, không bao giờ thấy cụ kêu rụng răng”.
Đặc biệt, cụ Cơ còn rất minh mẫn ở tuổi 122. Dù sức khỏe đã yếu hơn nhiều năm trước, cụ Cơ vẫn phân biệt được người qua giọng nói.
“Mẹ tôi lúc ngoài 90, cụ còn thỉnh thoảng ra vườn trồng rau, đi loanh quanh trong làng. Ngoài bệnh tuổi già, mẹ tôi không mắc bệnh nặng nào khác”, bà Hạt kể tiếp.
Chia sẻ về chế độ ăn uống, con gái cụ cho hay, mỗi ngày cụ chỉ ăn lưng bát cơm, hôm nào thèm ăn thì ăn được 1 bát.
“Hai mẹ con được nhận trợ cấp hàng tháng khoảng 1 triệu nên ăn uống đơn giản, không cầu kỳ”, bà Hạt nói.
Trước đây, bà Hạt chủ yếu làm đồng áng, còn có đồng ra, đồng vào. Từ khi cụ Cơ yếu, nhà chỉ có 2 mẹ con nên bà Hạt nghỉ hẳn ở nhà chăm mẹ già: “Tôi trông cụ nhưng hầu như không đêm nào được ngon giấc vì người già thường hay đi vệ sinh nhiều vào nửa đêm. Tôi không dám để cụ đi 1 mình, rất dễ vấp ngã, nguy hiểm”.
Căn nhà cụ Cơ được xây dựng từ năm 1982 (cách đây 41 năm), trong nhà hầu như không có đồ vật có giá trị. Ngay cả chiếc ti vi cũ được người ta cho cũng chập chờn lúc được, lúc không.
Kể thêm về hoàn cảnh gia đình, bà Hạt cho biết: “Mẹ tôi là vợ hai, sinh ra 2 chị gái em tôi, chị gái tôi là bà Nguyễn Thị Tràng (75 tuổi) được cụ sinh khi đã 47 tuổi. Nhà chủ yếu làm nông, thi thoảng nuôi thêm gà để có cái ăn nên điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.
“Dẫu vậy, tôi mừng vì vẫn còn mẹ để chăm sóc ở cái tuổi xế chiều này. Mẹ tôi sống được đến cái tuổi này là phúc đức của gia đình, chúng tôi mong cụ sống vui khoẻ với con cháu” - bà Hạt tâm sự.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Mạnh Nhường - Chủ tịch xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện xác nhận, cụ Cơ là người cao tuổi nhất xã khi xét theo năm sinh ghi trên CCCD. Gia đình cụ Cơ thuộc diện hộ nghèo đã nhiều năm nay vì nhà có 2 mẹ con sống nương tựa vào nhau nhờ tiền phụ cấp cho người cao tuổi.
“Điều kiện tại địa phương còn nhiều khó khăn, đại diện xã chỉ tổ chức chúc thọ hằng năm, thăm hỏi, biếu quà vào các dịp lễ, Tết theo quy định” - ông Nhường cho biết.