Tại Thông tư số 02/2019/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT quy định danh mục thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm đã thiếu khá nhiều loại thức ăn nuôi lợn truyền thống xưa nay người nông dân vẫn sử dụng.
Theo quy định của pháp luật, khi trong danh mục không liệt kê rau, bèo... là thức ăn chăn nuôi, nếu doanh nghiệp, hộ cá thể sử dụng các loại thức ăn này để nuôi lợn sẽ là chưa đúng quy định. Vậy là vô hình trung Bộ NNPTNT đã làm khó nông dân bằng việc không thừa nhận chăn nuôi lợn bằng các loại thức ăn truyền thống.
Cơ quan có thẩm quyền phải đưa ra danh sách các loại đối tượng bị cấm thay vì đưa ra danh sách được phép lưu hành.
Lý giải thắc mắc của nhiều hộ chăn nuôi lợn về việc bị “cấm” không được chăn nuôi lợn bằng các loại rau, bèo..., đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, do Thông tư 02 chỉ là “văn bản thay thế” Thông tư số 26/2012/TT-BNNPTNT đã “hết hạn”, nên chưa kịp “cập nhật” bèo và rau vào danh mục thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm được phép sử dụng. Tất nhiên, lãnh đạo Cục Chăn nuôi hứa sẽ cố gắng “cập nhật” sớm nhất danh mục thức ăn chăn nuôi, để những loại thức ăn truyền thống như bèo tây, rau các loại... sẽ không còn là các đối tượng bị loại, không được sử dụng nữa.
Đại diện Cục Chăn nuôi cũng trấn an người dân rằng, mặc dù trong danh mục thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm được ban hành kèm theo Thông tư 02 không liệt kê các loại rau, bèo... nhưng người chăn nuôi vẫn có thể sử dụng các loại thức ăn truyền thống này một cách bình thường chứ không bị cấm. Dư luận cho rằng, đây là cách lý giải khiên cưỡng nhất từ trước đến nay của cơ quan quản lý nhà nước, bởi khi bèo và rau đã không nằm trong danh mục cũng đồng nghĩa với việc không được sử dụng, nếu không thì cần đến danh sách các loại thức ăn được phép sử dụng để làm gì?
Không chỉ thể hiện cách lý giải khiên cưỡng, cố đấm ăn xôi, mà câu trả lời của đại diện Cục Chăn nuôi còn như một sự khuyến khích người dân không tôn trọng các quy định mang tính bắt buộc của cơ quan có thẩm quyền, coi thường pháp luật. Nếu như rau, bèo không có trong danh mục thức ăn chăn nuôi mà cơ quan quản lý nhà nước vẫn khuyến khích sử dụng, thì có lý gì mà người chăn nuôi không hồn nhiên sử dụng các loại thức ăn nguy hại khác ngoài rau, bèo? Lúc xảy ra hậu quả về an toàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm đây?
Còn nữa, theo các chuyên gia về luật, luật sư thì việc xây dựng Thông tư 02 (hay Thông tư 26 cũ) là quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngược. Về nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình xây dựng pháp luật là người dân được phép làm những gì pháp luật không cấm. Điều đó có nghĩa, khi xây dựng các đạo luật, nghị định, thông tư, cơ quan có thẩm quyền phải đưa ra danh sách các loại đối tượng bị cấm thay vì đưa ra danh sách được phép lưu hành như Thông tư 02. Như vậy người nông dân chỉ việc sử dụng những loại thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục cấm đó là xong.
Ấy vậy mà thay vì đưa ra danh sách những loại thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm bị cấm sử dụng, lưu hành, thì Bộ NN&PTNT lại ban hành danh sách các loại thức ăn được phép sử dụng. Đó chính là lý do mà bèo tây, rau các loại mới ngẫu nhiên bị loại khỏi danh mục thức ăn để nuôi lợn, nuôi gà, vịt. Song, lý do chính khiến các loại thức ăn truyền thống đó của gia súc, gia cầm bị thiếu chính là thái độ thiếu trách nhiệm, thiếu tính thực tiễn. Nếu thay vì automatic làm một thông tư để “gia hạn” thông tư cũ, cơ quan soạn thảo xem xét cẩn trọng thì bèo tây và rau các loại đâu có bị sót.
Có ý kiến sẽ cho rằng, cơ quan soạn thảo cũng như từng thành viên đâu chỉ có mỗi việc là soạn thảo Thông tư 02 đâu mà bận bịu “trăm công nghìn việc” khác nữa nên việc “quên” bèo tây, rau các loại không đưa vào danh mục thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm là chuyện bình thường. Và đâu phải ai cũng biết bèo tây và các loại rau là thức ăn chăn nuôi lợn, gà, ngan, vịt... mà người nông dân vẫn thường hay dùng trong chăn nuôi... Xin thưa là các cách nghĩ trên chỉ là biện bạch, bởi dù có bận tới đâu cũng phải chú tâm cho mỗi việc để có hoàn thành tử tế, còn việc không biết nông dân dùng gì để chăn nuôi thì có thể xuống thực địa trực tiếp hỏi người dân.
Còn vô số cái “gạch đầu dòng” tương tự mà khuôn khổ bài viết khó mà liệt kê hết, song chỉ đơn cử vài ví dụ như vậy cũng thấy được sự cẩu thả trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thông tư 02 của Bộ NN&PTNT không phải là trường hợp đầu tiên về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính thực tiễn, thiếu khả thi khi triển khai trong thực tế đời sống, chưa lắng nghe tiếng nói của những đối tượng bị điều chỉnh. Song, buồn thay chưa ai, chưa cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về những văn bản kiểu như vậy nên thực trạng trên sẽ khó mà chấm dứt.