Một học sinh vi phạm nội quy bị yêu cầu đứng ngoài hành lang lớp học hay bị phê bình trước lớp, tạm dừng học ở trường…, những hình phạt này không còn xa lạ những năm qua. Nhưng liệu hình phạt đó có giúp học sinh thay đổi hành vi?
Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) lấy ý kiến góp ý được xây dựng theo hướng xây dựng môi trường giáo dục tích cực. Thay đổi này được xem là bước chuyển quan trọng trong tư duy giáo dục, đặt trọng tâm vào việc cảm hóa hơn là trừng phạt học sinh. Tuy nhiên, vẫn còn ít nhiều băn khoăn xung quanh dự thảo Thông tư này. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam.
PV: Thưa ông, thực tế trong môi trường học đường hiện nay, nhất là ở bậc THCS, một bộ phận học sinh còn thiếu khả năng kiểm soát hành vi, dễ bị lôi kéo. Trong bối cảnh này, ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết khi thay đổi hình thức kỷ luật từ trừng phạt sang cảm hóa học sinh?
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú: Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, điều kiện học tập tốt hơn, môi trường cũng có những biến đổi trong điều kiện phát triển của khoa học kỹ thuật, thì việc thay đổi một quy định nào đó là hợp lý để phù hợp với điều kiện mới. Nhưng thay đổi thế nào thì theo tôi nên trên tinh thần tôn trọng con người, coi trọng tình thương, xây dựng nhân cách cho trẻ ngày càng tốt hơn, nhưng đồng thời kèm theo đó là không nương nhẹ khuyết điểm, phạt phải đúng mức độ, để làm sao học sinh phải phục và chấp nhận sửa sai, còn các bậc phụ huynh cũng phải qua đó ý thức được trách nhiệm của mình.
Chúng ta từng được biết A.X. Makarenko (1888 - 1939) - nhà giáo dục vĩ đại người Nga đã thực hành giáo dục, cảm hóa trẻ em phạm lỗi trở thành người tốt như thế nào. Quan điểm giáo dục của ông là biết chủ động khơi dậy nhân tố tích cực vốn có của đứa trẻ. Ông giao nhiệm vụ cho một học sinh, trước đấy có hành vi vi phạm kỷ luật, nay được thực hiện công việc giám sát các bạn học khác giữ nghiêm kỷ luật; thậm chí ông đã không ngần ngại giao cho một học sinh đã phạm tội ăn trộm trước đây ra ngân hàng rút tiền mang về cho nhà trường. Qua câu chuyện này để thấy rằng, lõi của các biện pháp kỷ luật là biết tôn trọng và nhận diện đúng nhân cách con người, qua đó khơi dậy lòng tự trọng, đạo đức tốt đẹp của chính con người.
Kỷ luật tích cực cũng chính là hướng đến của dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh mà Bộ GDĐT đang lấy ý kiến đóng góp. So với quy định hiện hành, dự thảo thông tư mới đã bỏ hình thức kỷ luật đình chỉ học đối với học sinh vi phạm. Quan điểm của ông về thay đổi này?
- Kỷ luật tích cực không đồng nghĩa với loại bỏ mọi hình thức kỷ luật mà phải kết hợp giữa giáo dục, tình thương và có các giới hạn, mức độ rõ ràng. Giáo dục nhân văn nhưng cũng cần có siết chặt kỷ cương. Tôi cho rằng, cần cân nhắc thêm các mức độ xử lý vi phạm. Nếu chỉ có nhắc nhở, phê bình, yêu cầu viết bản kiểm điểm liệu có quá nhẹ không? Với các trẻ có hành vi bạo lực dã man với bạn học, như ta đã biết trên các trang mạng, vô lễ một cách không thể chấp nhận được với thầy/cô giáo, mà chỉ có yêu cầu viết bản tự kiểm điểm e rằng không phải, vì quá nhẹ, lại không có tác dụng răn đe. Khung hình phạt, theo tôi vẫn phải có mức độ cao nhất như đình chỉ học có thời hạn, và thậm chí có thể có hình thức đuổi học. Chính khung hình phạt như thế sẽ có tác dụng rất mạnh đến việc cải tạo, giáo dục các em.
Tuy nhiên, xử phạt ở mức cao nhất này cần thận trọng, xem xét kỹ trên nhiều khía cạnh. Cũng có thể có các hình phạt như bắt lao động công ích trong trường, có người giám sát để xem hành vi đó có thực sự hối cải, sửa sai hay không và có các giám sát đánh giá kết quả lao động công ích để có thể giảm nhẹ hình phạt.
Vậy theo ông, giải pháp đưa ra thế nào cho hài hòa để kỷ luật giúp học sinh tiến bộ, sớm nhận ra khuyết điểm, sửa chữa?
- Kỷ luật là để giáo dục học sinh chứ không phải để trừng phạt các em. Với học sinh vi phạm trong nhà trường, phải định ra tùy từng mức độ nặng nhẹ khác nhau mà có biện pháp kỷ luật phù hợp. Bên cạnh đó về phía pháp luật, đã đến lúc cần có sự ràng buộc với cha mẹ trẻ, tức là phải có điều luật liên quan tới trách nhiệm cha mẹ trong trường hợp con cái có lỗi ở tuổi vị thành niên. Cha mẹ cần phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục con chứ không thể thả nổi cho nhà trường.
Về phía thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cần tu dưỡng để có được phẩm chất cao đẹp của một nhà giáo chuẩn mực, coi trọng con người, chăm lo cho học sinh, không vùi dập nhân cách của trẻ, phải luôn có tinh thần hỗ trợ trẻ. Chính cách cảm hóa ấy sẽ động viên đứa trẻ đứng lên, thay đổi và tự cải tạo mình.
Như vậy, xây dựng trường học hạnh phúc, hướng tới việc hình thành các giá trị cốt lõi yêu thương rất cần kỷ luật nhân văn, thưa ông?
- Kỷ luật tích cực đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách và giảm thiểu hành vi vi phạm kỷ luật trong nhà trường một cách bền vững. Kỷ luật tích cực không phải là sự mềm yếu hay dung túng mà là một phương pháp giáo dục dựa trên sự tôn trọng, đồng cảm và khuyến khích học sinh phát triển hành vi đúng đắn một cách chủ động.
Chúng ta đã có tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc. Muốn xây dựng trường học hạnh phúc trước tiên đội ngũ giáo viên phải thấm được ý nghĩa của nhà trường hạnh phúc. Nhà trường hạnh phúc là nhà trường mà ở đó đứa trẻ mong muốn được tới trường, không sợ thầy cô, mỗi ngày tới trường là một ngày vui thì lúc đó mới thực sự là trường học hạnh phúc.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
ThS Nguyễn Thị Hoàng Yến - Chánh văn phòng Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam:
Vai trò giáo viên rất quan trọng
Mục đích của việc áp dụng kỷ luật là giúp trẻ tiến bộ và trưởng thành chứ không phải trừng phạt hay loại bỏ trẻ khỏi nhà trường. Kỷ luật cần mang tính giáo dục, nhằm xây dựng nhân cách và hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ. Chính vì vậy, tôi ủng hộ việc bỏ hình thức đình chỉ học đối với học sinh. Ở lứa tuổi THCS, THPT, các em đang trong giai đoạn chuyển tiếp với nhiều biến động tâm sinh lý – “nửa người lớn, nửa trẻ con”, dễ bốc đồng và thiếu chín chắn. Nếu không được giáo dục sát sao, kịp thời, các em rất dễ mắc sai lầm. Trong bối cảnh đó, việc đẩy các em ra khỏi nhà trường không phải là một biện pháp giáo dục tích cực, thậm chí có thể khiến các em lún sâu hơn vào sai phạm.
Những lỗi lầm ở độ tuổi này cần được nhìn nhận một cách khách quan. Nhiều em phạm lỗi xuất phát từ hoàn cảnh gia đình đặc biệt, thiếu sự quan tâm của giáo viên chủ nhiệm, hoặc chưa từng được định hướng, uốn nắn đúng cách. Với lứa tuổi này, điều cần thiết là những biện pháp giáo dục và kỷ luật tích cực, phù hợp với mức độ vi phạm. Những hành vi nghiêm trọng như bạo lực học đường gây hậu quả nghiêm trọng hay phá hoại tài sản thì có thể cần đến sự can thiệp của các trung tâm giáo dưỡng. Nhưng với những vi phạm thông thường, trách nhiệm không chỉ thuộc về học sinh mà còn phần nào do sự thiếu sát sao từ phía cha mẹ và giáo viên. Như vậy, để xây dựng một môi trường giáo dục tích cực, vai trò của giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng. Giáo viên chủ nhiệm cần thật sự yêu nghề, yêu học trò, tôn trọng người học thay vì áp đặt hay đối phó.
(còn nữa)