Kỹ lưỡng khi sáp nhập

Nam Việt 03/08/2023 07:02

Thông tin quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) có thể sẽ phải sáp nhập với quận khác do diện tích quá nhỏ lập tức vấp phải nhiều phản ứng. Người ta không thể hình dung lúc nào đó sẽ không còn quận nổi bật nhất không chỉ của Thủ đô Hà Nội mà còn của cả nước. Trước đây, chỉ với việc ứng xử thế nào với rùa ở hồ Gươm cũng đã làm dậy sóng dư luận, huống hồ là cả một quận danh giá.

Tên quận Hoàn Kiếm lấy theo tích vua Lê Thái Tổ (1385-1433) trả gươm (hoàn kiếm) cho rùa vàng. Dân ta lưu lại ngàn đời rằng, một năm sau khi đánh đuổi giặc Minh xâm lược, nhà vua cùng các bề tôi thân tín ngồi thuyền đi dạo trên hồ Tả Vọng thì bất ngờ từ dưới làn nước trong xanh có một con rùa vàng ngoi đầu lên, cất tiếng: - Thưa nhà vua, lúc trước Đức Long Quân có cho nhà vua mượn thanh gươm thần để đánh giặc. Nay nghiệp lớn đã hoàn thành, xin nhà vua hãy trả lại gươm thần! Lê Lợi nghe xong liền cởi thanh gươm bên mình, cầm hai tay và dâng lên trước mặt rùa vàng. Thanh gươm bất ngờ bay khỏi tay nhà vua. Rùa vàng ngậm gươm, lặn xuống hồ biến mất.

Từ đó, hồ Tả Vọng có tên mới là hồ Gươm, hay hồ Hoàn Kiếm.

Trở lại với việc có thể quận Hoàn Kiếm sẽ sáp nhập do diện tích quá nhỏ (5,9km2 so với quy định 35km2). Trước phản ứng của dư luận, đại diện Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) đã lên tiếng cho biết, Hà Nội mới báo cáo về số liệu rà soát chứ chưa quyết định. Ngoài tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên còn có yếu tố đặc thù. Ví dụ, có địa giới đơn vị hành chính ổn định từ năm 1945; nhiều yếu tố liên quan đến văn hóa, lịch sử truyền thống, dân tộc… Các yếu tố này sẽ là căn cứ để quyết định có sáp nhập hay không.

Về vấn đề này, xin được nói ngay: Nếu như quận Hoàn Kiếm không đáp ứng được tiêu chí diện tích thì lại “thừa” các yếu tố hết sức đặc biệt. Dù là quận diện tích nhỏ nhất Hà Nội, nhưng xưa nay đã là một trung tâm văn hóa, kinh tế của Thủ đô. Nơi đây có tới 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích nổi tiếng. Điển hình là Quần thể di tích hồ Gươm - đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, chùa Báo Ân (chùa Liên Trì), tháp Báo Thiên, đền Vua Lê, Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội, Quảng trường 19/8, Nhà Thờ Lớn; Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, nhà tù Hỏa Lò, tượng đài Lý Thái Tổ… Không những thế, nhắc đến Hà Nội người ta nghĩ ngay đến 36 phố phường nằm trọn hầu hết ở quận Hoàn Kiếm.

Người nơi khác đến Hà Nội, ai cũng muốn ghé lại khu vực này để ít nhất cũng một lần được ngắm nhìn mặt nước hồ Gươm, ngắm tháp Rùa, tháp Hòa Phong, tháp Bút - đài Nghiên, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, di tích tượng đài Vua Lê, tượng đài Vua Lý Thái Tổ. Rất đặc biệt nữa là một phía của hồ Gươm là khu vực phố cổ, còn một phía là những con đường, những kiến trúc phương Tây. Đây chính là tâm điểm giao lưu văn hóa Đông - Tây không dễ nơi nào có được.

Với những gì tồn tại vững vàng theo thời gian đã trở thành ký ức, đã thành lịch sử của dân tộc thì khi tính đến việc sắp xếp, sáp nhập phải coi là cực kỳ hệ trọng mà không thể áp quy định một cách cứng nhắc.

Vậy, nếu sáp nhập thì Hoàn Kiếm sẽ nhập với quận nào? Ba Đình, Đống Đa hay Hai Bà Trưng? Đó cũng là những cái tên đã là một phần của lịch sử, không thể xóa, không thể ghép được. Chưa kể quận Đống Đa từng tách một phần thành quận Thanh Xuân, Ba Đình tách một phần thành quận Tây Hồ, Hai Bà Trưng tách một phần thành quận Hoàng Mai. Lại cũng không thể nhập vào quận Long Biên vì địa giới tự nhiên chính là sông Hồng, nhập vào sẽ không “thuận thiên”.

Tới đây, lại so Hà Nội với TPHCM. Quận Hoàn Kiếm của Hà Nội (5,9km2) vẫn còn lớn hơn một số quận của TPHCM, như quận 4 (4,18 km2); quận 5 (4,27 km2), quận Phú Nhuận (4,88 km2). Tuy nhiên, dân số ở các quận này đều rất lớn, tương đương với một thị xã. Mật độ dân cư đông đúc, kinh tế phồn thịnh.

Chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính là đúng đắn và cần thiết, giúp cho bộ máy gọn nhẹ, sử dụng hiệu quả tài sản công. Theo rà soát, giai đoạn 2023-2025, Hà Nội và TPHCM là hai địa phương có số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải sắp xếp, sáp nhập nhiều nhất cả nước: Hà Nội 1 đơn vị cấp huyện và 176 đơn vị hành chính cấp xã. TPHCM 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 149 đơn vị hành chính cấp xã.

Ngày 31/7, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, công tác này phải được chuẩn bị rất bài bản, lớp lang, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân và đây là mục tiêu cuối cùng.

Với quận Hoàn Kiếm càng phải như thế. Phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, không thể máy móc lại càng không thể tùy tiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỹ lưỡng khi sáp nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO