Kỹ năng “mềm” chính là cái tâm của mỗi cô giáo mầm mon – người mẹ hiền thứ hai của trẻ ở trường. Sự dìu dắt của tình yêu thương sẽ giúp các bé gắn bó, tin tưởng cũng như có hứng thú và hợp tác cùng cô trong mọi hoạt động.
Hoa thân,
Ngày mình theo gia đình sang Úc cũng là lúc phải gác lại ước mơ trở thành cô giáo mầm non, ước mơ đẹp nhất suốt 12 năm ngồi trên ghế nhà trường. Thế nhưng, cuộc sống đôi khi cũng thật biết chiều lòng người cậu ạ.
Sau một thời gian dài trải qua đủ nghề để mưu sinh nơi đất khách, mình đã được nhận vào làm ở Trung tâm giữ trẻ ở Sydney. Công việc cũng gần giống như một cô giáo dạy trường mầm non phải không cậu? Cũng là những kỹ năng chăm sóc, dạy dỗ, chơi đùa với bọn trẻ - những thiên thần nhỏ vô cùng đáng yêu.
Nói chuyện này lại nhớ một số hình ảnh bạo hành trẻ em ở các cơ sở mầm non trong nước mà báo chí phản ánh thời gian qua. Nhưng mình vẫn băn khoăn Hoa ạ, nếu việc này xảy ra tại các cơ sở tư nhân, nơi mà bảo mẫu là những người không được học hành, đào tạo về kỹ năng sư phạm thì còn hiểu được chứ chuyện xảy ra tại trường mầm non công lập như trường Xuân Giao (huyện Bảo Thắng – Lào Cai) và người bạo hành lại là cô hiệu trưởng thì quả thật là khó giải thích cậu nhỉ?
Thực ra ai cũng hiểu áp lực của các cô giáo, ở nhà bố mẹ trông 1, 2 đứa con nhiều lúc cũng stress vì sự nghịch ngợm, hiếu động cả mè nheo của bọn trẻ thì việc các cô phải dỗ dành mấy chục cháu trong một lớp cũng không hề đơn giản. Thế nhưng, các cô hơn bố mẹ ở chỗ được đào tạo qua trường lớp, được trau dồi kỹ năng giao tiếp và ứng xử với trẻ. Hơn nữa, khi lựa chọn nghề này các cô cũng phải xác định là người mẹ thứ hai của con.
“Mẹ” có thể dùng mọi phương pháp để vừa dạy, vừa dỗ chứ nhất định không thể để một đứa trẻ 5 tuổi thôi khóc mà dốc đầu cháu vào máy vặt lông gà và dọa cắm điện như ở trường mầm non xã Xuân Giao được. Một câu chuyện mà ai nghe qua cũng phải giật mình. Nó khiến những người làm cha làm mẹ vô cùng bất an khi giao con cho các cô (mặc dù đó chỉ là trường hợp thiểu số).
Cậu biết không, tại Úc cha mẹ có trách nhiệm pháp lý phải bảo đảm rằng con cái họ được trông nom đúng cách. Thậm chí, cha mẹ có thể bị buộc tội nếu bỏ mặc con cái hoặc để trong tình huống nguy hiểm. Vì vậy dịch vụ chăm sóc trẻ em rất phát triển ở Úc bao gồm cả chăm sóc trẻ tại nhà hoặc tại các trung tâm giữ trẻ. Ngoài ra, Úc cũng có một tổ chức quốc gia là Hội đồng chuẩn nhận dịch vụ giữ trẻ quốc gia quản lý việc bảo đảm chất lượng giữ trẻ cho các dịch vụ…
Thế nhưng, đó chỉ là kỹ năng “cứng” còn kỹ năng “mềm” chính là cái tâm của mỗi cô giáo mầm mon – người mẹ hiền thứ hai của trẻ ở trường. Sự dìu dắt của tình yêu thương sẽ giúp các bé gắn bó, tin tưởng cũng như có hứng thú và hợp tác cùng cô trong mọi hoạt động. Mình nghĩ là như vậy.
Bạn gái!