Ngày ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” và Ngày Sân khấu Việt Nam đã trở thành ngày tết nghề của giới văn nghệ sĩ, là ngày cùng nhau tưởng nhớ, tôn vinh công lao của Tổ nghề, các tiền bối đã sáng tạo, phát triển rực rỡ nghệ thuật sân khấu nước nhà.
Tối 25/9, tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ kỷ niệm 104 năm ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang và kỷ niệm lần thứ 14 ngày Sân khấu Việt Nam năm 2023 (12/8 âm lịch).
Buổi lễ nhằm ghi nhận sự cống hiến của các nghệ nhân, nghệ sĩ, soạn giả đã có công phát triển bản Dạ cổ hoài lang và xây dựng nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam nói chung, sân khấu cải lương nói riêng.
Với người nghệ sĩ, ngày giỗ tổ cổ nhạc luôn là một ngày đặc biệt quan trọng, là ngày mọi người cùng nhau tưởng nhớ, tôn vinh công lao của Tổ nghề, các tiền bối đã sáng tạo, phát triển rực rỡ nghệ thuật sân khấu nước nhà, trong đó có nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử trên quê hương Bạc Liêu. Về mặt tâm linh, mong tổ nghiệp phù hộ cho người nghệ sĩ luôn thành công trên con đường nghệ thuật, được khán giả yêu mến.
Tại Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (TP Bạc Liêu), vào 18h ngày 25/9 lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã đến thắp hương tri ân cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - người đã cho ra đời bản "Dạ cổ hoài lang" bất hủ. Khúc nhạc lòng, “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu trở thành bản nhạc khơi nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật về sau. Tác phẩm này được xem là tiền đề cho bản vọng cổ và nghệ thuật sân khấu cải lương ngày nay. Dù đã trải qua 104 năm, Dạ cổ hoài lang khúc nhạc lòng ấy vẫn nối mạch cảm xúc cho sáng tác cũng như cảm thụ dòng nhạc dân tộc nhiều thế hệ về sau.
Cách đây 104 năm, đúng vào đêm Rằm tháng 8 năm 1919, tại Làng Vĩnh Hương, tổng Thạnh Hòa, tỉnh Bạc Liêu (nay là phường 2, thành phố Bạc Liêu) xuất hiện một tác phẩm văn học nghệ thuật độc đáo, làm rung động lòng người. Bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã trải qua khoảng thời gian 104 năm, thực sự khoe sắc, tỏa hương trong rừng hoa nghệ thuật.
Khi bản Dạ cổ hoài lang ra đời đã nhanh chóng lan tỏa từ Bạc Liêu đến các tỉnh, thành trong cả nước. Với 20 câu đầy chất thơ ca, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã khắc chạm, tạo dựng nên một hình tượng nghệ thuật độc đáo, gần gũi với đời thường, trải lòng hy sinh chấp nhận và vò võ đợi chồng của người vợ...
Cố Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê đã khẳng định: “Trong cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được như “Dạ cổ hoài lang”, từ một sáng tác cá nhân đã biến thành một sáng tác tập thể, sanh ra từ đầu thế kỷ, lớn lên sống mạnh, biến hóa thiên hình vạn trạng, và sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu”.
Sự kiện, tên tuổi của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và giá trị nghệ thuật của bản Dạ cổ hoài lang đã thật sự đi vào lòng người trong suốt 104 năm qua. Chính bản “Dạ cổ hoài lang” đã góp phần cho nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, danh ca, danh cầm, nhiều tác giả, soạn giả là người Bạc Liêu nổi danh trên sân khấu cải lương như: Sáu Lầu, Ba Chột, Hai Thơm, Bảy Cao, Năm Nghĩa, Cô Ba Vàm Lẽo, Bảo Quốc, Thanh Nguyệt, Ánh Hồng, Yên Lang, Trọng Nguyễn…
Với ý nghĩa và giá trị ấy, tên của ông được đặt tên một con đường, một Rạp hát và Nhà hát mang tên Cao Văn Lầu. Đặc biệt là, “Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước.