Trong cuộc trò chuyện với Đại Đoàn Kết, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: Mỗi lần về thăm quê hương câu hỏi thường trực của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn là: Đời sống của nhân dân thế nào? Câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng nó luôn thể hiện được mong muốn của người đứng đầu đất nước đó là: Chăm lo cho nhân dân, và muốn nâng đời sống nhân dân thì Đảng phải trong sạch, phải có đường lối lãnh đạo đúng đắn.
Ông Nguyễn Văn Hùng.
PV:Xin ông cho biết cảm xúc của mình vào những ngày đất nước long trọng kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn- người con ưu tú của quê hương Quảng Trị?
Ông Nguyễn Văn Hùng: Những ngày này, không chỉ cá nhân tôi mà người dân Quảng Trị đều xúc động, tự hào. Sinh thời, mỗi lần về thăm quê, đồng chí thường nhắc nhở, căn dặn các đồng chí lãnh đạo: Bây giờ tất cả đều làm chủ chế độ mới, xây dựng nền kinh tế mới, phải đảm bảo đời sống mới của mọi người đủ no. Nếu còn một gia đình nào không có áo mặc thì tôi không chịu và không cho phép làm chuyện đó.
Đây chẳng những là nhiệm vụ mà còn là vấn đề đạo đức cộng sản. Đảng ta, Nhà nước ta phải chăm lo đến đời sống của nhân dân lao động và của từng người trong xã hội. Phải suy nghĩ, tìm cách giúp đỡ người già nua, bệnh tật, những trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Đi đôi với phát triển nông nghiệp phải phát triển ngư nghiệp, lâm nghiệp thành những ngành kinh doanh quan trọng.
Đồng thời phải tổ chức phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, mở mang nhiều ngành nghề, không ngừng sản xuất hàng thiết yếu và xuất khẩu. Mỗi làng, mỗi xã, phải đi sâu vào khoa học, kỹ thuật để tăng năng xuất. Muốn làm được điều này phải ra sức học tập, nâng cao trình độ văn hóa. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả đó là phải đoàn kết. Bà con mình phải biết yêu thương nhau, gia đình yêu thương nhau, cả xã hội, cả làng, xã phải yêu thương nhau.
Hẳn những tình cảm của người đứng đầu đất nước dành cho nhân dân đã làm ấm lòng người dân Quảng Trị?
- Dù ở cương vị cao nhất, nhưng những lần về thăm quê, đồng chí Tổng Bí thư đều dành thời gian tiếp đón bà con làng xóm đến chơi, gặp gỡ chuyện trò với những người cao tuổi, hàn huyên với bạn bè thuở thiếu thời. Trong căn nhà ấm cúng ở làng Hậu Kiên, đồng chí thân mật hỏi thăm sức khỏe từng người, nghề nghiệp, đời sống cả việc học hành của con cháu và động viên mọi người cố gắng vươn lên.
Những cuộc gặp ấm tình đậm nghĩa ấy khiến ai nấy đều xúc động trước cử chỉ gần gũi, ân cần của đồng chí. Nhân dân Quảng Trị, ai đã từng có dịp tiếp xúc với đồng chí Lê Duẩn đều có chung cảm nhận đó là nhà lãnh đạo kiệt xuất nhưng bình dị, đôn hậu. Mỗi khi nghe tin đồng chí về thăm quê ai cũng nôn nóng chờ đợi.
Tổng Bí thư Lê Duẩn trong một lần về thăm quê hương Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu.
Thưa ông, một trong những tư tưởng quan trọng của Tổng Bí thư Lê Duẩn đó là tăng cường chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn suy thoái trong Đảng. Đảng bộ Quảng Trị đã thực hiện nhiệm vụ này thế nào?
- Đồng chí Lê Duẩn là nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam. Đồng chí không chỉ là nhà lãnh đạo kiệt xuất mà còn là nhà lý luận tầm cỡ. Những tư tưởng của đồng chí về xây dựng Đảng đến nay cần tiếp tục được nghiên cứu, học tập.
Đặc biệt điều này cực kỳ quan trọng trong thời điểm toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi những biểu hiện suy thoái trong Đảng.
Hơn ai hết, là đảng bộ quê hương của đồng chí Tổng Bí thư, cấp ủy chính quyền quán triệt nghiêm túc tư tưởng và những lời căn dặn của đồng chí, nhất là những dịp đồng chí về thăm quê. Niềm mong ước của đồng chí là mong muốn Đảng bộ ngày càng vững mạnh, từ trong những kháng chiến đồng chí đã dày công xây dựng tổ chức đảng cho đến khi nắm cương vị cao nhất của Đảng, đồng chí về thăm đều căn dặn với mục tiêu phải xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đem lại cuộc sống no ấm, bình yên cho nhân dân.
Vì vậy sau khi có Nghị quyết Trung ương 4 Tỉnh ủy Quảng Trị đã khẩn trương ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện. Chúng tôi đã chọn những việc cần làm ngay và những việc cần làm lâu dài cả nhiệm kỳ này cũng như những năm tiếp theo.
Thứ nhất, tập trung xây dựng tổ chức cơ sở đảng là các chi bộ, đây là nền tảng tổ chức nên phải chăm lo để Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực sức chiến đấu của Đảng. Vì vậy, chúng tôi đã ban hành các đề án, phát triển đảng viên trong các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp nhà nước, ngoài quốc doanh, xóa thôn bản trắng. Thứ hai, chúng tôi tổ chức diễn đàn phát huy vai trò của chi bộ trong công tác quản lý giáo dục toàn thể đảng viên để ngăn chặn đẩy lùi, suy thoái. Vì hơn ai hết, chi bộ là nơi quản lý đảng viên việc gì của đảng viên, cán bộ, chi bộ là người biết rõ. Có thể nói, diễn đàn được xây dựng để cán bộ đảng viên thấm nhuần quan điểm của Đảng, làm rõ 27 dấu hiệu Trung ương đã chỉ ra từ đó có liên hệ, so sánh, đề cao trách nhiệm của mình, khi thực hiện nội dung Nghị quyết Trung ương 4.
Thứ ba, tăng cường thực hiện cơ chế kiểm soát, giám sát của nhân dân trong xây dựng chỉnh đốn Đảng. Chúng tôi thiết lập đường dây nóng cung cấp thông tin dư luận xã hội lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân góp ý xây dựng Đảng. Do đó, trong một thời gian ngắn, 8 tháng triển khai hoạt động này, chúng tôi đã tiếp nhận được gần 700 lượt ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên. Đó là những ý kiến tâm huyết trăn trở xây dựng Đảng. Đối với những kiến nghị, phản ánh cung cấp thông tin những vụ việc cụ thể, chúng tôi tiến hành kiểm tra ngay để củng cố niềm tin của dân với Đảng.
Quảng Trị luôn đề cao nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, cùng với đó phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện theo lời dạy, tư tưởng của Tổng Bí thư Lê Duẩn để xây dựng Đảng trong sạch, qua đó, chăm lo đời sống nhân dân.
Trân trọng cảm ơn ông!
PV: Thưa ông, các cấp các ngành của Quảng Trị đã thực hiện được nhiệm vụ “đảm bảo đời sống mới của mọi người đủ no” như ước nguyện của Tổng Bí thư Lê Duẩn chưa? Ông Nguyễn Văn Hùng: Thực hiện những tâm huyết, hoài bão của đồng chí Lê Duẩn, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị sau gần 30 năm tái lập tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương mang tính đột phá, mở đường cho kinh tế-xã hội phát triển. Theo đó, sản xuất nông - lâm – ngư nghiệp phát triển ổn định và toàn diện(tốc độ tăng trưởng 5 năm từ 2010-2015 đạt 3,7%/năm). Nông nghiệp và kinh tế nông thôn đang có những chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa. Sản lượng lương thực bình quân đạt 25 vạn tấn/năm. Tỷ trọng ngành chăn nuôi năm 2010 đạt 20,4%/năm tăng đạt 29,6%/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển khá toàn diện trên tất cả các vùng. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. |