Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Trần Duy Hưng 09/02/2017 06:00

Hôm nay (9/2), Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (9/2/1907 – 9/2/2017). Nhìn lại cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục, sôi nổi trong hơn 60 năm của Tổng Bí thư Trường Chinh, chúng ta càng hiểu rõ hơn công lao, đóng góp to lớn của ông cho Đảng, cho đất nước, cho dân tộc và nhân dân.

Khái quát về cuộc đời, sự nghiệp của ông, trong diễn văn đọc tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Trường Chinh ngày 5/10/1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khi ấy đã khẳng định: “Đồng chí Trường Chinh là người cộng sản kiên cường, mẫu mực; nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; nhà văn hóa, nhà báo lớn, nhà thơ với bút danh Sóng Hồng. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, cùng với BCH Trung ương và Bộ Chính trị, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng”...

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đại trí thức, đại khoa bảng và ở một làng quê nổi tiếng giàu truyền thống văn hoá, văn hiến, yêu nước là làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, Tổng Bí thư Trường Chinh đã sớm ảnh hưởng, tiếp nối và phát huy truyền thống của gia đình, của quê hương.

Theo đó, năm 1925, khi mới 18 tuổi, đang còn là học sinh trung học ở TP Nam Định ông đã tham gia hoạt động cách mạng, với các hoạt động đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu, cho tổ chức lễ truy điệu và để tang nhà chí sỹ yêu nước Phan Châu Chinh.

Năm 1927, khi mới 20 tuổi ông đã gia nhập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội và tới năm 1941, khi mới 34 tuổi, đồng chí Trường Chinh đã là Tổng Bí thư của Đảng. Kể từ đó, trải qua, đảm nhiệm nhiều trọng trách của Đảng, Nhà nước, trong đó có 3 lần đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư của Đảng, ở giai đoạn nào, ở cương vị nào Tổng Bí thư Trường Chinh cũng để lại những dấu ấn lớn.

Từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1944, trong bối cảnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị địch bắt và xử bắn, đồng chí Hoàng Quốc Việt được cử đi công tác nước ngoài, với trọng trách Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã cùng với Trung ương có những quyết định quan trọng, đưa sự nghiệp cách mạng phát triển nhảy vọt.

Trước đó, vào năm 1941, tại Hội nghị Trung ương 8, cùng với lãnh tụ Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đề xuất “Cương lĩnh cách mạng giải phóng dân tộc”; thành lập Mặt trận Việt Minh (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay) và các đoàn thể cứu quốc.

Ngày 9/3/1945, đồng chí Trường Chinh chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng, ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, chỉ rõ thời cơ, động viên, hướng dẫn toàn Đảng, toàn dân trong cao trào chống Nhật cứu nước. Sau đó, trên cương vị phụ trách Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, đồng chí Trường Chinh đã chủ trương, phát lệnh tổng khởi nghĩa vào ngày 13/8/1945, trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện, đưa Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến thành công.

Trong kháng chiến chống Pháp, tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của đồng chí Trường Chinh, với quan điểm, phương châm “kháng chiến toàn dân, kháng chiến toàn diện, kháng chiến trường kỳ” đã định hướng, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân kháng chiến, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.

Nói về dấu ấn, đóng góp của Tổng Bí thư Trường Chinh trong lĩnh vực văn hóa, chúng ta không quên bản “Đề cương văn hóa Việt Nam” do ông khởi thảo năm 1943, với ba phương châm “dân tộc, khoa học và đại chúng”. Đến nay, quan điểm, phương châm này vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa nước nhà.

Đó còn là bản báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” được Tổng Bí thư Trường Chinh đọc tại Đại hội Văn hóa cứu quốc lần thứ 2, tổ chức năm 1948. Đây được xem là tác phẩm sáng giá về văn hóa, văn nghệ nước ta thời bấy giờ.

Nói về sự cần thiết của việc phê bình, khi đó Tổng Bí thư Trường Chinh từng nhấn mạnh: “Không có phê bình, không có luận chiến, phong trào văn nghệ của nước ta êm đềm quá, trầm mặc quá, không khác nào con ngựa đi bước một, rũ cổ xuống đất, thiếu một chiếc roi phê bình quất cho con ngựa lồng lên”.

Đồng chí cũng khẳng định, nhìn nhận: “Hiện thực xã hội chủ nghĩa không cấm con người ta ước mơ. Văn nghệ không có ước mơ khác nào con chim không có cánh, con thuyền không có buồm”.

Không chỉ là nhà cách mạng, nhà lý luận, nhà văn hóa lớn, Tổng Bí thư Trường Chinh còn được biết đến là một nhà báo chính luận hàng đầu, nhà thơ cách mạng với bút danh Sóng Hồng, đã trực tiếp chỉ đạo thành lập và phụ trách nhiều tờ báo cách mạng.

Báo Cứu Quốc, tiền thân của báo Đại Đoàn Kết ngày nay vinh dự là một trong những tờ báo được Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo thành lập và trực tiếp làm chủ bút, chỉ đạo nội dung trong thời kỳ đầu.

Cụ thể, vào tháng 9/1941, 4 tháng sau ngày thành lập Mặt trận Việt Minh, tại Hội nghị Cán bộ toàn xứ Bắc Kỳ, với cương vị Tổng Bí thư của Đảng, ông đã đề xuất chủ trương xuất bản một tờ báo làm cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, phát hành rộng rãi trong các tổ chức Mặt trận.

Từ chủ trương này, ngày 25/1/1942, tại làng Xuân Kỳ, huyện Sóc Sơn (TP.Hà Nội), báo Cứu Quốc chính thức xuất bản số đầu tiên. Đến nay báo Cứu Quốc-Đại Đoàn Kết đã trải qua lịch sử 75 năm, ở giai đoạn nào cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền lửa cách mạng...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với cương vị là Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, rồi sau đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, ông đã cùng tập thể Bộ Chính trị có những đóng góp to lớn vào việc chuẩn bị và đưa ra những quyết sách chiến lược, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tới thắng lợi hoàn toàn.

Đặc biệt, ở thời điểm hơn 30 năm trước (năm 1986), trong bối cảnh đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh cùng Trung ương đề ra chủ trương, khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước, trước hết là đổi mới về tư duy kinh tế.

Dấu ấn lớn nhất của Tổng Bí thư Trường Chinh khi đó là đã đưa ra quan điểm mới về đánh giá tình hình, theo đó Đảng “phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật”.

Như đã biết, mặc dù văn kiện Đại hội Đảng VI khi đó đã được soạn thảo nhưng sau khi đi tìm hiểu tình hình thực tế ở nhiều địa phương, nhận thấy nội dung văn kiện không thể hiện được tinh thần quan điểm trên, Tổng Bí thư Trường Chinh khi đó đã chỉ đạo soạn lại văn kiện theo phương châm, quan điểm “phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật”. Đây là minh chứng sinh động, thể hiện tinh thần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, dám vượt lên những quan niệm, nếp nghĩ cũ để mạnh dạn đổi mới của người đứng đầu Đảng khi đó.

Một dấu ấn lớn của Tổng Bí thư Trường Chinh khi đó còn là: ông đã chỉ ra những bài học quan trọng về đổi mới, trong đó có bài học là trong toàn bộ hoạt động của mình Đảng phải quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc; xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động; phải luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, trong đó, năng lực nhận thức và hành động theo quy luật là điều kiện đảm bảo sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.

Đại hội Đảng lần thứ VI, như đã biết, sau đó đã được ghi nhận là Đại hội Đổi mới, đánh dấu một mốc son mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam, một bước ngoặt trong tư duy lý luận của Đảng, là tiền đề quyết định để công cuộc đổi mới đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn như ngày nay...

Liên hệ cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư Trường Chinh với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, cụ thể là với nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về ngăn chặn tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở Đảng đều có thể rút ra được rất nhiều bài học quan trọng, có ý nghĩa thiết thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng