Kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2020): Những giá trị sống mãi với thời gian

Nguyên Khánh (thực hiện) 22/04/2020 08:00

V.I.Lênin là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Di sản Lênin để lại cho nhân loại tiến bộ là vô cùng to lớn cả trên phương diện thực tiễn hoạt động cách mạng cũng như tư tưởng lý luận và những giá trị ấy còn mãi với thời gian. Dịp này, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc đã có cuộc trò chuyện với Đại Đoàn kết.

Kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2020): Những giá trị sống mãi với thời gian

V.I.Lênin.

PV: Vì sao khi nhắc đến Lênin người ta thường cho rằng ông là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt suất, đặc biệt ông đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Phúc: Theo tôi, thứ nhất, Lênin có rất nhiều cống hiến về lý luận lẫn thực tiễn cách mạng của giai cấp vô sản. Có thể nói, Lênin là người đã hiện thực hóa lý thuyết về chủ nghĩa xã hội (CNXH) của Các Mác và Ăngghen (vì Các Mác và Ăngghen chỉ hình thành nên lý luận về CNXH khoa học). Trong khi đó, Lênin là người đưa CNXH khoa học trở thành hiện thực bằng cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga sau đó lãnh đạo xây dựng CNXH trong 6 năm từ năm 1917- 1924. Tức là Lênin có cống hiến là hiện thực hóa CNXH, sau đó mô hình CNXH ấy như một tấm gương để mở ra một thời đại mới cho lịch sử nhân loại: Đó là các dân tộc khác đi lên con đường CNXH và cho đến nay nhiều nước vẫn tiếp tục con đường XHCN do Lênin đã mở ra.

Thứ hai, di sản quan trọng Lênin không chỉ giải phóng giai cấp vô sản ở Nga mà còn giải phóng các dân tộc thuộc địa vốn là thuộc địa của Nga. Sau này các dân tộc thuộc địa ở Trung Á, một số nơi khác cũng đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười và liên minh với nhau để thành Liên bang Xô viết. Rõ ràng, sự nghiệp giải phóng của các dân tộc thuộc địa được chính Lênin thực hiện, chứ không chỉ là lý thuyết.

Thứ ba, khi Lênin nghiên cứu về chủ nghĩa đế quốc (CNĐQ) đầu thế kỷ XX chỉ rõ, bản chất của CNĐQ khác với chủ nghĩa tư bản (CNTB) ở thế kỷ XIX. CNTB ở thế kỷ XIX là CNTB tự do cạnh tranh, nhưng sang thế kỷ XX chuyển thành CNTB đi xâm chiếm các thuộc địa ở cả châu Á, Phi, Mỹ La tinh. Lênin đã chỉ ra bản chất phản động của CNĐQ, phản động không những đối với giai cấp vô sản, nhân dân lao động ở các nước tư bản như Mỹ, Anh, Pháp, Đức mà nó còn nô dịch, áp bức các dân tộc thuộc địa. Vì thế Lênin đặt ra mục tiêu chiến lược là liên kết giữa cách mạng vô sản ở chính quốc với cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa. Nghĩa là các nước thuộc địa phải đứng lên để đấu tranh tự giải phóng. Vì thế Lênin có cống hiến lớn, phát triển lý thuyết về cách mạng thuộc địa, đưa ra Đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Và chính nhờ Đề cương đó mà Nguyễn Ái Quốc đã đọc được, tìm được con đường giải phóng dân tộc đúng đắn ở ở Việt Nam.

Kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2020): Những giá trị sống mãi với thời gian - 1

Ông Nguyễn Trọng Phúc.

Ông vừa đề cập đến việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp được Luận cương của Lênin vậy cụ thể, ý nghĩa của tư tưởng của Lênin ảnh hưởng thế nào đến cách mạng và giải phóng dân tộc nước ta, thưa ông?

- Bác Hồ đã tìm thấy ở Lênin con đường giải phóng dân tộc đúng đắn khi đọc Luận cương của Lênin. Tức là chính nước thuộc địa phải tự đứng lên đấu tranh giải phóng. Khi đứng lên giải phóng giành độc lập rồi thì phải giải phóng cả xã hội, con người nữa chứ không chỉ có giành độc lập cho đất nước.

Có thể nói, đối với cách mạng Việt Nam, tư tưởng của Lênin đã mở ra những chân trời mới, soi đường, chỉ lối cho nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn vận dụng một cách sáng tạo những tư tưởng của Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, tiến hành Cách mạng tháng Tám thành công, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất Đất nước, thực hiện nhiệm vụ xây dựng CNXH, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Vậy di sản của Lênin có ý nghĩa thế nào trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?

- Có thể nói những giá trị về lý luận và thực tiễn trong di sản của Lênin sẽ sống mãi với thời gian. Thứ nhất, nó giúp giải phóng các dân tộc bị áp bức, các dân tộc chịu cảnh lầm than trên thế giới. Sau này các dân tộc đều đứng lên đấu tranh tự giải phóng. Ngày nay dù không còn thuộc địa nữa thì những lý luận trong tư tưởng Lênin giúp các nước cần củng cố nền độc lập của mình, củng cố vị thế dân tộc của mình, phát triển, xây dựng đất nước giầu mạnh vì cuộc sống của nhân dân.

Thứ hai, muốn phát triển đất nước, chăm lo cho người dân phải tiếp tục con đường CNXH. Lênin từng nói, các dân tộc dù điểm xuất phát khác nhau cuối cùng các nước cũng đi tới CNXH cho nên luận đề của Lênin về độc lập dân tộc gắn với CNXH chính Lênin là người khai phá con đường đó và cho đến nay lý thuyết về xây dựng CNXH hiện thực có ý nghĩa thời đại là thế. Tư tưởng này mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho các dân tộc các quốc gia đi lên con đường giải phóng triệt để. Bởi chỉ theo con đường CNXH mọi người sẽ được giải phóng khỏi áp bức bất công, bóc lột không còn người bóc lột người, mọi người được tự do, bình đẳng, sống trong xã hội văn minh, tốt đẹp. Con đường CNXH như Cương lĩnh của Đảng ta đã nêu để đạt được đích dân giầu nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh, đó chính là cụ thể hóa tư tưởng CNXH của Các Mác, Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2020): Những giá trị sống mãi với thời gian