Chiều 10/6, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã chủ trì cuộc họp Ban Tổ chức Hội thảo quốc tế “Vai trò của các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) trong phòng, chống tham nhũng, góp phần tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt” và Hội thảo khoa học “KTNN - 30 năm xây dựng và phát triển”.
Tham dự cuộc họp có các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Hà Thị Mỹ Dung, Bùi Quốc Dũng; lãnh đạo các KTNN chuyên ngành, khu vực, đơn vị tham mưu, đơn vị sự nghiệp và thành viên Ban tổ chức hai Hội thảo.
Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (HTQT) Nguyễn Bá Dũng thông tin: Hội thảo quốc tế “Vai trò của các SAI trong phòng, chống tham nhũng, góp phần tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt” dự kiến tổ chức vào sáng 9/7/2024 với khoảng 160 khách mời, gồm đại biểu quốc tế (đại diện 26 SAI và tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam) và đại biểu trong nước (đại diện cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương, các trường, học viện, viện nghiên cứu).
Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội thảo, nhiều hoạt động khác sẽ diễn ra như: Ký Thỏa thuận hợp tác với SAI Mông Cổ; đại biểu quốc tế tiếp kiến lãnh đạo Quốc hội; đại biểu quốc tế tham dự Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN…
Hiện nay, Vụ HTQT đã hoàn thành Chương trình tổng thể, danh sách khách mời, tham luận, sổ tay Hội thảo, chuẩn bị truyền thông và hậu cần. Đồng thời, tích cực triển khai các nội dung quan trọng: Thống nhất nội dung và chương trình Hội đàm song phương với SAI Singapore và SAI Hàn Quốc; xây dựng Chương trình tiếp kiến Lãnh đạo Quốc hội; xây dựng Kịch bản chi tiết và bài phát biểu; hoàn thành Kỷ yếu.
Ghi nhận những nỗ lực của Ban tổ chức trong công tác chuẩn bị Hội thảo quốc tế, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh: Hội thảo cần được tổ chức trang trọng, “gọn nhưng chất”, tập trung vào học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong công tác phòng, chống tham nhũng; quá trình thực hiện, kết quả đạt được của các SAI trên thế giới. Từ đó, KTNN Việt Nam có thể thu được những kinh nghiệm thiết thực nhất về điều kiện tổ chức kiểm toán, khuôn khổ pháp lý; đồng thời khẳng định được vai trò tối cao của cơ quan kiểm toán.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn yêu cầu, đây là hội thảo mang tính chuyên môn cao, vì vậy, khách mời tham dự phải phù hợp với chủ đề của Hội thảo, trong đó, khách mời quốc tế là đại diện các SAI đang làm tốt công tác kiểm toán phòng, chống tham nhũng, kiểm toán điều tra; khách mời trong nước là đại diện đến từ các cơ quan: Ban Nội chính Trung ương; Ủy ban Tài chính ngân sách và Pháp luật; Thanh tra Chính phủ; Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; Tòa án Nhân dân tối cao; Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam; các viện…
Báo cáo tiến độ chuẩn bị Hội thảo khoa học “Kiểm toán nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển”, Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc cho biết: Dự kiến Hội thảo diễn ra ngày 3/7/2024; khách mời là đại diện các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và một số địa phương.
Nội dung xuyên suốt của Hội thảo sẽ tập trung khái quát về chặng đường lịch sử 30 năm hình thành và phát triển KTNN, bao gồm 3 phần: Phần 1 là câu chuyện hình thành và phát triển của KTNN với các các con số, sự kiện và cột mốc lịch sử, kiến tạo hạ tầng pháp lý và phát triển bộ máy tổ chức; Phần 2 là những thành tựu nổi bật của KTNN thông qua câu chuyện của các địa phương, Bộ, ngành, doanh nghiệp; Phần 3 là định hướng và kỳ vọng đối với KTNN trong thời gian tới.
Thông tin thêm về nội dung và cách thức tổ chức Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng cho biết, ý tưởng, nội dung xuyên suốt của Hội thảo là câu chuyện lịch sử về quá trình lịch sử từ giai đoạn đầu thành lập, những khó khăn thách thức và những thành tựu KTNN đã đạt được đến nay.
Theo đó, trong phần đầu về câu chuyện hình thành và phát triển của KTNN, các diễn giả sẽ là những nhân chứng lịch sử, những người đặt nền móng đầu tiên cho KTNN. Bên cạnh đó, các khách mời cũng sẽ được nghe những câu chuyện về việc hình thành cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất, xây dựng quy trình kiểm toán, hồ sơ mẫu biểu, chuẩn mực, Luật KTNN…
Đối với những thành tựu nổi bật của KTNN, diễn giả sẽ là đại diện các địa phương, Bộ ngành, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với KTNN trong hoạt động kiểm toán, đồng thời cũng thể hiện rõ những dấu ấn, vai trò nổi bật của KTNN đối với từng lĩnh vực, dự án, chương trình cụ thể. Trong phần định hướng và kỳ vọng đối với KTNN, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương và doanh nghiệp sẽ chia sẻ những mong muốn, kỳ vọng hoặc những kiến nghị đối với KTNN và hoạt động kiểm toán.
Với kết cấu nội dung như vậy, kỷ yếu Hội thảo không chỉ là những bài tham luận mà sẽ bao gồm những câu chuyện, hình ảnh, kỷ niệm gắn với từng mốc lịch sử, sự kiện của KTNN. Đồng thời, kỷ yếu cũng sẽ là tài liệu tập trung ghi lại những kỳ vọng, kiến nghị của các Bộ ngành, cơ quan trung ương, địa phương và doanh nghiệp đối với KTNN trong thời gian tới.
Thống nhất với các nội dung trong báo cáo, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh: Quá trình hình thành và phát triển KTNN phải được thể hiện rõ qua 2 yếu tố: Khuôn khổ pháp lý, Hiến pháp, Luật, chuẩn mực, hệ thống quy chế, quy trình kiểm toán; hạ tầng cứng là cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực. Đối với những thành tựu của KTNN, cần tập trung làm nổi bật vai trò của KTNN trong việc xác nhận quyết toán ngân sách; cho ý kiến về dự toán và phân bổ ngân sách nhà nước; hỗ trợ các địa phương trong quản lý và điều hành ngân sách.