Kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2021): ‘Áo mới’ cho Thủ đô

H.Vũ 09/10/2021 06:26

Nhiều ý kiến cho rằng, để Thủ đô phát triển xứng tầm về kinh tế, văn minh, hiện đại rất cần sự “cởi trói” mạnh mẽ hơn cho thành phố về cơ chế.

Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, quy mô và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một số mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị, đất đai, bảo vệ môi trường chưa đạt tiến độ, chất lượng, có mặt yếu kém. Việc di dời cơ sở sản xuất, cơ quan theo Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ đô thị hóa thấp, phát triển chưa đồng đều, chưa giảm tải cho đô thị trung tâm. Do đó việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012 để kịp thời thể chế hóa những chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố về vị trí, vai trò, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới là cần thiết.

Nói về thực thi Luật Thủ đô, nhiều chuyên gia nhìn nhận căn cứ pháp lý của Luật Thủ đô như: Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công đều đã sửa đổi, bổ sung, thay thế. Bên cạnh đó, chính sách trọng dụng nhân tài tuy đã được thành phố quan tâm, nhưng chưa thu hút được nhiều sinh viên giỏi, nhà khoa học trẻ có tài năng để tuyển dụng bố trí làm việc tại các cơ quan, đơn vị.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, luật lần này cần sửa đổi bổ sung xung quanh 3 nhóm nội dung trụ cột, gồm: Chính quyền đô thị; tài chính - ngân sách đặc thù cho thành phố và quản lý đô thị, dân cư đô thị. Theo Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ củng cố cơ sở pháp lý thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh và bền vững. Ngoài ra, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô sẽ bổ sung quy định mới về mô hình chính quyền đô thị và cơ chế tài chính ngân sách đặc thù cho Thủ đô phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Tại các buổi tiếp xúc cử tri của đoàn ĐBQH TP Hà Nội diễn ra trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc vào ngày 20/10), cử tri các quận, huyện của Hà Nội đã đề nghị sớm hoàn thành quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Hồng, quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy để tạo điều kiện cơ sở pháp lý cho sự phát triển của khu vực, sớm đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 trong thời gian tới. Cử tri Phan Phúc Long (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ) kiến nghị: “Quốc hội, Chính phủ quan tâm xây dựng, phê chuẩn thêm một số chính sách đặc thù để Thủ đô tiếp tục phát triển hơn nữa, xứng tầm với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của cả nước”. Đặc biệt, một vấn đề của Hà Nội liên quan đến cơ chế cần được tháo gỡ, đó là vấn đề về ô nhiễm môi trường. Kiến nghị tới Quốc hội, cử tri huyện Sóc Sơn đề nghị, cần có giải pháp xử lý triệt để hơn thực trạng ô nhiễm môi trường tại Khu xử lý rác thải Nam Sơn, cũng như việc xử lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vượt hạn mức theo quy định tại nông thôn đối với diện tích đất ở có vườn, ao.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc sửa đổi Luật Thủ đô hướng tới những chính sách đặc thù và vượt trội cho Hà Nội sẽ giúp thành phố được trao thêm quyền để phát huy tính sáng tạo, tăng tính tự chủ của chính quyền để xử lý những vấn đề khó khăn đang diễn ra. Là ĐBQH TP Hà Nội, GS. TS Hoàng Văn Cường cho rằng, hiện cơ chế đặc thù cho Hà Nội về chính quyền đô thị đã được thực thi, nhưng cơ chế về tài chính thì Hà Nội vẫn chưa thực hiện, do đó cần xúc tiến để khai thác cơ chế đặc thù để tạo nguồn lực. Bên cạnh đó, cũng cần thiết đề xuất thêm các cơ chế đặc thù cho Hà Nội. Ở góc độ kinh tế, theo ông Cường, khi đánh giá tổng kết sửa đổi Luật Thủ đô cần kiến nghị thêm để có cơ chế thực sự vượt trội, và đột phá hơn nữa cho Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2021): ‘Áo mới’ cho Thủ đô