Trước những ý kiến lo ngại về công tác chấm thi không đảm bảo, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Công tác chấm thi không phải bây giờ mới tính toán. Ngay từ khi xác định đặt cụm thi ở đâu Bộ GD&ĐT cùng các trường ĐH dự kiến chủ trì cụm thi, các Sở GD&ĐT đã tính chuyện này rồi. Quy mô dự kiến của các trường là bao nhiêu giáo viên Toán, Lý, Hóa… đã căn chỉnh tính toán. Đó chính là tham số để đi đến quyết định đặt cụm thi ở đâu. Công tác chấm
Các thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2015
Kế hoạch chấm thi tại một số cụm
Theo quy đinh của Bộ GD&ĐT, các cụm thi sẽ phải hoàn thành chấm thi và báo cáo sơ bộ kết quả trước ngày 20-7. Gửi dữ liệu kết quả thi của các thí sinh đã đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các Sở GD&ĐT có thí sinh dự thi chậm nhất ngày 20-7. Cập nhật vào phần mềm quản lý thi và gửi báo cáo kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ về Bộ GD&ĐT, công bố kết quả tốt nghiệp THPT trước ngày 25-7. Đúng như chỉ đạo, nhiều nhà trường đã tiến hành chuẩn bị chấm thi ngay trong khoảng thời gian các em vừa thi xong môn thứ nhất. Số bài thi của thí sinh năm nay được tính tăng gấp nhiều lần so với mọi năm, nên số lượng giáo viên chấm thi tại các cụm đa phần phải điều động thêm. Ngay cả cách chấm thi cũng được cho là phức tạp bởi kỳ thi có 2 mục đích kép, xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Sau khi kết thúc môn thi đầu tiên, trường ĐH Thủy Lợi đã tiến hành công tác làm phách. Việc làm phách cũng được tiến hành tương tự ở các môn thi tiếp theo. Những môn thi trắc nghiệm, nhà trường sẽ tự chấm. Còn môn tự luận, nhà trường phải mời thêm giáo viên các trường phổ thông. Công tác chấm thi chính thức bắt đầu từ ngày 5-7. Theo dự tính, ngày 18-7 sẽ hoàn thành để ráp phách, vào điểm và nộp lên Bộ GD&ĐT. Còn tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (cụm thi số 6), lãnh đạo nhà trường cho biết có thể hoàn toàn chủ động về nhân lực chấm thi ở cả hai môn thi trắc nghiệm và tự luận. Trường cũng bắt đầu chính thức bắt tay vào công tác chấm thi từ ngày 5-7, và tin tưởng có thể hoàn thành đúng tiến độ. Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, công tác chấm thi diễn ra muộn hơn. Dự kiến ngày 9-7 sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ chấm thi, sau đó sẽ tiến hành chấm thi bắt đầu từ 10-7. Hiện nhà trường đang tiến hành công tác làm phách. Ngoài huy động giảng viên, Học viện còn mời thêm giáo viên của Hà Nội và Bắc Ninh để chấm môn Tiếng Đức, Tiếng Nhật và một số môn tự luận để đảm bảo tính khách quan…
Nói về các giáo viên THPT cũng sẽ giúp cho các trường ĐH chủ trì trong công tác chấm thi, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Với kỳ thi như lần này thì việc huy động các giáo viên THPT tham gia phục vụ cho kỳ thi THPT Quốc gia sẽ không nhiều như mọi năm. Chúng tôi cũng xác định lựa chọn những giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực để tham gia kỳ thi, nhất là trong việc tham gia chấm thi. Nếu các trường ĐH mời giáo viên chấm thi, chúng tôi cũng có ủy quyền cho các trường ĐH lựa chọn các giáo viên ở những trường THPT là những người đã từng chấm cho các trường ĐH nhiều năm. Các trường ĐH có thể đề xuất với Sở trong việc tuyển lựa giáo viên tham gia chấm thi này.
Có 2 tiêu chí để thấy rằng có thể tin tưởng được. Đó là các trường ĐH đã qua thẩm định từ trước. Hoặc các trường ĐH mới thì cũng thăm dò hỏi qua một số trường. Chúng tôi lại là người kiểm tra cuối cùng để thấy đó là những giáo viên thật sự có năng lực trình độ để tham gia chấm thi cùng các trường ĐH…
Đảm bảo chấm công bằng, chính xác
Các trường ĐH chủ trì cụm thi đều khẳng định, vấn đề được đặt lên hàng đầu là đảm bảo công tác chấm công bằng, chính xác.
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, cách chấm bài thi tự luận, giáo viên chấm phải theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GD&ĐT. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm. Quy trình chấm được lên kế hoạch và thông báo rõ ràng. Ban Thư ký Hội đồng thi giao túi bài thi đã làm phách và phiếu chấm cho Trưởng môn chấm thi. Trưởng môn chấm thi tập trung toàn bộ cán bộ chấm thi để quán triệt quy chế thi, thảo luận hướng dẫn chấm, chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận mỗi môn để rút kinh nghiệm, thống nhất cách vận dụng hướng dẫn chấm. Sau đó tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại 2 phòng chấm riêng biệt.
Với môn thi trắc nghiệm sẽ được chấm bằng máy với phần mềm chuyên dụng. Cách chấm bài thi trắc nghiệm khác với bài thi tự luận. Phần mềm chấm phải có chức năng kiểm dò và xác định được các lỗi để chấm đúng theo quy chế thi. Trong quá trình chấm thi, phải bố trí bộ phận giám sát trực tiếp và liên tục từ khi mở niêm phong túi đựng Phiếu bài làm của thí sinh đến khi kết thúc chấm thi. Các thành viên tham gia xử lý không được mang theo bút chì, tẩy vào phòng chấm thi và không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu bài làm của thí sinh với bất kỳ lý do gì. Mọi hiện tượng bất thường đều phải báo cáo ngay cho bộ phận giám sát và Tổ trưởng để cùng xác nhận và ghi vào biên bản. Tất cả Phiếu bài làm của thí sinh sau khi đã quét và Phiếu thu bài thi được niêm phong, lưu giữ và bảo mật tại đơn vị chủ trì cụm thi.
Sau khi quét, phải tiến hành kiểm dò để đối chiếu hết lỗi logic và sửa các lỗi kĩ thuật (nếu có) ở quá trình quét. Tổ chấm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10 (lấy đến 0,25) cho từng bài thi trắc nghiệm. Thống nhất sử dụng mã môn thi trong các tệp dữ liệu theo quy định của Bộ GD&ĐT…
Chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi
Sau khi chấm thi, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập tổ chấm kiểm tra. Những người đã tham gia chấm thi và thành viên Ban Thư ký Hội đồng thi không được tham gia chấm kiểm tra. Tổ Chấm kiểm tra sẽ thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi đã chấm của mỗi môn thi tự luận, theo tiến độ chấm thi môn đó; việc chấm kiểm tra thực hiện theo quy trình.
Cuối mỗi buổi chấm hoặc khi xét thấy cần thiết, Tổ trưởng Chấm kiểm tra tổng hợp và báo cáo kết quả chấm kiểm tra và kiến nghị, đề xuất với Trưởng Ban Chấm thi áp dụng các biện pháp phù hợp giúp cho việc chấm thi được công bằng, khách quan, nghiêm túc.
Về đề thi môn Vật lý gây tranh cãi Bộ GD&ĐT vừa phát đi thông tin giải trình của Tổ ra đề thi môn Vật lý Kỳ thi THPT Quốc gia trước ý kiến của dư luận về câu 44 mã đề thi 147 và câu 47 mã đề thi 274 sau khi Bộ công bố đáp án môn Vật lý (thi vào ngày 2-7). Theo đó Tổ ra đề thi môn Vật lý cho rằng: 1. Câu 47 mã đề thi 274 (tương ứng với câu 47 mã 138; câu 46 mã 426; câu 48 mã 841; câu 44 mã 682, câu 41 mã 935): nội dung câu hỏi và phương án trả lời không có gì sai sót. 2. Câu 44 mã đề thi 274 (tương ứng với câu 43 mã 138; câu 50 mã 426; câu 41 mã 841; câu 43 mã 682, câu 43 mã 935) là một dạng bài tập về dòng điện xoay chiều quen thuộc. Khi học sinh và giáo viên giải câu này (trên các báo viết, trên truyền hình, trên một số báo mạng…) đều nhận được kết quả fo = 70,7 Hz. Tổ ra đề thi khi chọn câu hỏi này để đưa vào đề thi đã giải theo các cách phổ biến, thường được dùng ở trường THPT và cũng đã nhận được kết quả như đã cho trong đáp án (fo = 70,7 Hz). Tuy nhiên, nếu suy xét toàn diện hơn, thì các dữ kiện của câu hỏi thi này đúng về mặt Toán học mà chưa đủ ý nghĩa Vật lý. Để bảo đảm quyền lợi của thí sinh, trên cơ sở đề xuất của Hội đồng ra đề thi, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2015 quyết định giữ nguyên đáp án và hướng dẫn chấm môn Vật lý; riêng đối với câu 44 mã đề thi 274, câu 43 mã đề thi 138, câu 50 mã đề thi 426, câu 41 mã đề thi 841, câu 43 mã đề thi 682, câu 43 mã đề thi 935 tất cả các thí sinh đều được 0,2 điểm; thang điểm các câu còn lại không thay đổi, điểm tối đa toàn bài thi môn Vật lý vẫn là 10 điểm. H.Tr |