Kỳ thi THPT quốc gia 2017: Các khâu chuẩn bị đã hoàn tất

H. Trang 14/06/2017 08:35

Chỉ còn 10 ngày nữa Kỳ thi THPT quốc gia 2017 chính thức bắt đầu. Đến thời điểm hiện nay, theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã tương đối hoàn tất. Các văn bản pháp luật ban hành sớm, quy chế, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức thi... cũng đã được ban hành tương đối đầy đủ.

* Đề thi THPT quốc gia đã được chuyển an toàn tới các Sở GD&ĐT trong cả nước
* Đảm bảo tuyệt mật công tác in sao đề thi

Ảnh minh họa.

Hơn 640.000 thí sinh đã đăng ký xét tuyển đại học

Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), năm 2017, có 866.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia. Cả nước có 36.832 phòng thi, 2.364 điểm thi. Cán bộ, giảng viên đại học tham gia kỳ thi là 39.645 người. Giảm hơn 20.000 cán bộ giảng viên đại học tham gia kỳ thi so với năm 2016 (năm 2016, các trường đại học, cao đẳng phải điều động 60.000 người).

Chia sẻ về kỳ thi THPT quốc gia 2017, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh về những vấn đề cần lưu ý trong công tác tuyển sinh năm nay. Theo bà Phụng, năm nay là năm thứ ba của quá trình đổi mới thi và tuyển sinh. Đối với thí sinh, có lưu ý về thời gian thí sinh đăng ký xét tuyển sớm hơn hai năm trước, giúp cho các thí sinh có thời gian, có mục đích hướng tới để phấn đấu. Các trường cũng nắm được tỉ lệ thí sinh dự kiến vào trường mình.

Điểm lưu ý nữa là năm nay thí sinh ĐKXT không giới hạn nguyện vọng (NV). Việc này mở ra cho thí sinh cơ hội trúng tuyển cao hơn, giúp các em chọn được những ngành nghề yêu thích, vào được những trường theo phân khúc khác nhau của chất lượng với mức điểm phù hợp.

Theo bà Phụng, đến thời điểm hiện nay đã có 640.431 thí sinh ĐKXT đại học và số này bằng 73,9% số thí sinh đã đăng ký dự thi. Nguyện vọng đăng ký xét tuyển, theo thống kê, có tới 50% thí sinh chỉ đăng ký từ 1-3 NV, trong đó có 13% thí sinh đăng ký chỉ 1 NV, 30% đăng ký từ 3-5 NV (đã chiếm 80%)… Điều đó khẳng định, việc không giới hạn đăng ký nguyện vọng không phải là những nguyện vọng này sẽ nối dài mãi, nên việc xét tuyển của các trường cũng không quá lo lắng.

Điểm nữa là sau khi có kết quả thi các em được thay đổi NV, chủ yếu là để tạo thuận lợi cho thí sinh chọn đúng theo nguyện vọng mà các em yêu thích. Các trường thì phải giữ nguyên đề án tuyển sinh.

Các trường được xét tuyển nhiều đợt trong năm

Bà Phụng cũng nói thêm: Năm nay, thí sinh được đăng ký nhiều NV, nhưng chỉ trúng tuyển vào ngành ưu tiên cao nhất trong tất cả các nguyện vọng đã đăng ký, đó là xét tuyển lần 1.

Đối với xét tuyển bổ sung, bà Phụng cho rằng, hầu hết các chỉ tiêu đã được tập trung giải quyết trong đợt 1, nên đợt xét tuyển cuối, số các trường và các thí sinh tự do linh hoạt trong khả năng của từng trường.

“Xét tuyển bổ sung không còn quá quan trọng vì từ năm nay các trường được xét tuyển nhiều đợt trong năm. Tôi tin rằng hầu hết các trường đều tuyển sinh cùng lắm là 3 đợt. Vì học theo tín chỉ có 2 kỳ đăng ký chính và một kỳ phụ vì vậy không có tuyển sinh quanh năm” - bà Phụng nói.

Bà Phụng cũng khẳng định: Với việc thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, nhưng chỉ trúng một nguyện vọng thì tỉ lệ ảo năm nay sẽ thấp hơn năm 2016. Vì vậy, các trường không thể mang kinh nghiệm của năm trước sang năm nay để chống ảo.

Hệ thống phần mềm đã sẵn sàng

Bà Phụng cho biết, hiện hệ thống phần mềm đã được hoàn thiện. Ngoài phần mềm liên quan đến công tác thi, công tác tuyển sinh thì có phần mềm hỗ trợ cho các trường để các trường xét tuyển, rồi phần mềm lọc ảo của nhóm, phần mềm lọc ảo toàn quốc, phần mềm xét tuyển thẳng, cơ sở dữ liệu ưu tiên. Tất cả các phần mềm này đều đã được chuẩn bị đồng bộ. Thời gian vừa rồi, Bộ đã chạy thử nghiệm đăng ký cập nhật thông tin rất suôn sẻ, số liệu cập nhật tương đối dễ dàng, chính xác.

Bộ cũng đã tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm tuyển sinh cho các trường tham gia nhóm xét tuyển khu vực phía Bắc, phía Nam, đồng thời đang chuẩn bị tập huấn cho các Sở GD&ĐT.

Xử lý nghiêm trường tuyển vượt chỉ tiêu

Bà Phụng cho biết: Năm nay, Bộ GD&ĐTđã hỗ trợ rất đắc lực thông tin và phần mềm trong công tác xét tuyển cho các trường. Vì vậy, nếu các trường tuyển vượt chỉ tiêu nhiều thì chắc chắn Bộ GD&ĐT sẽ xử lý mạnh tay, kiên quyết hơn. Đây là nội dung các trường cần quan tâm.

Bà Phụng cũng lưu ý, các trường phải chủ động khai thác thông tin trên mạng của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, đây chỉ là công cụ mang tính hỗ trợ kỹ thuật. Các trường tự chủ động làm và tự chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh của trường mình. Các trường cũng được tự nguyện phối hợp với nhau thành nhóm xét tuyển để được Bộ hỗ trợ về thông tin, phần mềm.

Theo bà Phụng, đến thời điểm này, nhóm xét tuyển phía Bắc đã có 57 trường ĐH tham gia và nhóm phía Nam có 72 trường tham gia. Đây là con số nhiều hơn Bộ dự kiến.

Năm 2018: Các trường tự xác định điểm sàn

Về những thay đổi trong kỳ thi và tuyển sinh các năm, bà Phụng nhấn mạnh: Dư luận vẫn đang băn khoăn với những thay đổi và đặt ra câu hỏi có phải mỗi năm lại thay đột một lần như thế không? Nếu nhìn tổng thể thì năm nay có tính kế thừa và khắc phục bất cập của những năm trước, từ năm 2015 trở đi. Từ năm 2018, trong đề án tuyển sinh của mình, các trường phải quy định tỉ suất đầu tư cho 1 sinh viên ra sao, tỷ lệ việc làm cho các sinh viên trong những năm qua như thế nào, điểm sàn các trường tự xác định…

“Quy chế năm 2017 được kiến sẽ là quy chế áp dụng từ năm 2017 cho những năm tiếp theo. Vấn đề xét tuyển sẽ được thực hiện ổn định”.

Đảm bảo tuyệt mật công tác in sao đề thi

Theo ông Mai Văn Trinh, trong thời gian diễn ra kỳ thi, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra. “Phương châm là các đoàn kiểm tra đi các vùng miền trong cả nước. Công tác thanh tra thi trung học phổ thông quốc gia 2017 phải làm quyết liệt hơn những năm trước vì kỳ thi do các Sở chủ trì” - ông Trinh khẳng định.

Để hạn chế gian lận thi, nhất là việc sử dụng các công nghệ cao, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với lực lượng An ninh để có những hướng dẫn, tập huấn cụ thể cho cán bộ coi thi.

Hiện nay, theo ông Trinh điều băn khoăn nhất của Bộ GD&ĐT là khâu in sao, bảo mật đề thi và giữ trật tự ở các điểm thi, phòng thi bởi lẽ, năm nay cả nước có tới 2.364 điểm thi. “Kỳ thi năm nay, sở chủ trì, thí sinh được thi gần nhà rất thuận tiện, tuy nhiên, trách nhiệm của địa phương nặng nề hơn. Hội đồng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, bảo mật đề thi và in sao đề. Ngoài ra, phải đảm bảo an toàn cho các thí sinh và cán bộ coi thi. Đặc biệt, đây là một kỳ thi lớn, phải lường trước các sự cố để có hướng xử lý. Tuyệt đối không được để xảy ra những sự cố mất trật tự xung quanh điểm thi”- ông Mai Văn Trinh lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ thi THPT quốc gia 2017: Các khâu chuẩn bị đã hoàn tất