Theo lộ trình, năm 2025 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) áp dụng đổi mới phương thức thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, việc thay đổi theo hướng nào cho phù hợp đang là mối quan tâm lớn nhất.
Bao giờ hoàn thiện phương án thi tốt nghiệp THPT 2025?
Năm học 2022- 2023, học sinh lớp 10 là lứa học sinh đầu tiên học và thi theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Ngoài những môn học bắt buộc, học sinh được tự chọn một số môn học. Các trường đã xây dựng các tổ hợp môn học và hướng dẫn học sinh lựa chọn các tổ hợp môn phù hợp theo năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên như đã phản ánh thời gian qua, sau một học kỳ một số học sinh có nguyện vọng chuyển môn học tự chọn, do nhận thấy việc lựa chọn môn học của mình chưa phù hợp… Cùng với đó, theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, việc đổi môn học/tổ hợp lựa chọn của các em sẽ phải chờ đến cuối năm học.
Trước băn khoăn, mong ngóng của người học về phương án thi tốt nghiệp THPT các năm tới Bộ GDĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT trong các năm 2023, 2024 vẫn giữ ổn định về mô hình và cách thức tổ chức. Trong đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra sớm hơn năm trước đó (từ 27/6 đến và 30/6).
Vậy kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có gì thay đổi? Đại diện Bộ GDĐT cho biết, dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có 4 môn thi bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ. Ngoài ra, các môn học tự chọn cũng đang được Bộ GDĐT cân nhắc đưa vào kỳ thi tốt nghiệp sao cho phù hợp, đảm bảo việc xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học.
Ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GDĐT cho hay: Bộ đang tổ chức tham khảo ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các nhà quản lý, thầy cô giáo, các nhà trường và toàn xã hội để tiếp tục hoàn thiện Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Hiện có nhiều ý kiến xung quanh kỳ thi tốt nghiệp THPT, không ít người cho rằng Bộ GDĐT vẫn chưa có định hướng rõ ràng cho kỳ thi. Đơn cử mới đây, trong kiến nghị gửi Bộ GDĐT, cử tri TPHCM đề nghị Bộ nghiên cứu cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT vì hiện nay bằng tốt nghiệp THPT rất phổ biến nhưng thực tế không có nhiều ý nghĩa; mỗi năm cả nước vẫn phải tốn rất nhiều tiền để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, Bộ GDĐT nên tạo điều kiện chuyển về cho các địa phương tổ chức kỳ thi.
Chú trọng đánh giá kỹ năng và năng lực
Bày tỏ quan điểm về kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc đánh giá được năng lực người học là tiêu chí bắt buộc.
Chương trình GDPT mới chuyển đổi từ tiếp cận nội dung (nhấn mạnh vào cung cấp kiến thức) sang tiếp cận năng lực (nhấn mạnh vào việc vận dụng kiến thức vào các tình huống trong thực tiễn cuộc sống của học sinh phổ thông), vì vậy cách đánh giá nên chuyển đổi từ đánh giá nội dung (thiên về mức độ tái hiện, nhận biết kiến thức).
Cụ thể, triển khai bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 cho lớp 1 và cuốn chiếu cho 12 lớp đến năm học 2024 - 2025, tính đến tháng 7/2025 sẽ có lứa học sinh lớp 12 đầu tiên học chương trình GDPT mới tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do các em chỉ học chương trình GDPT mới trong 3 năm ở cấp THPT và học chương trình GDPT năm 2006 suốt 9 năm tiểu học, THCS nên cần có lộ trình và cấp độ phù hợp khi thiết kế các nội dung đề thi tốt nghiệp THPT. Cùng với đó là việc tính toán, cân đối liên quan đến các môn học theo nhiều tổ hợp trong đề thi.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh nhấn mạnh: Cần phải tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT công bằng, minh bạch và có chất lượng để các trường ĐH có thể sử dụng kết quả để xét tuyển. Đối với một số trường cần phải có những năng lực, kỹ năng đặc biệt, thì có thể tổ chức các phần đánh giá, không nhất thiết phải là một kỳ thi riêng. Tuy nhiên, cần xây dựng tiêu chí cho các tổ hợp xét tuyển phù hợp với năng lực được yêu cầu trong các nhóm ngành nghề, tránh tình trạng “ma trận’’ trong tổ hợp xét tuyển như hiện nay.