Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Từng bước thí điểm đổi mới

Vi Cầm 11/07/2022 14:00

Theo Bộ GDĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm 2023, 2024 sẽ vẫn giữ ổn định như hiện nay. Bắt đầu từ năm 2025, học sinh bậc THPT sẽ học và thi theo chương trình mới, nên cách thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ hoàn toàn mới.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, hiện ngành giáo dục đang chờ vào kết quả chấm thi, đề thi, đánh giá chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Qua việc tổ chức coi thi, mục đích kỳ thi đặt ra đã đặt được, đảm bảo nghiêm túc, an toàn, công bằng, khách quan và có chất lượng.

Tuy nhiên nhiều băn khoăn cũng đang được đặt ra, rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm rất tốn kém, kéo theo sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, đặc biệt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao (có tỉnh đỗ 99-100%). Vậy Bộ GDĐT có nên trả hẳn kỳ thi tốt nghiệp này về cho các địa phương tổ chức? Lộ trình đổi mới kỳ thi này sẽ như thế nào?

Theo ông Lê Mỹ Phong - Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GDĐT đã có lộ trình để chỉ đạo các đơn vị trong Bộ để xây dựng các phương án thi cho những năm tới, đặc biệt là giai đoạn thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiện nay, chúng ta đang tổ chức kỳ thi theo Luật Giáo dục 2019 là thí sinh sau khi thi tốt nghiệp THPT thì được xét tốt nghiệp. Theo đó, Bộ đang lên kế hoạch để có phương án thi tốt nhất, phù hợp với chương trình đổi mới giáo dục.

Liên quan đến lộ trình thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT trong thời gian tới, ông Độ cho hay Bộ sẽ thông báo sớm về công tác thi với chương trình phổ thông mới. Đại diện Bộ GDĐT cũng khẳng định: Năm 2025 khi học sinh lớp 12 học chương trình phổ thông mới sẽ có phương thức thi mới. Bộ sẽ tổ chức kỳ thi để làm sao ngày càng tinh gọn hơn và bảo đảm được mục tiêu kỳ thi.

Việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới ở bậc THPT đang được trông đợi sẽ làm thay đổi việc kiểm tra đánh giá nói chung và ở kỳ thi tốt nghiệp THPT nói riêng, đặc biệt đối với môn Ngữ văn. Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), với quy định một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, ngữ liệu của đề thi sẽ không còn nằm cụ thể trong bất cứ một quyển sách giáo khoa nào nữa.

Có thể thấy, giai đoạn 2017 - 2021 Bộ GDĐT đã có nhiều nỗ lực để thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT. Song bên cạnh những tích cực trong đổi mới thi cử, tác động đến dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, vẫn còn không ít bất cập cần giải pháp cải tiến. Mặc dù thay đổi mục tiêu và ảnh hưởng của đại dịch, nhưng tỷ lệ tốt nghiệp THPT cả nước vẫn tăng dần qua từng năm, năm 2017 (97,42%), 2018 (97,57%), 2019 (94,06%), 2020 (98,34%) và 2021 (98,6%). Tỷ lệ tốt nghiệp cao, người học phấn khởi nhưng kết quả này sẽ khó thực hiện phân luồng sau THCS vì đa số học sinh (HS) muốn học lên để có bằng tốt nghiệp THPT; hạ thấp yêu cầu đầu ra dẫn đến không nâng cao chất lượng học sinh sau THPT.

Cụ thể, năm 2017 là năm đầu tiên thí sinh thi tốt nghiệp THPT tự chọn theo tổ hợp. Kỳ thi giao cho địa phương chủ trì, với sự giám sát và coi thi của giảng viên ĐH, CĐ; năm 2018, xảy ra nạn tiêu cực gian lận thi cử chưa từng có; năm 2020: Năm đầu tiên thực hiện Luật Giáo dục 2019, lần đầu tiên Bộ GDĐT thực hiện đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ; năm 2021: Kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp. Tuy nhiên, số lượng điểm 10 của kỳ thi lên tới 24.555 (gấp 4 lần năm 2020). Cùng với đó, là việc tuyển sinh các trường ĐH đa dạng bằng nhiều hình thức nên số chỉ tiêu theo xét điểm thi THPT giảm, dẫn đến điểm chuẩn một số ngành ĐH tăng rất nhiều, một số trường ĐH xuất hiện mức chuẩn từ 30 trở lên; có 165 em đạt 27 điểm trở lên (chưa cộng điểm ưu tiên) bị trượt ĐH…

Theo phân tích từ các chuyên gia giáo dục, để tiến tới đổi mới thi cử, chậm nhất trong năm học 2022 - 2023, Bộ GDĐT phải công bố các phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để các cơ sở giáo dục có kế hoạch dạy và học. Đồng thời từng bước thí điểm thi tốt nghiệp THPT trên máy tính như cách thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Bộ GDĐT yêu cầu các Sở GDĐT công bố kết quả tốt nghiệp THPT vào ngày 24/7. Việc xét công nhận thi tốt nghiệp THPT hoàn thành chậm nhất ngày 26/7. Các Sở GDĐT có trách nhiệm cập nhật vào Hệ thống quản lý thi và gửi báo cáo kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT về Bộ GDĐT; công bố kết quả tốt nghiệp THPT hoàn thành chậm nhất ngày 28/7. Chậm nhất ngày 30/7, thí sinh được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời; trả học bạ và các loại Giấy chứng nhận liên quan (bản chính) cho thí sinh. Việc in và gửi Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh hoàn thành chậm nhất ngày 30/7.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Từng bước thí điểm đổi mới