Xã hội

Ký ức 30/4: Từ giảng đường tới Dinh Độc Lập

Nguyễn Hoài 30/04/2025 07:14

Tròn 50 năm đã trôi qua, nhưng trong tâm trí của những người lính năm xưa, ký ức về ngày 30/4/1975 - Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn còn vẹn nguyên như mới hôm qua.

Tuổi trẻ "xếp bút nghiên" lên đường ra trận

Trong những ngày tháng Tư, chúng tôi có dịp được nghe câu chuyện của hai người thầy - những người từng "xếp bút nghiên" lên đường ra trận. Lúc ấy, các thầy còn rất trẻ nhưng khi đất nước gọi tên, giấc mơ học hành tạm gác lại, khoác lên mình màu áo lính.

z6554329445720_8257d3efdca3d9230c07b33031da2fe3(1).jpg
GS.TS.NGND Đỗ Thanh Bình, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (cầm mic). Ảnh: Nguyễn Hoài.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những ngày tháng ấy vẫn hiện hữu trong từng lời kể của GS.TS.NGND Đỗ Thanh Bình, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, một nửa thời gian học của thầy Bình và bạn bè là dưới những hầm chữ A. Không ít bạn bè của thầy chưa kịp bước chân vào giảng đường đại học đã ra trận. Còn thầy Bình vào học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được một năm thì quyết định viết đơn tình nguyện nhập ngũ.

Thầy Bình kể lại: “Bối cảnh chiến tranh đầu những năm 70 rất ác liệt, miền Bắc vừa là hậu phương, vừa là chiến trường. Nhận thức điều đó, chúng tôi đã viết đơn, thậm chí có người viết đơn bằng máu tình nguyện lên đường nhập ngũ”.

Trở về nhà để tạm biệt gia đình, thầy Bình mới hay cậu em trai cũng được địa phương gọi nhập ngũ. Ngày mà thầy lên đường cũng là ngày bố mẹ tiễn em trai. Mẹ thầy lúc ấy chỉ biết “nuốt nước mắt vào trong”, còn bố thì bình tĩnh hơn vì ông là cán bộ xã.

Xã từng đề nghị hoãn lệnh nhập ngũ cho thầy vì gia đình có 2 anh em cùng lên đường ra trận, nhưng thầy từ chối. “Nếu lần này con không đi, thì lần sau con vẫn sẽ đi”, câu nói ấy không chỉ là lời thầy gửi đến cha mình, mà còn là tiếng nói chung của biết bao người trẻ lúc ấy. “Tôi đã hứa với bố mẹ rằng mình đi rồi sẽ trở về”, thầy Bình kể. Và đúng như vậy, thầy đã trở về, trở thành người thầy, người giữ ký ức lịch sử cho các thế hệ sau.

GS.TS.NGND Bùi Văn Nghị, nguyên Trưởng khoa Toán Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lên đường nhập ngũ trước ngày giải phóng miền Nam 10 ngày, tức ngày 21/4/1975. Nhưng thời điểm ấy, thầy cũng như bao sinh viên khác không biết chiến tranh sẽ kết thúc lúc nào.

GS.TS NGND Bùi Văn Nghị, nguyên Trưởng khoa Toán Tin Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hoài.
GS.TS.NGND Bùi Văn Nghị, nguyên Trưởng khoa Toán Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hoài.

Nhập ngũ trong thời gian ngắn nhưng như lời bài hát “Bài ca không quên” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: “gót mòn hành quân hối hả” hay những ngày đói lả, đào hầm, cầm hơi bằng một điếu thuốc cũng chia đôi… Tất cả những vất vả đó, thầy Nghị cùng đồng đội đã trải qua.

Ít ngày sau khi nhập ngũ, tin chiến thắng đến, đó là những ngày tháng không thể nào quên. Những binh nhì như thầy Bình xiết chặt vai nhau, cùng reo lên: “Thắng rồi, giải phóng rồi, không còn đổ máu nữa”.

“Trong ngày 30/4 ấy, đơn vị của tôi cùng 20 chiến sĩ trên chiếc xe GAZ-66 tiến vào Buôn Ma Thuột trong rừng cờ, rừng hoa của ngày chiến thắng. Đó là niềm vui không bút nào tả xiết”, thầy Nghị nhớ lại.

Đất nước ca khúc khải hoàn

Những ngày này, khi cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cảm xúc của người lính lái xe tăng Trần Bình Yên (huyện Kim Bảng, Hà Nam) càng thêm rạo rực niềm vui. Chứng kiến hình ảnh toàn dân từ mọi miền của Tổ quốc, từ Bắc tới Nam, tề tựu về Dinh Độc Lập, ông không khỏi bồi hồi, xúc động. Mới đây thôi, ông cùng đồng đội có dịp hội ngộ tại TP Hồ Chí Minh để cùng nhau ôn lại một thời máu lửa, gian khó, và tưởng nhớ những người anh em từng cùng ăn, cùng ngủ, cùng ra trận nhưng nay không còn nữa...

bác Yên
Người lính lái xe tăng 846 Trần Bình Yên (ở giữa). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Dù đã ngoài thất tuần nhưng mỗi lần nhắc đến kỷ niệm ngày 30/4 đó, ông Yên lại say sưa "vẽ lại" bức tranh lịch sử. Năm 1972, trong số gần 50 thanh niên địa phương lên đường nhập ngũ, chỉ có 9 - 10 người được lựa chọn tham gia lớp đào tạo lái xe tăng và ông Yên may mắn là một trong số đó.

Sau một thời gian đào tạo tại Vĩnh Phúc, ông được điều động về Lữ đoàn Thiết giáp 203 - Quân đoàn 2. Trong đội hình tiến vào Dinh Độc Lập sáng 30/4/1975, ông Yên được “biên chế” vào đại đội 5, Tiểu đoàn 2 và giao nhiệm vụ lái chiếc xe tăng 846.

Nhớ lại ngày tháng lịch sử của dân tộc, người lính lái xe tăng Trần Bình Yên kể, sáng 30/4/1975, được lệnh của Lữ đoàn, đội hình tăng của đại đội 5 vượt cầu Long Bình trên xa lộ Biên Hòa tiến vào Sài Gòn.

Vào khoảng 10 giờ sáng 30/4/1975, sau khi đẩy lùi quân địch, đại đội nhận được lệnh của Lữ đoàn vượt cầu Sài Gòn tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. “Khi xe tăng của chúng tôi vừa vượt qua cầu Sài Gòn để tiến vào trung tâm thì tôi đã thấy hàng vạn người dân cầm cờ ra chào đón. Họ đứng rất trật tự, tất cả đều đứng gọn về phía bên trái. Chứng kiến hình ảnh đó trong những phút giây cuối cùng của trận đánh, khiến anh em chúng tôi rất xúc động và niềm tin về chiến thắng, hòa bình, độc lập dân tộc càng trở nên mạnh mẽ hơn”, ông Yên bùi ngùi nhớ lại.

Cựu chiến binh Trần Bình Yên kể thêm: “Phải đến tối 30/4, chúng tôi mới thật sự được hưởng trọn vẹn niềm vui của chiến thắng, của hòa bình bởi khi đó người dân kéo đến chúc mừng rất đông, khiến chúng tôi xúc động và hạnh phúc… Đó là những giây phút trọng đại trong lịch sử dân tộc mà tôi cũng như hàng vạn chiến sĩ khác đã may mắn được tham gia, được chứng kiến. Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước ca khúc khải hoàn”.

Tròn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng trong mỗi lần gặp mặt, ông Yên và đồng đội vẫn luôn nhắc nhau: “Phải giữ gìn sức khỏe để còn được sống trong hòa bình mà biết bao đồng chí, đồng đội đã phải ngã xuống để đổi lấy”. Điều ông mong mỏi nhất là thế hệ trẻ hôm nay sẽ tiếp nối ngọn lửa ấy, sống có lý tưởng, học tập không ngừng để làm chủ khoa học, kỹ thuật, dựng xây đất nước ngày càng hùng cường, xứng đáng với những hy sinh của cha anh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức 30/4: Từ giảng đường tới Dinh Độc Lập