Mấy hôm vừa rồi, tất cả các đài dự báo khí tượng của thế giới và Việt Nam đều theo dõi sát sao đường đi của cơn bão Yagi. Một cơn bão được cho là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử các cơn bão trên thế giới.
Hôm trước ngày bão đến, ngoài trời, mùa thu vẫn rất trong trẻo. Không có vẻ gì là bão sắp đến. Trong khi từng phút một, thông tin về cơn bão số 3 chiếm spotlight trong mối quan tâm của rất nhiều người.
Đang giờ làm việc, ông bạn mình trầm ngâm nhìn bầu trời rồi nói “Biết là khắc nghiệt, nhưng thật sự tôi rất tò mò xem bão thực sự nó như thế nào!”. Quê bạn ở nơi bão ít vào, mà có vào tới nơi thì cũng chỉ gọi là thôi.
Trong khi đó trong ký ức của bọn trẻ con miền biển chúng tôi, khi đài báo có bão thì vừa sợ vừa tò mò chờ đợi.
Bắt đầu bằng những tiếng gầm gừ vọng về từ biển. Tiếng sóng của biển động vượt qua những cánh đồng trống huơ thẳng cánh cò bay. Những năm đó không có nhà bê tông cao tầng để chặn đường những âm thanh đó. Nhà tôi cách biển 6 – 7 cây số mà vẫn nghe rõ mồn một.
Tất cả chiếc đài chạy bằng pin trong làng đều tắt hết các chương trình khác. Mọi người ưu tiên chỉ để nghe bản tin dự báo thời tiết. Bắt đầu từ bản tin “Cơn bão xa” rồi đến “Cơn bão gần” và khi bản tin “Cơn bão khẩn cấp” được phát 15 phút một lần thì mọi hoạt động sản xuất thường ngày sẽ dừng lại. Cả làng tập trung vào công tác phòng chống bão.
Rồi gió cũng đến. Thanh niên trai tráng trong làng bắt đầu cuộc đua gặt lúa chạy bão. Hòm hòm việc đồng áng thì mới đến gia cố nhà cửa. Cả làng tôi lúc đó có nhiều nhà mái rạ. Những ngôi nhà lúp xúp ở miền biển để tiện cho việc tránh bão. Những chiếc lưới đay khổng lồ đan mắt cáo được giăng ra trùm lên mái nhà. Bốn góc có bốn chiếc chão thừng được cột vào cọc tre già đóng sâu xuống nền đất. Tất cả các cửa sổ, cửa ra vào đều được cột thật chặt bằng nhiều lớp sợi đay già. Đàn bà hối hả xem thóc gạo, lạc vừng đã đủ cho cả nhà mấy ngày hay chưa. Thông thường tất cả sẽ sẵn sàng trước khi bão đến. Chiếc cửa cuối cùng sẽ được cột chặt lại. Trong thời gian cao điểm bão gió hoành hành, tất cả sẽ ngồi yên trong nhà. Ngay cả khi cơn bão ngừng lại để đổi hướng gió không có việc gì cần kíp thì cũng không có ai muốn ra bên ngoài. Bởi cuồng phong sẽ nổi lên bất kỳ lúc nào mà không có gì báo trước. Lúc đó cánh cửa nào trót mở ra thì sẽ phải chịu hậu quả là không thể đóng lại được. Gió thốc qua cửa ấy rất có thể sẽ bốc tung cả cái mái nhà dù được chằng buộc rất kỹ càng. Đó là bão. Và thời gian ngồi chờ bão đi qua như dài vô tận, nhất là khi bão đổ bộ vào ban đêm.
Năm nào bố tôi cũng mua bản đồ Việt Nam. Ông dạy tôi cách xem đường đi của bão sau khi nghe bản tin dự báo trên Đài tiếng nói Việt Nam. Khi đó, còn nhỏ xíu, bọn trẻ con chúng tôi đã biết đâu là kinh độ đâu là vĩ độ. Để vạch những đường bút chì theo dõi dự báo hướng đi của cơn bão. Thậm chí, đã biết nếu bão ở vĩ độ này, kinh độ này thì nó chắc chắn sẽ vào bờ biển khu mình.
Nỗi lo bão gió là của người lớn. Còn bọn trẻ con lúc đó, săn đường đi của bão trên bản đồ như là một trò chơi ú tim.
Bố tôi làm cán bộ huyện. Không có cơn bão nào ông được ở nhà. Lúc đó, bão đến là cán bộ phải đi hộ đê. Đi giúp dân ở sát biển chống bão. Ở nhà chỉ còn 3 mẹ con. Một mình mẹ tôi loay hoay cột cửa cột nhà. Lùa lợn gà vào chuồng. Hò hét 2 thằng con nghịch như giặc đang tranh nhau săn đường đi của bão trên bản đồ chẳng lo lắng gì về bão gió. Khi bão làm cái mái ngói kêu roàn roạt sau mỗi cơn gió thốc thì mẹ bảo chúng tôi trú xuống gầm sập. Sập là chiếc phản có 2 miếng gỗ được kê trên bốn cái chân liễng chắc chắn. Có lẽ khi đó, mẹ cho rằng đó là nơi an toàn nhất nếu chẳng may cái nhà xây tường đơn bị bão quật đổ.
Sau bão là đói. Đê điều bị sóng đánh vỡ tan nát. Ruộng đồng nước ngập mênh mông, mùa màng thất thu. Người lớn sau một cơn bão, mặt buồn rười rượi. Bao nhiêu thành quả trồng cấy trong năm đã đi tong. Dọn dẹp hết hậu quả của một cơn bão để cuộc sống trở lại bình thường phải mất hàng tuần. Chỉ có trẻ con là sung sướng, hò nhau luồn từ vườn nhà nọ sang vườn nhà kia để nhặt chiến lợi phẩm trái cây bị gió bứt xuống vứt khắp nơi trong vườn.
May mắn sao, làng tôi nhiều chục năm không có ai thiệt mạng vì bão. Có vẻ kinh nghiệm chống chọi với bão biển được ông cha truyền lại từ đời này sang đời khác đã giúp chúng tôi thoát nạn.
Mấy ngày trước bão nghe truyền thông đưa tin, 10 năm qua, không có cơn bão nào đáng kể đổ bộ vào miền Bắc, 20 năm qua, không có cơn bão nào mạnh như cơn bão Yagi này.
Thế là ký ức về bão thời tuổi thơ lại dồn về. Bỗng nhiên, thấy bồn chồn.