Ký ức kẹo mạ

ĐĂNG NGỌC 29/07/2023 07:18

Kẹo mạ, có nơi gọi là kẹo mạch nha, có sức hút kỳ lạ với tuổi thơ và sống động, thức dậy mỗi dịp gặp nó trên những nẻo đường đời, trong cả những giấc mơ về một thời xa vắng.

Kẹo mạ - món quà của tuổi thơ.

1.Chú tôi là lính của Tỉnh đội, có con cả tên Thông, lớn tuổi hơn tôi, học trên một lớp. Thông học rất giỏi, hay đọc sách báo. Mỗi lần về thăm nhà chú thường mua khi vài cái kẹo bột, khi cái bánh đa kê bẻ ra chia nhau mỗi đứa cháu một mẩu. Còn món quà tinh thần là một cuốn sách thiếu nhi, hoặc là tờ báo Thiếu niên Tiền phong đã cũ.

Chú dặn Thông, khi nào đọc xong đưa cho ai thích đọc. Tôi biết đến hai nhân vật Bóng Nhựa có cái đầu tròn như quả bóng bàn và Bút Thép có cái đầu nhọn hoắt của chiếc ngòi bút sắt chấm mực, trên tờ báo này từ đó. Nhà chú sát cạnh nhà tôi, một hôm lên chơi nhìn trên bàn học của Thông không phải là tờ báo như mọi khi mà tờ Khoa học thường thức.

Lần đầu nhìn thấy tờ báo này, bài “Cách làm kẹo mạ” trang cuối đập vào mắt, như hút hồn tôi. Tôi mượn tờ báo về, lấy bút chép bài báo vào cuối cuốn vở bài tập. Và hình ảnh bà đổi kẹo với đôi quang gánh tòng teng, một bên là nồi kẹo mạ, một bên là những thứ đổi được cùng tiếng rao “Kẹo mạ đê… Ai lông gà, lông vịt, tóc rối, đổi kẹo đê…” cứ vang mãi trong đầu, có lúc cảm thấy tứa nước miếng.

Chép xong bài báo, tôi tự vấn mình, tưởng nào, hóa ra làm kẹo mạ cũng dễ thôi, làm lấy là được ăn nhiều, chứ chờ góp được đầy giỏ lông gà, lông vịt đổi được một vài que kẹo mạ tí ti thì không biết tới bao giờ mới được ăn thỏa thích.

Năm thì mười họa nhà mới thịt một con gà hay con vịt lấy đâu có nhiều lông tích cóp mà đổi kẹo, những lọn tóc rối, mẹ tôi, chị gái tôi chải rụng, cuốn hình số 8 rắt lên mái tranh để nhỡ ai cảm sốt còn đánh gió với gừng, cũng đâu nhiều nhặn gì. Tự làm lấy như bài báo hướng dẫn, nếu không thành kẹo mà là bát nước mầm mạ ngọt như chè cũng được rồi. Nhưng cái khó nhất lấy đâu ra thóc, gạo nếp.

Ý tưởng tự làm kẹo thôi thúc tôi vượt cái khó kiếm thóc để ủ mầm đến mức nghĩ liều: Ăn cắp cây mạ non người ta đang gieo ở ngoài ruộng chuẩn bị cho mùa cấy. Nhưng rồi tôi đã vượt qua ý nghĩ đó bằng cách lấy thóc ngay trong bồ nhà mình.

Tôi bí mật vốc vài nắm thóc cho vào cái nồi đất mà mẹ tôi hay kho cá, rồi đổ vào ít nước, lấy cái ống quần rách trùm lên, giấu vào xó tối dưới chân chạn bát bằng tre dưới nhà bếp. Mỗi ngày tôi lại rón rén mở ra, tưới thêm tí nước chờ ngày thóc nảy mầm. Nhưng làm sao giấu mãi được cả nhà khi đến cái đoạn giã mầm mạ, lại phải kiếm cơm nếp ủ với bột mầm nữa.

Tôi đang suy nghĩ mông lung thì có chuyện, mẹ tôi tìm mãi cái nồi đất để kho mớ cá mới mua, không thấy. Bà kêu toáng lên, hỏi bố tôi, chị tôi. Bố tôi đi tìm mãi không thấy, nghi ai đó cọ nồi xong móc lên cái cọc cạnh giếng cho khô, bị người đi qua thấy ngon mắt, lấy mất, hoặc lũ trẻ đánh vỡ rồi phi tang mà không dám nói? Tôi lo lắng quá, thôi, tốt nhất là nói thật.

Tôi chạy ùa tới ôm vào eo mẹ. “Con… con… mượn cái nồi đất”. “Thảo nào, tìm mãi, mượn làm gì?”. “Con làm… kẹo mạ”. “Có đưa ngay cái nồi đây không?”. Tôi cum cúp lấy nồi ra và nói thật với cả nhà về cách làm kẹo mạ theo báo hướng dẫn. Bố tôi chừng mắt: “Mày có biết, các cụ nói hạt thóc là hạt ngọc, nhà phải ăn cơm độn sắn mà dám lấy trộm thóc làm kẹo, mày có ăn kẹo trừ bữa được không thì bảo, đổ ngay đi, cho mẹ mày lấy nồi kho cá”.

Hình như nghe thấy có chuyện chẳng lành dưới nhà, Thông xuống hỏi han, tôi kể lại học cách làm kẹo từ bài báo, Thông nói với bố tôi, “Bác ơi, thầy cô giáo ở trường bảo, nên học và làm theo sách báo, anh ấy làm kẹo mạ cũng được, có điều anh phải bảo với cả nhà biết, đã trót rồi, nếu bỏ đi cũng phí, cứ để anh ấy làm. Lấy tạm cái nồi nhà cháu mà kho cá”. May mắn bố tôi hạ hỏa.

Ủ mầm thóc làm kẹo mạ.

2.Chưa thấy trò chơi gì vui thích, thấp thỏm… như từ khi tự mình được thoải mái chăm sóc mồi mầm mạ. Mỗi ngày tôi lại mở ra, tưới thêm chút nước giếng đá ong trong mát, chỉ vài hôm là mầm mạ mập mạp, căng mọng trắng như giá đỗ, những chùm rễ màu vàng sẫm tua tủa.

Mỗi ngày chúng dài thêm trông thấy, quấn lấy nhau, chen chúc mở bung như muốn làm nứt cái nồi đất. Tôi vội vàng nhấc từng cụm, từng cụm chuyển sang cái mẹt lót mo cau, lá chuối khô trải trên. Được chăm sóc đủ nước, lại thoải mái cựa mình trong cái mẹt mầm mạ lớn cực nhanh, không còn mập mạp nhưng vẫn nõn nà mảnh mai hơn, tươi nguyên, tẽ ra vài lá.

Tôi nhớ bài báo dặn, đừng để ánh sáng lọt vào, nếu có ánh sáng, mầm mạ chuyển sang màu xanh thì không còn làm nên thứ kẹo mạ màu hổ phách nữa.

Tôi khoe với cả nhà, với Thông kết quả bước đầu của việc ươm mầm. Nhưng còn việc vô cùng khó nói, nhưng không thể không nói với bố mẹ là “phải có đĩa xôi nếp”. Bố tôi bảo, “lại còn thế nữa à, vẽ vời quá. Ngày giỗ ngày tết mới có xôi, mày làm cái thứ ăn vặt này mà lại đòi xôi”. “Con nói thật mà”. Tôi chạy lên nhà Thông lấy tờ báo có hướng dẫn cách làm kẹo mạ, đưa cho bố đọc. Mặt ông giãn ra, hiếm hoi lắm mới thấy nụ cười của cha, với giọng thuốc lào, “ờ, xem chúng mày làm ăn thế nào”...

Sau khi mầm mạ được phơi nắng, bộ rễ của nó vàng ươm xoăn tít, tôi cho vào cối đá giã nhỏ thành thứ bột thô. Xong lấy bột mầm mạ trộn đều với đĩa cơm nếp mẹ ưu ái nấu cho, rồi ngâm hai thứ này với một bát tô nước xôi để nguội, cho vào cái liễn da lươn, ủ kín bằng bao tải. Sáng hôm sau ngủ dậy, đã thấy nước bột mầm vàng đục, lấy tay quệt một tí nếm, thấy ngọt thanh như nước mía.

Tôi ồ lên trong đầu, “thế là được rồi, sợ nhất nước bột mầm chuyển thành thứ chua như giấm mẻ thì uổng công quá”. Cái vị thanh ngọt của mầm mạ cùng với bột nếp ngâm qua đêm đọng lại trong lưỡi, bước đầu giúp tôi khám phá được bí mật làm nên cái thơm ngọt của kẹo mạ mà bấy lâu nay mình cứ tự hỏi, “sao kẹo mạ thơm ngon là vậy?”

Tôi chắt nước bột mầm ngâm cơm nếp vào cái chảo gang nhỏ, rồi dùng tay vắt từng nắm bột cho kiệt nước men này. Đầu tự nhủ, “mỗi tí nước bột mầm là một que kẹo mạ đấy, đừng bỏ phí”. Rồi thứ nước đó sôi liu riu, có lúc bọt nâu nâu trào lên trong chảo gang như reo cười. Tay tôi với chiếc đũa cả như mái chèo nhỏ, quấy đảo cho tới khi thứ nước đó sền sệt, nặng tay, giơ chiếc đũa cả lên đã thấy kéo được những sợi vàng óng ánh.

Mùi thơm ngọt bốc lên chẳng khác gì những que kẹo mà thi thoảng có được từ “bà tóc rối đổi kẹo”. Thành công mẻ kẹo đầu đời, khiến tôi mừng rơn, kêu toáng lên mô phỏng lại lời: “Ai kẹo mạ, lông gà lông vịt, tóc rối đê…”

Tôi chuyển kẹo từ chảo gang sang được hơn lưng cái bát ăn cơm, rồi quèn quẹt vét chảo gang, mút mát đũa cả dính, coi đó như phần tự thưởng cho mình, cảm nhận hết độ sánh dẻo, ngọt thanh nơi đầu lưỡi. Bưng bát kẹo vàng ươm, dẻo quánh để trên cái phản giữa nhà, lấy mấy que tre mà bố tôi hay dùng chẻ tăm, để cạnh.

Người thưởng thức que kẹo đầu tiên ấy là bố, ông nheo nheo mắt, cười tủm, gõ vào đầu tôi: “Ờ, được đấy! Nhưng nhớ là làm cho biết thôi, thóc gạo đâu mà làm cái thứ này để ăn chơi”. Mẹ tôi cuốn lên một que óng ánh, khen: “Ngon chả kém gì của bà hàng kẹo! Có một nồi mầm mạ với đĩa cơm nếp mà được nhiều kẹo đáo để, nhớ để phần cho anh em nhà Thông và cho mấy đứa bạn học…”. “Vâng, con để phần cả chú nữa, khi nào chú về thăm nhà thì ăn, kẹo để lâu cũng không ôi thiu mẹ nhỉ?". "Còn tôi, quả thực tự thưởng cho mình hơi nhiều, thi thoảng lại cuốn một cái, ước bát kẹo như niêu cơm Thạch Sanh, hết lại đầy, ăn cho đã.

3.Năm 1972, lớp đại học chúng tôi sơ tán về huyện Yên Phong, thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay, tôi ở nhà vợ chồng bác Vãng, được ăn một que kẹo mạ do bác làm, nghe bác kể: Thời buổi chiến tranh, thóc cao gạo kém, chả mấy nhà làm kẹo mạ, chứ ngày xưa cả làng Quan Đình thuộc xã Văn Môn, làm kẹo, sân phơi trắng xôi nếp ủ mầm mạ.

Đường làng, người người gánh từng thùng kẹo đi bán phiên chợ chiều. Bến đò, thuyền bè ngược, xuôi về lấy kẹo đi bán khắp nơi.Thầm nghĩ, biết đâu những que kẹo mạ mà chúng đổi được ngày ấy, lại xuất phát từ nơi đây? Khi làm báo, tôi có dịp tới huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) thưởng thức món bánh tráng - kẹo mạ.

Cái bánh đa xém vàng được phết lên một lớp kẹo mạ vàng tinh tươm, rồi rắc ít dừa nạo, úp cái nữa lên, bẻ từng miếng bánh cho vào miệng. Một phiên bản mới của kẹo mạ tuổi thơ, thơm giòn, ngon ngọt tuyệt hảo.

Người ta bảo, nước mình có hai địa phương là Quan Đình, Yên Phong (Bắc Ninh) và Thi Phổ, Mộ Đức (Quảng Ngãi) là thủy tổ làm ra thứ đặc sản kẹo mạ. Vâng, kẹo mạ là đặc sản vùng miền, nhưng với tôi, đó mãi mãi là thứ đặc sản của tuổi thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức kẹo mạ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO