Kỷ vật chiến trường: Chuyện về một thời hoa lửa

Hạnh Nguyên 26/07/2015 10:10

Vào những ngày tháng Bảy lịch sử, dòng người đổ về Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) thắp hương tưởng niệm, tri ân 10 cô gái bất tử và lực lượng thanh niên xung phong cả nước. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ kết nối lịch sử với hiện tại, tương lai. Trong số hàng nghìn tư liệu, hiện vật trưng bày tại bảo tàng này thì những kỷ vật của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc được chú ý nhất. Từ những hiện vật này, những câu chuyện về một thời hoa lửa hiện về khiến lòng người lắng lại…

Kỷ vật chiến trường: Chuyện về một thời hoa lửa

Ngã ba Đồng Lộc hôm nay.

Ngã ba Đồng Lộc là nơi ghi dấu những tháng ngày đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP), dân quân, công nhân giao thông, lái xe … trên mặt trận giao thông vận tải, tất cả cho một con đường ra mặt trận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chính tại nơi này, cách đây 47 năm (24/7/1968 - 24/7/2015), 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc (tiểu đội 4-C552-tổng đội TNXP 55 do Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng) đã anh dũng hy sinh, cả 10 cô bị vùi lấp trong một hố bom, khi bát cơm chiều chưa kịp ăn, nồi cá còn kho dở.

Người ta kể lại rằng, lúc ấy vào khoảng 16h ngày 24/7/1968, tiểu đội 4 của Võ Thị Tần được lệnh đến vùng trọng điểm ở khu vực địch vừa thả bom để san lấp hố bom, sửa chữa đường, hầm trú ẩn, khơi sâu rãnh thoát nước ở đoạn đường độc đạo (QL 15A) để nhanh chóng thông đường cho xe qua. Khi đang kho dở nồi cá, nhận nhiệm vụ 10 cô gái hăng hái lên đường.

Ngay sau đó, một tốp máy bay phản lực từ hướng Bắc vào Nam vượt qua vùng trọng điểm. Tất cả các cô nhanh chóng nằm rạp xuống đường. Ngớt tiếng máy bay các cô lại chồm dậy tất bật làm việc. Rồi bất ngờ tốp máy bay phản lực quay lại, bay từ trong ra, thả một loạt bom rơi đúng vào đội hình 10 cô gái. Các tiểu đội thanh niên xung phong đi sau chồm lên gào thét, nhân dân xóm Bãi Dĩa quanh đấy cũng lao ra gọi tên từng người. Khi đến nơi quả bom vừa nổ chỉ thấy một hố bom sâu hoắm, một vài chiếc xẻng, cuốc văng ra nhưng không còn thấy một ai, không nghe thấy một tiếng người. Cả 10 cô gái trẻ, tuổi còn xuân xanh đã hy sinh.

Khi các chị hy sinh đồng đội chỉ tìm thấy thi thể của 9 người, còn thi thể chị Hồ Thị Cúc mãi đến 2 ngày sau mới tìm thấy. Lúc mới tìm thấy Cúc đang ngồi trong hầm tròn, đầu đội nón bẹp dí, và vai còn dựng cái cuốc. Mười đầu ngón tay toe toét còn đọng máu khô. Chắc chị đã dùng hai tay cào bới trong tuyệt vọng khi biết mình đã bị vùi dưới hố bom khá sâu. Xúc động trước người con gái mãi không tìm thấy thi thể anh Nguyễn Thanh Bính (Yến Thanh) nguyên là cán bộ kỹ thuật của Ty giao thông phụ trách TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc đã viết bài thơ “Cúc ơi” làm bao người rơi lệ:

Tiểu đội đã xếp một hàng ngang
Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?
Chín bạn đã quây quần đủ hết
Nhỏ - Xuân - Hà - Hường - Hợi - Rạng - Xuân - Xanh
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em (Chín bỏ làm mười răng được!)
Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần
Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng
Cúc ơi! em ở đâu?
Đất nâu lạnh lắm
Da em xanh
Áo em thì mỏng!
Cúc ơi! em ở đâu?...

Kỷ vật chiến trường: Chuyện về một thời hoa lửa - 1

Bức thư của Liệt sỹ Võ Thị Tần.

Một trong những kỷ vật neo lại trong lòng thế hệ hôm nay là bức thư từ trận tuyến gửi cho mẹ của liệt sĩ Võ Thị Tần – Tiểu đội trưởng tiểu đội 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Bức thư đã phản chiếu những hình ảnh cam go khốc liệt của chiến tranh nhưng đối với những cô gái bé nhỏ vừa tròn tuổi đôi mươi lại coi đó là niềm vui. Phải chăng nhờ sự lạc quan ấy mà những chiến sĩ trên tọa độ chết – Ngã ba Đồng Lộc mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bức thư có đoạn: “…Mẹ ơi! Chiều nay chúng con lại thắng thằng Mỹ một keo nữa. Con kể để mẹ mừng nhé! Trưa nay hàng chục máy bay giặc kéo đến trút bom lên Ngã ba Đồng Lộc, với yêu cầu nhanh chóng thông đường, mặc dù trời còn sớm nhưng tất cả chúng con đều xông lên mặt đường để kịp thời cứu chữa. Trong thời gian chúng con làm, máy bay giặc có kéo đến trinh sát, chúng tưởng đâu đường sá đã bị tan nát bởi cơn mưa bom của chúng. Nhưng chúng có mắt cũng như mù, chính lúc đó là lúc đoạn đường đang được nối liền bằng cả tâm hồn và trí lực của chúng con. Trời xẩm tối, những chiếc xe mang nặng tình hậu phương lại lăn bánh trên đường ra tiền tuyến. Chúng con vui sướng vẫy chào những chiến sĩ lái xe anh dũng. Mẹ của con, thấy giặc đánh nhiều hơn dạo trước, mẹ chắc là lo cho chúng con lắm. Nhưng không, mẹ đừng lo, ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm chúng thắp đèn để chúng con làm đường, ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không có thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con…”.

Với giặc Mỹ tiểu đội trưởng Võ Thị Tần can trường là vậy còn với mối tình đầu của mình thì người thiếu nữ ấy lại trong sáng giản dị. Tại bảo tàng Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc còn lưu giữ lọn tóc và chiếc lược – kỷ vật hẹn ước của tiểu đội trưởng Võ Thị Tần với người yêu là Nguyễn Đức Hồng (xóm Tân Hạ, Thiên Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh).

Trên mảnh đất Đồng Lộc ngày ấy không khi nào ngớt tiếng bom đạn, chỉ tính riêng từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi 1m2 đất nơi đây phải gánh chịu trên 3 quả bom, đất đá bị cày đi xới lại, hố bom chồng lên hố bom. Chiến tranh ác liệt là vậy nhưng trong tâm hồn những thiếu nữ tiểu đội 4-C552- Tổng đội TNXP 55 vẫn phơi phới sự lạc quan, yêu đời. Trong đó chị Trần Thị Hường được mệnh danh là “con chim sơn ca” của tiểu đội.

Đối với chị Đặng Thị Yến, nguyên Phó Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc – người sưu tầm, lưu giữ phần lớn những kỷ vật tại khu di tích thì nhớ nhất là khi xin chiếc va ly đựng đồ, kỷ vật của liệt sĩ Trần Thị Hường. Chị Yến phải đi hàng trăm km đến nhà ông Trần Hữu Tịch, cậu ruột của liệt sĩ Trần Thị Hường lần thứ 3 mới xin được, khi trao chiếc va ly ông Tịch đã ôm nó vào lòng và khóc nức nở bởi với ông khi ôm chiếc va ly giống như ôm đứa cháu bé nhỏ của mình vào lòng và đây là kỷ vật duy nhất Trần Thị Hường để lại cho gia đình.

Những nhiếc áo cũ, sờn mà ngày xưa các chị mặc được người nhà cất giữ và trao lại cho bảo tàng trưng bày. Trong số đó có chiếc áo của chị Nguyễn Thị Xuân. Sau khi chị hy sinh, người em gái vẫn thường mặc chiếc áo của chị như vật gắn bó của mình. Trên áo vẫn còn nhiều vết ố do bùn bám.

Một số kỷ vật khác như chiếc đồng hồ của chị Võ Thị Hà, 3 đôi dép cao su các chị đều được cán bộ bảo tàng Ngã ba Đồng Lộc cất công tìm kiếm, đến nhà người thân để tìm hiểu và xin lại.

Sự hy sinh của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã hóa thành bất tử và ở lại trong tâm hồn của các thế hệ hôm nay và mai sau. Những kỷ vật gắn liền với cuộc sống của 10 cô gái như những đóa hoa mãi tỏa hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ vật chiến trường: Chuyện về một thời hoa lửa