“Hỏa lực phản kích cực mạnh của nguỵ quân xối nát trận địa suốt từ mờ sáng 29/4/1975. Bộ đội vẫn xông lên, ngã xuống, máu nhuốm từng mét đất. Tới trưa ta mới làm chủ cứ điểm huyết tử này”. Đại tá Nguyễn Tiến Cường kể lại trận đánh Đồng Dù (Củ Chi), tay ôm ghì chiếc mũ tai bèo vừa lấy ra từ chiếc ba lô cũ. Ông nhớ bao đồng đội đã hy sinh…
Đại tá Nguyễn Tiến Cường nhớ lại: Tại căn cứ địa phận làng Siêu, ngày 15/4/1974, những người lính Trung đoàn Thăng Long (thuộc Sư đoàn Đồng Bằng) thâu đêm áp sát trận địa đợi lệnh xông lên. Trấn thủ một vùng rộng lớn tỉnh Gia Lai, căn cứ thiết đoàn chủ lực Việt Nam Cộng hòa án ngữ chiến thuật trục đường 21 khống chế toàn diện và thách thức mọi hướng tấn công. Từ cứ điểm tử địa này, theo trinh sát ta, địch đã xây dựng ý đồ tái chiếm Đức Cơ và Chư Nghé thất thủ trước đó. Được Mỹ trang bị hỏa lực tối tân, địch dựng thép gai nhiều lớp và bao quanh bởi giao thông hào khổng lồ chống tăng đột nhập. Chỉ còn hướng cổng ra vào rộng vài mét, nơi điểm hỏa của chúng sẵn sàng dập nát mọi thứ động đậy.
“Địch phòng thủ cao độ, nhưng kế hoạch tấn công đã được cấp trên phê duyệt. Phải đánh bằng ý chí máu” - Đại tá Nguyễn Tiến Cường kể lại. Khi đó ông mới là chiến sĩ thông tin trẻ măng của Tiểu đoàn 1, gầy nhom 48kg đeo máy nặng trịch luôn bám chân chỉ huy. Chiều hôm trước quân ta phát hiện địch vừa tăng cường thêm 3 thiết giáp, nhiều xe M113 gắn hỏa lực rất mạnh. Nhận định chúng chưa kịp phối hợp phòng thủ với quân lực bổ sung, Trung đoàn trưởng Trần Ngọc Chung phát lệnh nổ súng tấn công.
Pháo quân ta cấp tập bao vây dội vào. Cứ điểm rung chuyển. Chúng đánh trả quyết liệt. Từ phía Pleiku thấy máy bay địch chi viện cực nhanh, trực thăng cũng ào tới đổ bộ thêm 2 tiểu đoàn. Từ lô cốt đầu cầu căn cứ làng Siêu, hỏa lực địch áp chế toàn diện, bộ đội cứ xông lên là ngã xuống.
Đồng chí Bế Văn Thành (quê Cao Bằng, Anh hùng lực lượng vũ trang) chỉ huy một trung đội dũng cảm nhất tiêu diệt lô cốt bằng B41 với chiến thuật tấn công áp sát. Trận đánh như bão lửa, anh bị thương rất nặng, máu bết toàn thân vẫn kịp trao súng lại cho đồng đội trước lúc hy sinh. “Đây là trận hiếm hoi chúng ta phải đánh qua đêm tới gần 2 ngày, tổn thất rất lớn, bộ đội nhiều thương vong” - ông Cường xúc động, vạch tay áo lên có vết sẹo lớn bên cánh phải và chỉ xuống bên chân giờ còn vẹo lệch.
Trận đánh tiêu biểu nhất của toàn chiến dịch khiến mưu đồ của địch nhằm lấn chiếm vùng giải phóng thất bại. Một thiết đoàn xe thiết giáp chủ lực nguỵ bị tiêu diệt, hàng trăm quân bị bắt sống, 17 xe bọc thép và 12 xe GMC bị phá hủy, cứ điểm bị san phẳng hoàn toàn.
Tháng 3/1975 cuộc “rút lui chiến lược” của địch khỏi Tây Nguyên bị phá sản. Quân ta bắt sống 17.000 tù binh trong đó có gần 800 sĩ quan từ chuẩn úy đến chuẩn tướng, bắn rơi 44 máy bay địch và thu giữ hàng nghìn xe quân sự. Đại thắng nức lòng toàn chiến dịch. Thế và lực quân ta lên rất cao. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã phải ngừng chi viện cho Tây Nguyên.
***
Chiến sĩ Nguyễn Tiến Cường bị thương nặng phải điều trị nhiều ngày song vẫn kịp trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Cơ động thần tốc tiến về phía Củ Chi, các Sư đoàn Đồng Bằng, Bông Lau, Quảng Đà... trong đội hình của Binh đoàn Tây Nguyên nhận nhiệm vụ “rắn” nhất Chiến dịch Hồ Chí Minh - đánh trận Đồng Dù mạn Tây Bắc Sài Gòn, hang ổ Sư đoàn “Tia chớp nhiệt đới” có khoảng 3.000 lính nguỵ thiện chiến. Đây cũng là đất thép mà chuẩn tướng Lý Tòng Bá rất ngông cuồng tuyên bố tử thủ. Tướng Việt Nam Cộng hòa Lê Minh Đảo cũng nhiều lần lớn tiếng muốn thách đấu quân Giải phóng tiến vào Xuân Lộc ở phía Bắc. Tất cả các cánh quân khác của ta dẫu đã làm chủ nhiều căn cứ quan trọng bao vây cô lập Sài Gòn, nhưng phải đập tan “cánh cửa thép” Đồng Dù thì mới tạo chìa khóa tổng tiến công và thọc sâu vào nội đô.
“Chúng tôi mặc bộ quân phục mới nhất. Chỉ huy nói trận này quyết tử. Sau phát súng lệnh, ta đồng loạt các hướng tấn công dội lửa từ mờ sáng 29/4/1975. Bộ đội cài bộc phá mở cửa mấy lớp rào thép liên tục, sau 2 giờ mới thông cửa” - Đại tá Nguyễn Tiến Cường kể tiếp. Nhưng chính hướng cửa mở này là điểm hỏa khủng khiếp nhất trận địa. Địch tập trung quân lực và điều động xe tăng bắn áp chế ác liệt. “Chúng dập nát tất cả, thậm chí bắn cả đạn hóa học. Ta thương vong rất nhiều mà không cách nào tiến lên, cứ lớp lớp bộ đội ngã xuống” - Đại tá Cường cầm bút phác ra giấy một đoạn mô phỏng lại.
Bộ đội ta chỉ một chút nhô đầu lên khỏi hào là bị sát thương. “Khoảnh khắc vài giây tôi thấy đồng chí Vũ Thanh Sơn (nhập ngũ cùng đợt, cùng quê Phú Thọ) mắt vằn lên căm thù, anh dũng cảm nhảy vọt đứng thẳng trên bờ hào bắn một nhát B40 về phía xe tăng địch. Đồng chí Sơn bị bắn ngay vào bụng, gục xuống nhưng lại lao lên lần nữa, đứng ưỡn ngực bắn chính xác tiêu diệt cỗ máy quái quỷ” - ông Cường vừa kể vừa khoát tay thật mạnh. “Hỏa lực địch tắc nghẹn, tất cả bộ đội chớp thời cơ ồ ạt vượt lên, xe tăng quân ta cũng bứt tốc chồm tới. Các hướng khác đồng loạt phát triển vào trong đánh phá rầm trời” - Đại tá Cường nhớ giây phút “vàng” mà Anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Thanh Sơn tạo nên kỳ tích.
“Tôi báo cáo chỉ huy khi nhận tin tên Lý Tòng Bá lệnh cho các quân lực ở Trảng Bàng và cả một chi đội tăng ở Củ Chi đến cứu nguy. Nhưng ta đã rất tốc độ đánh chiếm tất cả vị trí quan trọng. Đến 11 giờ trưa thì quân ta hoàn toàn làm chủ căn cứ. Tên Lý Tòng Bá bỏ chạy bị du kích Củ Chi quây tóm” – ông Cường kể.
“Tia chớp nhiệt đới” bị đập tan tành. 500 tên địch bị tiêu diệt, hơn 2.200 tên bị bắt sống. Ta thu 2 máy bay, hàng nghìn súng các loại, phá hủy hàng trăm xe quân sự. Quân giải phóng từ khắp phía tiến thẳng vào nội đô.
Huyên náo bừng vui Sài Gòn rực cờ 24 giờ sau đó khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Tin đại thắng phát ra từ chiếc radio, những người lính Trung đoàn Thăng Long mừng vui ôm siết nhau giàn giụa nước mắt. Và trong những chàng trai cảm tử đó có ông Nguyễn Tiến Cường không có mặt giữa Sài Gòn ngày vui. Họ ở lại Đồng Dù lặng lẽ đi chôn cất đồng đội bên cánh rừng cao su còn nham nhở khói.
***
Về hưu sau nhiều năm, Đại tá Nguyễn Tiến Cường hiếm khi mặc bộ quân phục. Bởi nhẽ mỗi khi mặc là ông lại nhớ đồng đội đã ngã xuống. Bởi nhẽ mỗi tấm huân chương, huy chương được trang trọng gắn lên ngực áo là mỗi lần như thấm máu đồng đội.
Ông chia sẻ, tài sản quý nhất là chiếc ba lô chứa hộp đựng đầy huân chương, huy chương, một cái ăng-gô cặp lồng cơm của Liên Xô mà người lính nào cũng có, và một chiếc mũ tai bèo. Tay ông run run nắm ghì tai mũ trong mạch nguồn lời kể với chúng tôi khi đang nhớ lại từng trận đánh. Ông nói rằng lính thông tin ai còn trở về sau cuộc chiến là may lắm rồi, bởi họ luôn là mục tiêu số 1 của hỏa lực địch trong mọi trận đánh.