Nhiều năm qua, quần thể Khu di tích Mỹ Sơn là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã làm tốt công tác trùng tu, tôn tạo, gìn giữ cùng việc quảng bá hình ảnh di tích.
Trừ 2 năm 2020-2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên gặp khó khăn trong công tác thu hút khách, còn năm 2019 trở về trước công tác phát huy giá trị khu Di sản văn hóa thế giới này đạt được những kết quả khả quan. Lượng khách tham quan đến Mỹ Sơn hàng năm tăng trung bình trên 7%, doanh thu qua các năm đều tăng.
2 năm bị dịch Covid-19 hoành hành đến năm 2022 tổng lượng khách tham quan Mỹ Sơn đạt hơn 105.000 lượt, tăng 55.000 lượt so với kế hoạch đầu năm.
Mới nhất, quý 1/2023, tổng lượt khách tham ước đạt là 80.000 lượt, trong đó khách nước ngoài là 69.000 lượt, khách trong nước là 11.000 lượt. Trong những ngày nghỉ lễ, hầu hết các khu du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam đều chật kín du khách, nhất là tại 2 khu di sản văn hóa thế giới là Phố cổ Hội An và quần thể kiến trúc Mỹ Sơn.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Lê Bằng - du khách đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Thật tuyệt vời khi được đến với Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, được hòa mình trong không khí tĩnh lặng và ngắm nhìn những di tích cổ kính”.
Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết: “Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến, kết nối du khách và doanh nghiệp dựa trên sản phẩm và tiện ích công nghệ, đặc biệt tập trung vào chuyển đổi số. Tiếp tục phối hợp hoàn thành các giai đoạn của sản phẩm 360 thực tế ảo”.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, song song với việc trùng tu, bảo tồn các di tích, thời gian qua tỉnh chú trọng về hạ tầng, quảng bá, kích cầu du lịch đã đưa lượng khách đến Mỹ Sơn tăng hàng năm.
“Hiện nay tỉnh Quảng Nam và huyện Duy Xuyên đang tập trung xây dựng Đề án xã hội hoá để mời gọi các nhà đầu tư vào đầu tư các dự án hạ tầng, dịch vụ vùng bên ngoài Khu Di tích Mỹ Sơn và hình thành thêm các sản phẩm du lịch vệ tinh xung quanh nhằm thu hút du khách” - ông Hồng cho biết.
Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã và đang tiếp tục tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch, như gặp mặt doanh nghiệp, các chương trình khuyến mãi, miễn giảm, xây dựng các bảng quảng bá lớn ở các điểm du lịch, xúc tiến quảng bá trên mạng internet… Cùng với đó quảng bá Mỹ Sơn qua các hoạt động lễ hội Festival di sản, Lễ kỷ niệm Khu di tích Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới; Lễ hội Huyền thoại Apsara; Lễ hội “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại”...
Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng được triển khai đến các đại lý, doanh nghiệp, khách sạn trong và ngoài tỉnh, kể cả trên các nền tảng số và mạng xã hội: zalo, youtube, fanpage... Qua đó thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, đối tác đối với Mỹ Sơn.
“Chúng tôi đã xây dựng tổ chức quản lý có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ với đội ngũ cán bộ đủ mạnh về chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là bảo tồn và phát huy di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ quản lý và trình độ chuyên môn, chú trọng đào tạo chuyên gia kỹ thuật và thợ trùng tu giỏi tay nghề thực hiện trùng tu, bảo tồn Khu di tích”- Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết.
Khu Đô thị cổ Hội An hay Khu đền tháp Mỹ Sơn cũng đang đối mặt với không ít khó khăn giữa bảo tồn, phát huy di sản với việc làm ăn, buôn bán, du lịch… Theo TS Lê Thị Minh Lý (Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản Văn hóa Việt Nam), di sản ký ức là yếu tố quan trọng để gia tăng giá trị thặng dư cho các di sản. Cần nhìn lại và đánh giá những di sản nào gắn liền với Hội An, Mỹ Sơn. Theo các nguyên tắc của UNESCO, bảo vệ di sản cần có sự tham gia của các cộng đồng, nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ… Nỗ lực của cộng đồng dân cư chính là yếu tố cơ bản, quyết định sự sống còn của di sản văn hóa, không chỉ với Hội An hay Mỹ Sơn.