Mùa hè là thời điểm du lịch sôi động nhất trong năm. Tuy nhiên, làm sao để các điểm đến tạo được sức hút với du khách lại đang là thách thức.
Nhiều trải nghiệm mới
Ngay từ đầu tháng 5, hàng loạt các tour du lịch gia đình đã được nhiều đơn vị lữ hành xây dựng, quảng bá với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Đặc biệt, trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao, hầu hết các đơn vị lữ hành đều hướng đến các tour du lịch ngắn ngày, di chuyển bằng tàu hỏa hoặc ô tô cá nhân để tiết kiệm chi phí.
Các điểm đến như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc… đang được nhiều du khách lựa chọn trong dịp này.
Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty du lịch Vietravel Nguyễn Nguyệt Vân Khanh cho biết, mùa hè năm nay, hành khách sẽ có xu hướng lựa chọn những sản phẩm nhiều tính trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật, môi trường sống tại điểm đến. Nếu trước đây du khách thường tìm kiếm những điểm đẹp để chụp hình check-in thì bây giờ họ quan tâm nhiều hơn đến việc trải nghiệm và chia sẻ lại không chỉ là hình ảnh, mà còn là những câu chuyện thú vị, những kiến thức mới mẻ.
Nắm bắt xu hướng của du khách, nhiều điểm đến cũng đã tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm tạo cầu nối kích cầu. Thừa Thiên Huế với “Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024” có nhiều hoạt động đặc sắc diễn ra từ ngày 7-12/6. TPHCM với Lễ hội sông nước có chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại” sẽ khai mạc vào ngày 31/5 tới. Chủ nhà của Năm Du lịch Quốc gia 2024, tỉnh Điện Biên trong dịp hè này cũng ra mắt nhiều hoạt động văn hóa, du lịch như Liên hoan Ẩm thực toàn quốc, Hội chợ Du lịch Tây Bắc - Điện Biên…
Tránh người xây, kẻ phá
Với những phương án kích cầu từ các đơn vị lữ hành và các điểm đến, hè 2024 đang được dự báo sẽ tạo ra cú hích cho ngành du lịch. Nhất là mới đây du lịch Việt Nam đã nhận được nhiều đề cử tại các hạng mục quan trọng tại Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) lần thứ 31 - Khu vực châu Á và châu Đại Dương. Nhằm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến, quảng bá, truyền thông cho du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Truyền hình Quốc hội Việt Nam và TikTok Việt Nam để xây dựng, thực hiện các chương trình giới thiệu về du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, ngoài những điểm sáng thì vẫn còn “hạt sạn” cần được loại bỏ. Mới đây là vụ việc tài xế taxi ở Hà Nội chặt chém du khách nước ngoài 500 nghìn đồng cho quãng đường di chuyển rất ngắn. Câu chuyện cung không đáp ứng được cầu vào giai đoạn cao điểm với những hình ảnh chặt chém, ùn tắc… và vô số trải nghiệm không vui của du khách được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội. Bởi thực tế, bất cập cũ dù có cải thiện, nhưng thách thức mới khiến ngành du lịch đối mặt với nhiều âu lo trước mùa cao điểm hè. Chưa kể, trong bối cảnh giá tour tăng cao, nhất là giá vé máy bay, nhiều người chọn tour nước ngoài, không chỉ vì tâm lý sính ngoại mà bản chất của du lịch là khám phá những miền đất mới sẽ khiến cho du lịch nội địa gặp khó. Dòng tiền lại chảy sang nước ngoài, kéo theo nhiều ảnh hưởng từ công ty lữ hành, vận tải đến cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí…
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, muốn thu hút khách thì cần có sản phẩm phù hợp. Muốn vậy phải có chính sách thích hợp, trong khi lâu nay, việc triển khai chính sách ở nước ta rất chậm và khó khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. Nếu lạc hậu về chính sách thì sẽ tụt hậu, bao gồm cả việc xúc tiến du lịch.
Theo Tổng Giám đốc Công ty du lịch AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt, việc lượng khách tăng trở lại trong kỳ nghỉ lễ vừa qua là những tín hiệu đáng mừng. Nhưng để du lịch trong nước gặt hái được thành công, du lịch Việt Nam cần có chiến lược cụ thể và bài bản hơn để có sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước vào tất cả các mùa trong năm. Trước hết, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cộng đồng doanh nghiệp để nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh. Địa phương nên xây dựng nhiều sản phẩm khác nhau theo thế mạnh riêng để tạo sức hút quanh năm cho du khách, tránh việc bước vào mùa cao điểm hè mới đồng loạt tổ chức các lễ hội, tuần du lịch, chương trình xúc tiến, famtrip (khảo sát du lịch) liên tiếp.