Kinh tế

Kỳ vọng gia tăng đơn hàng dệt may

T.Hằng 28/11/2023 09:27

2023 là năm khó khăn của ngành dệt may khi đơn hàng giảm, giá giảm. Sắp bước sang năm 2024, ngành dệt may nuôi hy vọng tình hình sẽ dễ thở hơn.

anhbaiduoi.jpg
Ngành dệt may kỳ vọng sẽ khởi sắc rõ nét vào năm 2024. Ảnh: Quang Vinh.

Đại diện Công ty cổ phần May Sông Hồng cho biết, doanh nghiệp (DN) đã nhận được nhiều đơn hàng hơn cho đầu năm 2024 khi đối tác chuyển đơn hàng từ Bangladesh về Việt Nam, nên dự kiến có triển vọng tích cực về doanh thu, kinh doanh cho năm 2024. Còn từ nay đến cuối năm 2023, tình hình đơn hàng là tạm đủ.

Ngày 24/11 tại Nam Định, Công ty cổ phần May Sông Hồng tổ chức Lễ khởi công xây dựng Nhà máy Xuân Trường II mà theo lịch, cuối năm 2024, dự án sẽ hoàn tất toàn bộ và đi vào hoạt động, sẵn sàng nguồn lực đón đầu sự phục hồi của thị trường trong thời gian tới.

Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Công ty cổ phần May 10 cho biết, nhìn chung, các DN dệt may đã có dấu hiệu khả quan hơn về sản lượng đơn hàng. Tuy nhiên, tình hình đơn giá vẫn là vấn đề đáng lo ngại do các DN đang bị khách hàng quốc tế ép giá khiến đơn hàng tăng nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu không tăng tương ứng.

Ông Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp (Bộ Công thương) chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết rằng, chúng ta không phủ nhận những nỗ lực ngành dệt may đã làm trong thời gian qua, nhưng ngành hoàn toàn có thể mang lại được giá trị cao và tốt hơn nữa. Chuyển đổi xanh là điều bắt buộc với DN dệt may, và trong bối cảnh Bangladesh – nước đang cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam có biến động thì cơ hội cho DN được mở ra.

Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động. Thách thức với DN dệt may chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may…

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam vẫn có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh. Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do (trong đó: 16 FTA đã ký kết và thực thi; 3 FTA đang trong quá trình đàm phán) và là quốc gia duy nhất ký kết hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu.

Chẳng hạn với thị trường Australia, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá Australia là một thị trường tiềm năng và mang lại rất nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam và Australia là thành viên chung của ít nhất 3 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), gồm FTA ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), CPTPP và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). “Đây là những cơ hội để cho các DN tận dụng lợi thế về thuế quan mà các FTA này mang lại” – ông Cẩm đánh giá.

Để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu, thời gian qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức các hội thảo để khuyến nghị DN đa dạng hóa thị trường, thông tin cho DN về những cơ hội, lợi thế ở các thị trường Việt Nam có hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng khuyến nghị DN nên đa dạng hóa mặt hàng. Nhiều DN đã năng động, linh hoạt mở rộng ngành hàng, sẵn sàng nhận những đơn hàng nhỏ để giữ chân người lao động.

Định hướng về sản xuất, thị trường và hoạt động xuất khẩu năm 2024, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, các DN kỳ vọng vào năm 2024 thị trường sẽ khởi sắc hơn và mục tiêu tổng xuất khẩu toàn ngành đạt 44 tỷ USD. Song, để hiện thực hóa con số này, các DN trong ngành cần thực hiện được nhiều giải pháp. Đầu tiên là tiếp tục thực hiện đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa bạn hàng cũng như mặt hàng. Bên cạnh đó đặt mục tiêu phát triển bền vững đi đôi với phát triển theo mục tiêu đòi hỏi toàn cầu về xanh hóa, giảm phát thải nhà kính. Cùng với đó, ngành tập trung cho các giải pháp đầu tư về công nghệ tự động hóa ở một số dây chuyền sản xuất, giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ vọng gia tăng đơn hàng dệt may

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO