Lãi suất huy động tại Việt Nam tiếp tục chịu nhiều áp lực tăng, từ đó lo ngại về lãi suất cho vay tăng. Tuy nhiên, gói cấp bù lãi suất 2% dự kiến khi bung ra sẽ làm hài hòa mặt bằng lãi suất, bớt nỗi lo cho doanh nghiệp.
Theo khảo sát, từ đầu tháng 5 đến nay, hầu hết các ngân hàng đang tiếp tục tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn với mức tăng khoảng 0,1-0,5%. Tính đến thời điểm giữa tháng 5, đã có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô của Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất điều hành có tác động nhiều mặt đến nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, lãi suất USD tăng và áp lực lạm phát đang gây áp lực lên lãi suất trong nước, lãi suất tiền gửi VND dự kiến sẽ tăng thêm 20-40 điểm cơ bản trong những tháng cuối năm.
Nhưng VnDirect cho rằng, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022 (hiện ở mức 5,5-5,7%/năm) - vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch Covid-19 là 7,0%/năm.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến lãi suất tăng còn do nhiều ngân hàng bị thiếu hụt thanh khoản để bổ sung khi tăng trưởng tín dụng đang rất tích cực. Điều này được thể hiện qua chênh lệch giữa tín dụng - huy động vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm nay khi tín dụng tính đến ngày 25/4 đã tăng 6,75% so với cuối 2021 (tương đương 16,4% so với cùng kỳ) trong khi huy động vốn chỉ tăng 3,55% (tương đương 10,7% so với cùng kỳ).
Trong khi đó chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, lãi suất còn chịu áp lực tăng từ tình hình nợ xấu. Hiện nay, nợ xấu đang tiềm ẩn bởi quy định giãn, hoãn nợ. Bắt đầu từ tháng 6 năm nay, quy định giãn, hoãn hết hiệu lực thì số nợ xấu tăng nhiều hơn, trích lập dự phòng rủi ro cũng tăng lên. Các ngân hàng sẽ cần thanh khoản để cho vay nên lãi suất huy động sẽ bị kéo lên.
Mới đây, tại một hội thảo liên quan đến vấn đề phát triển logistics Việt Nam, bà Phạm Thị Lan Hương, đại diện Công ty cổ phần Vinafco chia sẻ, nguồn vốn nhỏ hẹp là tình cảnh chung của các doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện nay. Nếu các doanh nghiệp nước ngoài mạnh về điều này thì doanh nghiệp nội lại rất yếu, bởi khi vay vốn từ các ngân hàng thì phải trả lãi rất cao.
Trong khi đó, ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, việc tiếp cận vốn từ các ngân hàng đối với doanh nghiệp có thể đã dễ dàng hơn, tuy nhiên, điều quan trọng là vay được bao nhiêu và có đủ để đáp ứng đầu tư hay không.
Câu chuyện vốn luôn là nút thắt của doanh nghiệp và khi lãi suất huy động tăng, cộng đồng doanh nghiệp lại dấy lên lo lắng về lãi suất cho vay .
Vậy nhưng, thông tin mới nhất gói cấp bù lãi suất cho vay 2% trong 2 năm 2022-2023 có thể được triển khai nhanh vào tháng 5 này. Theo đó, gói cấp bù lãi suất với quy mô 40.000 tỷ đồng đưa ra mức lãi suất cho vay chỉ 3-4%/năm đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc thực hiện gói cấp bù lãi suất này càng triển khai sớm càng tốt, tuy nhiên phải đảm bảo kiểm tra, giám sát thường xuyên các ngân hàng cho vay với cơ chế thanh kiểm tra chặt chẽ, gắn trách nhiệm người thực hiện. Điều quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch trong hoạt động cho vay để các bên cùng giám sát thực hiện.