Kỳ vọng lãi suất cho vay giảm

H.Hương 29/03/2022 07:17

Trong những tháng tới, dự báo nhu cầu vốn của doanh nghiệp sau dịch kỳ vọng sẽ còn tăng cao nhằm phục vụ nhu cầu phục hồi sản xuất, nên lãi suất cho vay giảm sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất vay sẽ giảm.

Doanh nghiệp mong vốn rẻ

Theo số liệu vừa công bố, tính đến cuối tháng 2, tín dụng tăng trưởng 1,82% so với cuối năm 2021, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 0,66%) và về với mức bình thường so với thời điểm chưa xảy ra Covid-19 (tín dụng 2 tháng đầu năm 2019 tăng hơn 1%).

Tín dụng bứt phá ngay từ những ngày đầu năm cho thấy dòng vốn đã khai thông, khả năng phục hồi của doanh nghiệp (DN) sau dịch khá tích cực.

Cộng đồng DN cũng cho biết, các đơn hàng ký kết đã có. Nền kinh tế đã phục hồi khá tốt nhờ Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh, cộng thêm sự hỗ trợ của Thông tư 03/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nên cầu tín dụng đã tốt hơn trước rất nhiều.

Tuy nhiên, những ngày qua, căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã gây nhiều lo ngại về sự tăng cao của giá cả hàng hóa và lạm phát, do vậy DN lại gặp khó khăn trong dòng tiền. Vì vậy, DN luôn mong tiếp cận được vốn giá rẻ.

Vừa hoạt động trở lại được gần 2 tháng, ông N.H - Giám đốc một DN sản xuất kinh doanh sắt thép cho biết, cuối tuần qua, DN của ông vừa nhận được đơn hàng và bắt đầu cung cấp sản phẩm cho khách hàng từ đầu tháng 1/2022 nhưng chưa dám "bung" vì thiếu nguồn vốn để mua nguyên liệu.

“Nghe nói sắp có gói cấp bù lãi suất, chúng tôi chờ chính sách sớm được ban hành mới dám vay vốn tuyển thêm lao động, nhập nguyên vật liệu, bởi lãi suất cho vay hiện nay còn khá cao, có khoản lên đến 10,3%/năm”- ông H. nói.

Không ít DN nói rằng việc tiếp cận vốn còn khá nhiều gian nan, từ điều kiện được vay vốn cho đến đáp ứng về lãi suất. Lãnh đạo một DN ngành dệt may cho biết, công ty đang đi vay tại một số ngân hàng với lãi suất cho vay thấp nhất là 5,5%/năm và cao nhất là 6,2%/năm. Nhưng một số DN cùng ngành phải vay vốn với lãi suất lên tới 7-8%/năm, nên trở thành gánh nặng tài chính lớn, nhất là khi ảnh hưởng của tình hình lạm phát và xung đột Nga - Ukraine khiến giá nguyên vật liệu tăng cao.

Nhận xét về lãi suất cho vay hiện nay, theo PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, lãi suất ở Việt Nam cao hơn gấp 2 - 4 lần các nước khác, ở mức 9 - 10%/năm, bình quân khoảng 8%/năm. Trong khi các nước khác chỉ 1%, cao lắm khoảng 4 - 5%/năm.

“Thời gian qua, các ngân hàng đã nỗ lực để giảm lãi suất bằng nguồn lực của mình như giảm lợi nhuận, tiết giảm chi phí đầu vào. Tuy nhiên, lãi vay dù có giảm nhưng vẫn chưa vực dậy được DN”- ông Thiên nói.

Mặc dù thời gian qua, các ngân hàng đã triển khai nhiều nhóm giải pháp như: giảm lãi vay, miễn phí giao dịch, tín dụng ưu đãi… nhưng giảm lãi suất cho vay vẫn là nhu cầu cấp thiết của các DN và nền kinh tế. Không ít DN đã nhận định, chỉ có gói hỗ trợ bù lãi suất của Chính phủ mới có thể kéo lãi vay giảm và hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh.

Phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1%

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng nhằm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Bản kế hoạch đã chỉ ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó sẽ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong hai năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

NHNN cho biết sẽ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn. Đồng thời, NHNN sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất trên cơ sở Nghị định hướng dẫn được Chính phủ ban hành.

Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, Nghị định và Thông tư đang được xây dựng và lấy ý kiến theo nguyên tắc quy định hoạt động tín dụng và từ kinh nghiệm triển khai gói hỗ trợ năm 2009. NHNN sẽ sớm hoàn thiện Dự thảo, tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định.

Cùng với chính sách hỗ trợ trên, NHNN cũng đề ra nhiệm vụ điều hành lãi suất phù hợp để cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.

Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND phổ biến ở mức 5,5-7,5%/năm đối với ngắn hạn; 7,5-8,5%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) ở mức 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm).

Mặt bằng lãi suất cho vay ưu đãi cho khách hàng DN nhỏ và vừa từ 7,2-7,5%/năm. Khách hàng DN lớn, khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên có thể tiếp cận khoản vay với giá vốn thấp hơn 1-2%.

Chuyên gia kinh tế, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, nhiều DN phản ánh, khi làm thủ tục cho vay, DN mất khá nhiều thời gian. Điều này đã ảnh hưởng đến khả năng vay vốn cũng như tiến độ giải ngân của hệ thống ngân hàng. Khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi, lãi suất ngân hàng càng có điều kiện hạ hơn khi lãi suất điều hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ vọng lãi suất cho vay giảm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO