Dù nắng hạn kéo dài gây bất lợi cho sản xuất, song việc chuyển đổi cây trồng canh tác lúa sang cây đậu xanh giống V94-208 vẫn cho năng suất ổn định trên vùng đất khắc nghiệt Ninh Thuận.
Ths Nguyễn Văn Chương, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc (Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam), chủ nhiệm dự án cho biết, sau khi đánh giá thiệt hại do hạn hán tại các tỉnh miền Trung, Bộ NN&PTNT, Ban điều hành dự án đã đề nghị dự án Khuyến nông “Xây dựng mô hình phát triển SX đậu xanh ở một số vùng trồng chính” đang triển khai tại các tỉnh phía Nam đồng thời thực hiện ở tỉnh Ninh Thuận với hy vọng, ứng phó với tình hình hạn hán tại địa phương, giúp cho nhiều nông hộ đang gặp khó khăn ổn định cuộc sống.
Mô hình ứng dụng cây trồng cạn ngắn ngày ứng phó với tình hình hạn hán tại Ninh Thuận được triển khai tại xã Công Hải, huyện Thuận Bắc với diện tích 20 ha, 80 hộ tham gia. Khi tham gia mô hình các hộ được dự án hỗ trợ 100% giống đậu V94-208 và 30% phân bón. Cho đến nay, sau 45-50 ngày chăm sóc các trà đậu gieo sớm nông dân địa phương đã bắt đầu thu hoạch cho năng suất ước đạt từ 1,2-1,5 tạ/sào, bất chấp thời tiết nắng hạn thiếu nước tưới.
Dẫn chúng tôi tham quan ruộng trồng đậu xanh đang thu hoạch ở thôn Hiệp Kiết, ông Nguyễn Văn Hùng, người tham gia mô hình phấn khởi: “Nắng hạn kéo dài thời gian qua đã khiến ruộng đồng khô khốc, nông dân không trồng được bất cứ cây gì. Ấy vậy mà, khi gieo giống đậu xanh V94-208 để ứng phó hạn vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất trung bình khoảng 1,3 tạ/sào". Với giá đậu xanh trên thị trường hiện nay dao động từ 28-32 ngàn đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí nông dân lãi khoảng 2,5 triệu đồng/sào.
Theo ông Hùng, vụ hè thu năm nay với diện tích 3,5 sào lúa, tưởng chừng gia đình bỏ trống vì không có nước tưới. Nhưng nhờ triển khai dự án hỗ trợ sản xuất chuyển đổi cây trồng giống đậu xanh nên gia đình ông có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Hơn nữa trồng đậu xanh còn có lợi thế là đầu tư rất thấp do không phải đầu tư phân bón, còn thuốc trừ sâu dùng rất ít. ông Cường chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Chủ tịch xã Công Hải cho biết, thành công bước đầu của mô hình đã tạo sự phấn khởi cho đông đảo các hộ tham gia, thuyết phục bà con tiếp tục thực hiện vụ chuyển đổi cây trồng giống đậu xanh trong các vụ tới. Hiện tại cây đậu đang sinh trưởng phát triển tốt, đây là điều kiện thuận lợi để đánh giá hiệu quả của mô hình chuyển đổi trong vụ tiếp theo.
Do nắng hạn kéo dài, hồ chứa nước Sông Trâu trên địa bàn cạn kiệt không có khả năng đáp ứng nước tưới, nên vụ Hè - Thu năm nay 100% diện tích toàn xã đều dừng sản xuất. Vì vậy việc ứng dụng trồng cây đậu xanh để mở rộng mô hình phát triển trong sản xuất đặc biệt ở những vùng khó khăn, hạn hán, góp phần vào công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho địa phương, cải thiện thu nhập cho nông hộ, ông Trí chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó Phòng trồng trọt (Sở NN&PTNT Ninh Thuận) cho biết, việc trồng đậu xanh không chỉ giúp cải tạo đất mà mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, phù hợp với chính khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng của ngành nông nghiệp trong việc ứng phó hạn hán.