Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định EVFTA. Như vậy, thời gian chính thức thực thi hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này chỉ còn tính từng ngày (cho tới ngày 10/2/2019).
Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu quan trọng.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ký kết và đang tham gia đàm phán 17 FTA, trong đó có 12 FTA đã đi vào hiệu lực, góp phần không nhỏ vào cán cân thương mại rất khởi sắc của Việt Nam trong năm qua, đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước và thu hút đầu tư nước ngoài. Và tất nhiên, 500 tỷ USD xuất nhập khẩu nói chung, 264 tỷ USD xuất khẩu nói riêng chính là kết quả từ những nỗ lực của nhà quản lý trong việc đàm phán ký kết các FTA thế hệ mới.
Với riêng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), có thể khẳng định, đây là Hiệp định được mong chờ nhất từ cả hai phía, đặc biệt đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, FTA này sẽ tạo cú hích mạnh mẽ cho xuất khẩu hàng hóa nước nhà. Châu Âu vốn là khu vực thị trường nhiều tiềm năng và có nhu cầu cao với những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản... Do vậy, thực thi EVFTA cũng đồng nghĩa với việc các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của chúng ta sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan, từ đó có thể nâng kim ngạch xuất khẩu một cách mạnh mẽ. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu EVFTA chính thức được thực thi ngay từ đầu năm 2020 này thì con số kim ngạch xuất khẩu đạt 300 tỷ USD không phải là mục tiêu có quá nhiều thách thức.
Mặc dù vậy, cũng cần phải nhìn nhận, bên cạnh những ưu đãi lớn về thuế quan, EVFTA cũng đặt ra những điều kiện, quy định khắt khe mà nếu DN Việt Nam không có sự chuẩn bị kỹ càng, sẽ khó có thể vượt qua được những rào cản đó. Phân tích một cách cụ thể đối với con số 300 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2020 này, có thể thấy, so với kết quả xuất khẩu 263,45 tỷ USD năm 2019, kim ngạch xuất khẩu trong năm nay sẽ phải tăng thêm khoảng 36-37 tỷ USD. Có nghĩa rằng, trung bình mỗi tháng của năm 2020, giá trị xuất khẩu phải đạt được cao hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 3 tỷ USD. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro; chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU có thể thay đổi nhanh và có tác động đa chiều. Đặc biệt, xu hướng bảo hộ và chống tự do hoá thương mại và đầu tư đã xuất hiện ở nhiều nơi… thì việc đạt được con số xuất khẩu nói trên không hề giản đơn và rất cần phải có sự nỗ lực và đồng thuận từ nhà quản lý cũng như cả cộng đồng DN Việt.
Nhận định về EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, đây là FTA thế hệ mới có chất lượng cao, thể hiện ở tính toàn diện của Hiệp định, trải rộng trong tất cả các lĩnh vực truyền thống và phi truyền thống, kể cả những lĩnh vực rất mới như mua sắm chính phủ, DN nhà nước, đầu tư công, sở hữu trí tuệ... Do đó, EVFTA thực thi sẽ đưa Việt Nam lên một tầm cao mới, xứng đáng là đối tác chiến lược của EU. “Với EVFTA, xuất khẩu, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Tất nhiên, với kinh nghiệm của người trực tiếp tham gia đàm phán Hiệp định này, người đứng đầu ngành công thương cũng lưu ý rằng, các DN Việt Nam sẽ phải đối diện với không ít thách thức, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang ở trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU. “Sức ép sẽ đến với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cạnh tranh luôn có tính hai mặt rõ ràng. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các doanh nghiệp yếu kém, nhất là các DN vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước”- Bộ trưởng Bộ Công thương nói như vậy khi đưa ra những khuyến cáo đối với các DN nước nhà.
Chắc chắn rằng, EVFTA được thực thi, hàng hóa xuất khẩu của chúng ta sẽ phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định về nguồn gốc xuất xứ cũng như những quy chuẩn khác. Song đây cũng là điều kiện để các DN Việt có thể nâng sức cạnh tranh, mạnh dạn loại bỏ các phương thức quản lý lạc hậu, các dây chuyền sản xuất cũ kỹ để đầu tư nguồn lực mới, hiện đại. Bởi đơn giản, hội nhập không phải là sân chơi của những DN yếu kém, lạc hậu.
Tuy nhiên, đây cũng không phải vấn đề gì quá nghiêm trọng -TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói và cho rằng, trên thực tế , nội lực của các DN Việt Nam hiện nay đã được nâng lên rất nhiều, khi chúng ta đã tham gia nhiều các FTA khác như với Nhật Bản, Hàn Quốc, rõ ràng, DN Việt đã có những kinh nghiệm từ việc thực thi các FTA đó.
Như vậy, chỉ còn ít thời gian nữa, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ chính thức được thực thi, mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và cộng đồng các nước châu Âu. EVFTA đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác bền vững, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và đặt ra kỳ vọng về những mốc son mới cho tăng trưởng kinh tế của nước nhà. Đồng thời, FTA này cũng góp phần quan trọng trong việc củng cố quan hệ thương mại và đầu tư, từ đó tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, nâng quan hệ giữa đôi bên lên một tầm cao mới.