Ngày 6/1, Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và Nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Tại đây, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA khẳng định, doanh nghiệp đã trải qua một năm đầy khó khăn và tiếp tục đối diện với khó khăn trong năm 2023.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm, hầu hết doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố dần khôi phục nhịp độ sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất đã đi vào hoạt động ổn định, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ.... Tuy nhiên 6 tháng cuối năm lại gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, nhất là trong ngành may, gỗ.
Đặc biệt, từ giữa quý 4 năm 2022, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, sản xuất cầm chừng dẫn đến công nhân mất việc, giảm thu nhập. Tình hình cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm không thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền do siết tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp. Tình hình cung ứng xăng dầu không ổn định làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Đại diện HUBA dự báo, bước sang năm 2023 tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ tiếp tục khó khăn. Nhằm hỗ trợ và gỡ khó cho doanh nghiệp, HUBA tập trung kiến nghị một số vấn đề kỳ vọng các quyết sách hữu hiệu, giải quyết khó khăn, khơi dậy nội lực để doanh nghiệp đồng hành cùng thành phố phát triển.
Theo đó, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn. Cần áp dụng chính sách ân hạn 1 năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ 2021, càng làm doanh nghiệp khó khăn thêm.
Thực hiện cho vay ngừng việc, nghỉ việc và cho vay khác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiếu hụt đơn hàng, phải cho công nhân nghỉ việc, làm việc luân phiên... Từ đó, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay và công nhân có tiền trang trải những ngày tết sắp tới.
Các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với cộng đồng, bằng cách cố định “biên độ lãi ròng” (NIM) về mức bình quân 3%. Điều này vừa đảm bảo doanh nghiệp có lợi nhuận, doanh nghiệp có lãi suất vay phù hợp và tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động tín dụng.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, để giải quyết tình hình hết sức khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, nhà nước nên tiếp tục áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% cho tất cả các ngành kinh tế. Nghĩa là không phải chỉ giới hạn ở một số ngành như hiện nay, thời hạn áp dụng tới hết năm 2024.
Bên cạnh đó, các loại thuế khác cũng cần được xem xét miễn, giảm để chia sẻ khó khăn doanh nghiệp và khuyến khích phát triển trong điều kiện cạnh tranh quốc tế hết sức khốc liệt.
Ngoài ra, đại diện HUBA còn cho rằng, mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng Nhà nước cũng nên xây dựng gói chính sách ổn định thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp để không làm tình trạng xấu hơn, ảnh hưởng tới nền kinh tế và an ninh xã hội. Tuy nhiên, gói hỗ trợ này không áp dụng đại trà cho tất cả các doanh nghiệp, các dự án bất động sản mà có tiêu chí lựa chọn.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, kết thúc năm 2022, dự ước tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP HCM đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 14% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng trưởng theo đúng định hướng điều hành của Ngân hàng Trung ương. Đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh góp phần thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế thành phố.