Dù không như mong đợi, nhưng tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục có những con số ấn tượng. Nhiều người kỳ vọng, năm 2018 Việt Nam vẫn là một điểm dừng chân hấp dẫn cho nhà đầu tư ngoại.
Việt Nam vẫn được coi là có thế mạnh trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/1/2018 thu hút 166 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 442,6 triệu USD, giảm 5,1% về số dự án và giảm 64,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Bên cạnh đó có 61 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 456,8 triệu USD, tăng 155% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt 899,4 triệu USD, giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Cũng trong tháng 1 – 2018, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước tính đạt 1.050 triệu USD, tăng 10,5% so với tháng 1/2017.
Trong tháng còn có 415 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 356 triệu USD, tăng 54,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó có 212 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 199,1 triệu USD và 203 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 156,9 triệu USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các dự án cấp mới trong tháng tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt 330,6 triệu USD, chiếm 74,7% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Theo nhận định, hiện đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong thu hút FDI là Trung Quốc, Thái Lan… Tuy nhiên trong mối tương quan so sánh về nhân công cùng giá lao động, các nhà đầu tư vẫn đang ưu ái cho Việt Nam hơn.
Giáo sư Nguyễn Mại phân tích, chủ trương giảm chi phí kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài và thống nhất giá cả dịch vụ giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, trong đó có việc giảm giá cước viễn thông quốc tế, giảm cước dịch vụ vận tải, bến cảng hàng không... đã được thực hiện quá chậm so với đòi hỏi cải thiện môi trường đầu tư và sự chỉ đạo của Chính phủ.
Rõ ràng đã xảy ra xung đột lợi ích của từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp trong khi môi trường đầu tư cần được cải thiện, cần giảm mạnh chi phí cơ hội cho các dự án FDI.
Năm 2016 và 2017 Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt về việc cải cách nền hành chính quốc gia, giảm thiểu thủ tục hành chính theo hướng tiếp cận với các nước OECD, các nước ASEAN-4. Việt Nam được đánh giá đã đạt được những tiến bộ rõ rệt.
Cũng theo ông Mại, cần khắc phục những nhược điểm trong môi trường đầu tư để các doanh nghiệp an tâm đầu tư vào Việt Nam.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, cần thận trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trước khi nhận dự án đầu tư nước ngoài, các bộ phải có thẩm định kỹ rồi mới nhận, trong đó lưu tâm đến vấn đề môi trường và công nghệ.