Hội Kiến trúc sư Việt Nam vừa công bố 25 phương án xuất sắc lọt vào bình chọn cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội của các tác giả, nhóm tác giả bán chuyên và không chuyên. Đây cũng là tiền đề để hiện thực hoá các không gian sáng tạo ấn tượng, khả thi cho Thủ đô thời gian tới.
Nhiều phương án sáng tạo
Sau gần 8 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được 93 phương án dự thi từ các cá nhân, tổ chức trong nước, quốc tế tại 3 hạng mục gồm Hạ tầng thúc đẩy sáng tạo; Hạng mục Tổ chức không gian sáng tạo trên cơ sở khai thác các công trình công nghiệp trong đô thị phải di dời hoặc chuyển đổi chức năng; Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống.
Với tiêu chí về ý tưởng và giải pháp tổ chức không gian độc đáo, thu hút cộng đồng, nhiều phương án đã tạo được ấn tượng với hội đồng giám khảo và công chúng. Có thể kể đến như phương án chuỗi sản phẩm du lịch từ cây lúa để giúp cho người dân Đường Lâm có hướng khai thác kinh tế hiệu quả từ du lịch kết hợp nông nghiệp của Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững.
Với tên gọi “Mô hình du lịch từ cây lúa” điểm nhấn dự án là tour du lịch mùa lúa chín với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo từ cánh đồng. Bên cạnh tour du lịch “làng cổ đá ong” truyền thống, tour du lịch “Mùa lúa chín” đã nhanh chóng tạo ra thương hiệu mới cho du lịch Làng cổ Đường Lâm với nhiều không gian trải nghiệm độc đáo tại 3 công viên chuyên đề.
Còn nhóm tác giả Nguyễn Kiên Tố, Hoàng Thế Vinh, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Minh Anh, Nguyễn Thị Minh Hạnh, Trần Duy Tân, Nguyễn Anh Dũng, Trần Hữu Trí lại mang đến phương án chuyển đổi công trình Nhà máy xe lửa Gia Lâm thành không gian sáng tạo mang tên “Quận đường tàu 4.0”.
Theo phương án đây sẽ là nơi kết nối các doanh nghiệp trẻ, đặc biệt là các start up về công nghệ với nhau, cũng như kết nối đến người tiêu dùng, họ có thể là sinh viên, các nhà đầu tư,khách du lịch… Ngoài các không gian sáng tạo, trải nghiệm cho khách đến thăm thì nơi đây cũng phát triển các không gian dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của những người ở và làm việc tại đây như sinh hoạt, giải trí, làm việc… đến khu ở.
Bên cạnh đó, phương án “Quận nghệ thuật sông Hồng” của CTCP Tư vấn và đầu tư kiến trúc AVANT cũng nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực. Theo đề xuất của phương án, nếu tại trung tâm của khúc sông Hồng có được một không gian dành riêng cho sự sáng tạo, nơi tất cả những ý tưởng, sáng tạo được hội tụ lại, giao thoa với nhau, được giới thiệu với đông đảo các tầng lớp trong và ngoài nước, thì đó sẽ trở thành một cực phát triển rất hiệu quả, nơi địa linh và nhân kiệt hội tụ.
5ha tại vị trí trung tâm Thủ đô là vùng đất rất đáng giá, vì thế, nếu nó được sử dụng cho mục đích tiêu dùng bình thường như một khu ở hay khu thương mại thì sẽ rất lãng phí. Thiết kế đơn vị đưa ra hướng đến xu thế chung đó là không gian xanh và giảm mật độ xây dựng xuống thấp nhất để du khách có thể tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên.
Điểm nhấn của dự án là không gian thỏa mãn được sở thích chụp ảnh ở bến sông, tham quan ngắm cảnh ở ven sông Hồng. Nghệ thuật và sáng tạo là hai yếu tố xuyên suốt từ không gian bên trong các tòa nhà cho đến không gian ngoài trời (triển lãm nghệ thuật ánh sáng, công viên...).
Đáp ứng đòi hỏi cấp thiết về không gian sáng tạo
Kỳ vọng vào thành công của cuộc thi, GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông- nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thành viên Hội đồng Giám khảo bày tỏ, cuộc thi được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động của người dân, nếu không sẽ là quá muộn.
Bởi vì, sau thời gian dài hối hả phát triển, đời sống vật chất của người dân tăng lên nhiều, nhưng thành phố lại thiếu không gian dành cho các hoạt động của cộng đồng mang đậm nét riêng của văn hóa Hà Nội. Đó thực sự là một đòi hỏi cấp thiết để Hà Nội sớm trở thành nơi sống tốt và có bản sắc. Hà Nội gần đây tham gia vào Mạng lưới Thành phố sáng tạo toàn cầu là một minh chứng.
Cũng theo ông Thông, một thời gian dài Hà Nội chưa chú trọng phát triển các Không gian sáng tạo. Nhưng gần đây đã và đang có những dự án tổ chức không gian sáng tạo khá thành công. Đây là kết quả phối hợp hiệu quả giữa các tác giả, chính quyền, nhà đầu tư và người dân, trong đó cam kết của chính quyền có vai trò quan trọng.
Điều đó cho thấy xu hướng phát triển các không gian sáng tạo ở Hà Nội là phù hợp và đang đi đúng hướng của thời đại. Ví dụ thuyết phục nhất là trường hợp quận Hoàn Kiếm, bắt đầu từ cải tạo phố Tạ Hiện đến không gian Vòm cầu Phùng Hưng và không gian cộng đồng Bãi Phúc Xá…
Chúng ta đều biết Hà Nội sở hữu một quỹ di sản vật thể và phi vật thể phong phú, đặc sắc và đa dạng, phản ánh quá trình phát triển hơn một ngàn năm của thành phố. Đó là giá trị văn hóa của thành phố, là nguồn cảm hứng sáng tạo, có thể nói là bất tận của biết bao nhiêu người. Nhưng sáng tạo mang tính cá nhân, thật khó có thể gợi ý.
“Tuy nhiên, để có ý tưởng độc đáo về thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội từ cảm xúc về di sản văn hóa, lịch sử, thì tôi nghĩ, ngoài tình yêu, chắc chắn cần phải có sự hiểu biết sâu sắc về di sản văn hóa và con người Hà Nội. Được như vậy, không gian sáng tạo chắc chắn sẽ vừa hiện đại vừa mang đậm nét rất riêng của Hà Nội, hấp dẫn cộng đồng xã hội”, ông Thông nói.
Có thể nói, với 25 phương án lọt vào vòng bình chọn của các tác giả, nhóm tác giả chuyên và không chuyên đã cho thấy sự đầu tư, nghiên cứu kỹ lượng, đề xuất nhiều ý tưởng sáng tạo, thể hiện rõ sự quan tâm, trách nhiệm đối với sự hình thành và phát triển các không gian sáng tạo Hà Nội.
Theo kế hoạch trong thời gian tới Ban tổ chức sẽ tiếp tục triển khai xét giải cho các tác phẩm; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của cộng đồng về thiết kế sáng tạo, khai thác các giá trị từ giải pháp sáng tạo, phục vụ sự phát triển bền vững của Thủ đô.