Tinh hoa Việt

Kỳ vọng về một tầng lớp doanh nhân mới

Hoàng Mai 27/05/2025 11:08

Đầu tháng 5, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết như một “làn gió mát” thổi vào bầu không khí kinh tế nước nhà, mang tới những định hướng mới trong phát huy, phát triển lực lượng kinh tế này trong nền kinh tế Việt Nam khi “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”.

2.jpg
Phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

1. Thảo luận về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) mới được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, hầu như tất cả các ĐBQH đều ít nhất một lần đề cập đến cụm từ kinh tế tư nhân. Nhiều ĐBQH đề cập đến cần có cơ chế mở cho phát triển kinh tế tư nhân.

Điều ấy cũng hoàn toàn dễ hiểu khi mà chúng ta đi ra từ bao cấp, gần 40 năm đổi mới từ chỗ kinh tế tập thể, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đến phát triển kinh tế nhiều thành phần trong nhiều lĩnh vực song hành cùng với các doanh nghiệp nhà nước; nhất là những ngành nghề mà nhà nước không cần phải giữ cổ phần chi phối. Kinh tế tư nhân cứ như thế, từng bước đã “hội nhập” sâu và rộng vào nền kinh tế quốc gia và trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế Việt Nam. Trong số các doanh nghiệp tư nhân có tập đoàn lớn; cũng có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nào ở vị trí của mình cũng ít nhiều góp phần mang đến cái nhìn mới, cởi mở và trân trọng hơn với kinh tế tư nhân.

Vì vậy, khi ĐBQH dành nhiều tâm huyết nói về sự cởi trói cho kinh tế tư nhân trên diễn đàn Quốc hội cũng là điều dễ hiểu. ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) khi nói về vấn đề sửa đổi quy định doanh nghiệp tư nhân và mô hình hộ kinh doanh đã bày tỏ tiếc nuối khi nội dung này đã không được đưa vào dự thảo luật. Bởi, theo lý giải của bà Hà, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân có khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh và hơn 940.000 doanh nghiệp, như vậy hộ kinh doanh đang chiếm tỷ trọng rất lớn. “Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp hiện hành và dự thảo sửa đổi lần này chưa đề cập đến việc cải cách mô hình hộ kinh doanh, trong khi đây là 1 nội dung trọng tâm đã được xác định tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân với yêu cầu rất rõ ràng, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang mô hình hoạt động doanh nghiệp, xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026”, bà Hà nêu.

Điều bà Hà nói không phải không có lý, khi mà Nghị quyết của Đảng đã khẳng định là doanh nghiệp tư nhân cũng cần được xem xét đối xử công bằng như các doanh nghiệp nhà nước; và rằng, mấy ai lớn mạnh mà không phải trải qua bước ban đầu sơ khởi của một doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa. Vì thế, cần một tầm nhìn rộng và xa hơn để Luật khi đi vào đời sống phát huy tác dụng và có đời sống lâu bền ở một đất nước mà số hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn như Việt Nam thì cần lắm sự cởi mở trong cách tiếp cận và trong thủ tục đánh giá doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế với các tiêu chí rõ ràng, minh bạch

2. Cũng bàn đến Luật Doanh nghiệp, nhiều ĐBQH cũng quan tâm đến nội dung viên chức, công chức tham gia góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp tại điểm c khoản 1 Điều 6 dự thảo luật. Đánh giá cao việc dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã mở rộng quyền của viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập trong việc góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, ĐB Trần Thị Nhị Hà cho rằng, quy định này lại đang mâu thuẫn với Điều 49 dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 9 khi quy định rộng hơn, bao gồm viên chức tại tất cả các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, điều này tạo ra sự thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật. Bà Hà lý giải, không phải mọi cơ sở giáo dục đại học công lập đều là tổ chức khoa học, công nghệ và ngược lại. Từ đó, bà Hà kiến nghị dự thảo Luật Doanh nghiệp cần điều chỉnh để mở rộng đối tượng, phù hợp với dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tránh chồng chéo, đảm bảo đồng bộ pháp luật, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công lập.

Câu chuyện công chức, viên chức nhất là viên chức trong các cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn vào doanh nghiệp và quản lý, điều hành, nhiều ý kiến cho rằng đó là điểm đặc biệt đáng lưu ý. Ở góc độ của mình, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) khi nói về quy định này bày tỏ cơ bản thống nhất nhưng đề nghị: phải thống nhất với Nghị quyết 57 để đưa nhóm đối tượng này vào trong điều chỉnh của Luật. Bởi, điều này đúng với chủ trương tăng cường kết nối vai trò của các trường đại học liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế và nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, với viên chức giáo dục khi góp vốn vào doanh nghiệp cần có sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở giáo dục; còn người đứng đầu cơ sở giáo dục cần có sự đồng ý của cấp trên người đứng đầu.

Nói về chuyện mở rộng đối tượng cán bộ, viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học được tham gia vào quản lý, điều hành các doanh nghiệp, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cũng bày tỏ thống nhất nhưng vị ĐB này bày tỏ băn khoăn về mức độ tham gia của nhà giáo. Bởi nếu vậy, họ có 2 tư cách pháp nhân: Pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại; nói cách khác vừa làm thầy; vừa làm chủ doanh nghiệp. Ý kiến ấy của ông Hạ không phải không có lý và cần phải cân nhắc kỹ. Phải làm sao để giữ được hình ảnh đẹp của một người thầy, khi là viên chức ở một lĩnh vực đặc biệt; làm sao để hình ảnh nhà giáo nói chung và nhà giáo làm kinh tế nói riêng luôn được đánh giá cao, được tôn vinh!

3. Qua thảo luận Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) các ý kiến trao đổi đã cho thấy, mối quan tâm của ĐBQH tập trung vào phát triển kinh tế tư nhân và việc mở rộng đối tượng tham gia góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp của viên chức đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học công lập trong góp vốn, điều hành doanh nghiệp. Hai vấn đề này nếu thể chế hóa trong luật sẽ góp phần tạo ra một tầng lớp doanh nhân mới vừa có trình độ, tri thức vừa có kinh nghiệm thực tiễn như vậy câu chuyện học và hành sẽ song hành được với nhau và cùng hỗ trợ nhau phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ vọng về một tầng lớp doanh nhân mới