Nhiều người cho rằng nếu coi xuất khẩu là “lá chắn” thì cũng cần nhìn nhận đầy đủ yếu tố thị trường trong nước, vì điều đó đã cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế đất nước trước những diễn biến phức tạp và lạm phát của kinh tế thế giới.
Nếu cả hai điều đó đều tốt thì tăng trưởng GDP cũng như kiềm chế lạm phát của năm 2022 sẽ tốt.
Tại Báo cáo “Triển vọng ASEAN - Xuất khẩu: Một câu chuyện kiên cường đáng ngạc nhiên” vừa được Ngân hàng HSBC công bố đã đánh giá về khả năng bền bỉ, tiềm tàng của ASEAN, bao gồm cả Việt Nam. Đặc biệt, các chuyên gia của HSBC rất ấn tượng khi xuất khẩu điện tử tiêu dùng của Việt Nam đã tăng mạnh từ dưới 5% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2000 lên mức hơn 30% như hiện nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia của HSBC cũng nói rằng, không phải mọi thứ đều có thể đóng gói và xếp vào container để mang bán. Không ai có thể xuất khẩu một khung cảnh đẹp, một buổi hoàng hôn hoàn hảo hay bãi cát trắng thơ mộng. Hình ảnh có thể truyền tải phần nào nhưng không thể thay thế cho trải nghiệm. Vì thế, muốn “lá chắn” vững hơn thì cần có một chiến lược xuất khẩu phù hợp, nhất là khi hầu hết các thị trường lớn đều “co lại” do lạm phát tăng. Ở thời điểm giữa tháng 10, lạm phát tại Mỹ là 8,1% còn trung bình của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) là 8,6%.
Nhận định về kinh tế Việt Nam, ông Michael Kokalari - Kinh tế trưởng của VinaCapital cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy chống chịu tốt hơn với những khó khăn hiện tại ở Mỹ và châu Âu so với trước đây, nhờ các chính sách đúng đắn của Chính phủ bảo vệ nền kinh tế của đất nước khỏi những cơn bão kinh tế toàn cầu. “Việc củng cố khả năng chống chịu giúp Việt Nam đối phó tốt hơn với các đợt tăng lãi suất của FED (Cục Dự trữ liên bang Mỹ), từ đó giảm thiểu các bất ổn dễ làm đồng nội tệ tổn thương” - ông Kokalari nhận xét và cho rằng Việt Nam hiện có gần 100 tỷ USD trong dự trữ ngoại hối trong khi nợ bằng ngoại tệ của Việt Nam đang ở mức dưới 40%/GDP, và khoảng một nửa trong số đó về cơ bản là các khoản vay “mềm” từ các nhà cho vay siêu quốc gia (ví dụ: Ngân hàng Thế giới) với các điều khoản ưu đãi.
Điều đó càng cho thấy nội lực của nền kinh tế Việt Nam đã được bồi đắp.
Nếu như “lá chắn” xuất khẩu vẫn bảo đảm tăng trưởng thì “sức chống chịu” lại được giới chuyên gia đánh giá cao hơn. Đó là việc Việt Nam hoàn toàn chủ động về lương thực, thực phẩm. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới rất khó khăn tìm nguồn lương thực, thực phẩm thì Việt Nam vẫn rất “ung dung”. Riêng về lúa gạo, Việt Nam hiện thuộc về nhóm quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, không chỉ về số lượng mà còn cả chất lượng. Một số loại gạo của Việt Nam được các thị trường đánh giá rất cao, trong đó có ST24, ST25 từng được xếp hạng ngon nhất thế giới. Về các loại quả, tới nay thanh long, xoài, nhãn, vải thiều đã quen thuộc với người châu Âu, châu Mỹ, người Úc và người Nhật. Giá cả phải chăng, chất lượng tuyệt vời, lại an toàn cho người dùng đã làm nên thương hiệu trái cây Việt Nam.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện Việt Nam không còn mối lo an ninh lương thực, thực phẩm; không còn sợ thiếu hàng mà cái chính lại là sợ... thiếu thị trường xuất khẩu. Thực tế cho thấy, khi lạm phát ở nhiều quốc gia tăng cao, thị trường tiêu thụ thu hẹp thì lượng hàng xuất đi của Việt Nam cũng gặp khó khăn.
Tuy nhiên, “lá chắn” vững, sức chống chịu dẻo dai, hầu hết các định chế tài chính quốc tế đều đưa ra dự báo, dù phải đương đầu với nhiều thách thức nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ ở khoảng 8%. Đó là một nền kinh tế “vượt bão” rất ấn tượng.