Với phương châm “lấy sức dân chăm lo cho dân”, phát huy tính tự quản tại cộng đồng, Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện để người dân tự nguyện đóng góp công sức, vật chất và tinh thần nhằm xây dựng địa bàn dân cư đoàn kết, đáng sống.
Ủy ban MTTQ thành phố cũng có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, cùng với doanh nghiệp, người dân triển khai và thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn.
Chung tay vì cộng đồng
Ông Nguyễn Thành Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TPHCM cho biết, bên cạnh việc thực hiện các nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hệ thống Mặt trận còn lồng ghép triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương; xác định nội dung trọng điểm để thực hiện Cuộc vận động gắn với chủ đề của thành phố bằng nhiều hình thức, cách làm sáng tạo... Nhờ đó, nhiều giải pháp, mô hình như Mô hình giúp nhau phát triển kinh tế; Mô hình tự quản về an ninh, trật tự; Mô hình khuyến học, khuyến tài; Mô hình sáng tạo, tiết kiệm… trong cộng đồng được hình thành, nhân rộng và ngày càng hoạt động có hiệu quả.
Những năm gần đây, MTTQ các cấp của thành phố đã triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, các hoạt động bảo vệ môi trường, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng nhằm vận động người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch.
Tính đến nay, đã có 1.812/1.990 khu phố, ấp được công nhận “Khu phố, ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch” và đang thực hiện các thủ tục xét chọn công nhận khu dân cư sạch, đẹp. Qua đó, nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ môi trường, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và góp phần khắc phục thói quen xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị.
Hưởng ứng phong trào “Cả Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TPHCM đã phối hợp với Liên minh hợp tác xã thành phố tổ chức triển khai ở 5 huyện về xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới. Hiện nay, tất cả các huyện đều đạt chuẩn nông thôn mới, có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ở thành phố đã xuất hiện một số mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị, như Mô hình trồng hoa lan, cây kiểng, nuôi cá cảnh, chăn nuôi bò sữa, trồng rau an toàn.
Chương trình “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” và công tác hậu phương quân đội cũng được tổ chức với nhiều hoạt động thiết thực, hướng về biển, đảo Tổ quốc, gắn với tuyên truyền, vận động nguồn quỹ bằng nhiều hình thức, tạo nguồn lực góp phần chăm lo cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 và các lực lượng vũ trang nhân dân nơi biên giới, hải đảo. Từ năm 2009 đến nay, Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” đã chi hơn 300 tỷ đồng để chăm lo cho người dân.
Bà Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM nhấn mạnh, những tình cảm, nghĩa tình của người dân TPHCM dành cho những chiến sĩ, người dân ở biên giới, hải đảo đã làm lan tỏa những hình ảnh đẹp, những tình cảm thắm đượm tình quân dân của thành phố.
Để người Việt ưu tiên dùng hàng Việt
Theo ông Ngô Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, thành phố có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” một cách hiệu quả. Cụ thể, UBND TPHCM triển khai thực hiện các nhóm giải pháp bao gồm thông tin tuyên truyền, vận động; kết nối doanh nghiệp với thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; chương trình khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam...
Riêng trong năm qua, có 80 doanh nghiệp tham gia Cuộc vận động với nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao, nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, gắn với thực hiện Cuộc vận động.
Bà Nguyễn Lan Hương (phường 22, quận Bình Thạnh) đánh giá, nhiều mặt hàng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất không thua kém hàng ngoại, trong đó có các loại thực phẩm như trứng, thịt, rau quả; hay những mặt hàng tiêu dùng khác như quần áo, giày dép, nước giải khát, nội thất gia đình... chất lượng tốt, mẫu mã đẹp mà giá cả lại “mềm” hơn hàng ngoại nhập. “Là người chuyên mua sắm cho gia đình, tôi thường chọn hàng Việt, vừa đỡ khoản chi phí, vừa góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển” - bà Hương nói.
Ông Bùi Đình Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên Nhật (huyện Hóc Môn) cho biết, công ty chuyên sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như mỹ phẩm, ba lô, túi xách, quần áo trẻ em… Hơn 10 năm qua, công ty luôn có đội ngũ nghiên cứu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, tăng cường đầu tư công nghệ nên sản phẩm làm ra luôn được người dân trong nước lựa chọn, có mặt ở hầu hết các siêu thị, cửa hàng ở các tỉnh phía Nam và một số tỉnh, thành phía Bắc.
Theo đại diện Saigon Co.op, với mục tiêu kiên định hỗ trợ phát triển hàng Việt, từ chương trình “Người tiêu dùng và hàng Việt Nam chất lượng cao”, Saigon Co.op đã chuyển sang chương trình “Tự hào hàng Việt”, được tổ chức định kỳ tháng 9 hàng năm. Điều này không chỉ góp phần thực hiện sứ mệnh đưa hàng Việt đến tận tay người Việt, mà còn chứng minh cam kết của Saigon Co.op trong việc hỗ trợ, hợp tác cùng phát triển với các nhà sản xuất trong nước. Đồng thời, góp phần tác động tích cực trong việc nâng cao mối quan hệ tiêu dùng giữa doanh nghiệp Việt và khách hàng theo định hướng chung của cuộc vận động. Tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã đạt trên 90% và được duy trì trong suốt nhiều năm qua.
Sở Công thương TPHCM tổ chức Hội chợ khuyến mại với chủ đề “Thỏa sức mua - Đua sức sắm”, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, phát triển thị trường tiêu thụ, góp phần hưởng ứng hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, kết nối giao thương với các tỉnh, thành hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường tiêu thụ nội địa.
(Còn nữa)