Theo đánh giá từ giới chuyên gia, dù còn nhiều khó khăn nhưng triển vọng của kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực trong trung, dài hạn. Chính vì thế dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy vào Việt Nam, yếu tố này được ví như là “lá phiếu tín nhiệm” đối với Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã trao giấy chứng nhận đầu tư và biên bản hợp tác đầu tư cho 10 dự án với tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ USD. Bà Rịa-Vũng Tàu hút vốn ngoại là một minh chứng trong việc các địa phương nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, mời gọi nhà đầu tư.
Cơ hội đón dòng vốn ngoại quy mô lớn
Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 10 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong đạt hơn 22,46 tỷ USD. Đáng chú ý, vốn điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại tiếp tục xu hướng tăng và có 880 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 13,4% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 8,74 tỷ USD, tăng 23,3%. Về thực hiện, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế đến ngày 20/10/2022, cả nước có 35.895 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên trên 435,2 tỷ USD.
Trong những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn với tổng mức đầu tư lên đến hàng tỷ USD như dự án đầu tư mở rộng giai đoạn II - Tổ hợp Hóa dầu miền Nam của The Siam Cement Public Company Limited, tổng mức đầu tư 5,5 tỷ USD; dự án sản xuất gỗ công nghiệp cho ngành xây dựng lắp ghép theo công nghệ CLT và đóng tàu giải trí, tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD của Công ty Earth Vision.
Việc mời gọi nhà đầu tư nước ngoài được Chính phủ đặc biệt chú ý. Trong lần thăm chính thức Luxembourg, Hà Lan và Bỉ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc trực tiếp với nhiều tập đoàn lớn tại châu Âu. Trong đó có SMS - tập đoàn lớn của Luxembourg cung cấp công nghệ luyện kim trên toàn cầu, có doanh thu khoảng 2,6 tỷ EUR vào năm 2021. Đại diện Paul Wurh (1870) là công ty thành viên thuộc SMS chuyên cung cấp dịch vụ và công nghệ cao, hiện đại về thiết kế, chế tạo và lắp đặt các thiết bị và nhà máy luyện gang thép, cho hay đang có kế hoạch mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong việc tìm kiếm nhà cung ứng thép trong nước và hỗ trợ tăng cường năng lực tự động hóa điện tử trong ngành thép.
Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư châu Âu rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, trong đó có Đan Mạch. Năm 2022, Đan Mạch đã nổi lên là 1 trong 5 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với tổng đầu tư mới đạt 1,32 tỷ USD. Một trong những lý do Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn các doanh nghiệp Đan Mạch là các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang có triển vọng tốt với các dự án mới. Chính phủ đã và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về FDI và nâng cao chất lượng quản lý FDI theo hướng xây dựng chính phủ số sẽ đảm bảo cho việc đạt được các mục tiêu đã đặt ra đối với đầu tư nước ngoài giai đoạn đến năm 2025, 2030. Việt Nam sẽ là điểm đến được lựa chọn của các dự án FDI mới mà Việt Nam mong muốn.
Dữ liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 11 tháng qua, song song với vốn đăng ký mới đang dần được cải thiện, vốn điều chỉnh tiếp tục tăng 18,9%, điểm đáng chú ý là vốn giải ngân tích cực, đạt 19,68 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính ra trong năm 2022 đã có hơn 1.812 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Ông Bill Winters - Tổng giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered cho rằng Việt Nam đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như là một địa điểm sản xuất, từ đó tiếp tục mang đến nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn.
Sức chống chịu của nền kinh tế và triển vọng đầu tư nước ngoài
Thời gian qua, dù gặp không ít khó khăn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tụt giảm, lạm phát gia tăng kéo dài, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nhưng cũng đã chứng tỏ sức chống chịu tốt. Sự thành công ấy mở ra triển vọng tốt đẹp đối với môi trường đầu tư và kinh doanh.
Ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, các chỉ số của nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tiếp tục ổn định trong khi các nước lân cận đang gặp khó khăn. Đặc biệt, cam kết rất mạnh mẽ của Chính phủ về giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050 sẽ giúp Việt Nam trở thành nước đứng đầu trong hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài.
Với những kỳ vọng này, các DN nước ngoài đều bày tỏ mong muốn được hợp tác và đầu tư trong nhiều lĩnh vực, nhất là các dự án liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Chẳng hạn, các DN Mỹ mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng bao gồm thúc đẩy quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng, khai thác toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số và cải cách thị trường vốn để thúc đẩy đầu tư.
Ông Kim Han Yong - Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) nhấn mạnh, năm 2022 là năm đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, đồng thời là thời điểm hợp tác giữa hai nước tốt đẹp nhất từ trước đến nay trên mọi lĩnh vực. Hiện đã có gần 9.500 DN Hàn Quốc kinh doanh tại 59/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Trong tương lai, ông Kim Han Yong cho rằng, Việt Nam vẫn là điểm hấp dẫn của nhà đầu tư Hàn Quốc nhờ dân số gần 100 triệu dân và là một “mắt xích” trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng ổn định.
Thời gian qua, diễn biến kinh tế thế giới biến động và khó dự báo. Dịch bệnh, thiên tai, xung đột vũ trang, cạnh tranh… có thể sẽ vẫn tiếp diễn, do vậy mỗi quốc gia đều có những cách thích ứng của mình để tồn tại và phát triển, nhất là những quốc gia có quy mô nền kinh tế còn nhỏ, còn bị phụ thuộc vào bên ngoài, vào dòng vốn đầu tư toàn cầu khi dòng vốn này cũng đang biến động.
Trong bối cảnh đó, dù Việt Nam có chiều thuận về khả năng tăng trưởng của FDI trong tương lại gần, nhưng không có nghĩa là “ngồi im” vẫn sẽ nhận được các dự án đầu tư mới.
Ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nói rằng, đổi mới - sáng tạo - phát triển là phương châm điều hành nền kinh tế, trong đó thu hút nguồn vốn FDI luôn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chú trọng tổ chức thực hiện. Tuy vậy, các nhà quản lý cần nhận ra các thách thức đối với Việt Nam trong từng giai đoạn để có các giải pháp khắc phục.
Về thách thức nội tại, từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam có những điểm yếu như: Sức mua dù tăng trưởng nhưng vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực (nhỏ hơn 4 lần so với Indonesia); thiếu quy hoạch đồng bộ và dài hạn trong thu hút FDI; hệ thống luật pháp chính sách liên quan đến đầu tư cần tiếp tục ổn định, nhất quán; thủ tục hành chính về đầu tư còn phức tạp do cơ chế quản lý và hệ thống luật pháp liên quan đến đầu tư còn chồng chéo; nguồn cung đầu vào tại chỗ còn yếu; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển…
Về thách thức từ bên ngoài, cản trở lớn nhất có ảnh hưởng đến cơ hội của Việt Nam trong hợp tác đầu tư nước ngoài là nằm ngay sát một nền kinh tế lớn, có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, là Trung Quốc, thị trường với hơn 1,4 tỷ dân.
Những ưu thế của Việt Nam so với các nước cùng trong ASEAN cũng chưa thật sự rõ ràng. Điều đó cần nhiều nỗ lực hơn để chứng tỏ Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - ông Nguyễn Bích Lâm, cho rằng để thu hút vốn FDI, cần rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động, bất trắc của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI của các nước trên thế giới; đồng thời xây dựng lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài với điều kiện đầu tư, hệ thống pháp luật minh bạch, nối toàn cầu bằng các quy tắc của pháp luật. Đặc biệt xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có năng lực, khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, những năm gần đây Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương quan trọng có quy mô, tầm vóc lớn và mạnh như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình dương; Hiệp định EVFTA; các hiệp định thương mại song phương với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Vương quốc Anh... tạo cơ sở và nền tảng vững chắc về mặt pháp lý cho Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là yếu tố quan trọng nâng vị thế và sức hấp dẫn của Việt Nam trong chiến lược kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài.