Lạc vào cồn cát

Lã Thế Tuấn (Nguồn tham khảo: Discovery Nature) 01/05/2017 14:05

Thế giới có những vùng địa lý cực kỳ đặc biệt, trong đó không thể không nói tới những đảo cát khổng lồ. Ở đó hầu như quanh năm khô cằn, cỏ cây và các loài thú, chim muông vắng bóng. Nhất là sinh vật thủy sinh thì vô cùng hiếm hoi.

Cồn cát Big Daddy tại Namibia.

1. Đảo cát được cho là lớn nhất thế giới có tên Fraser, nằm dọc theo vùng duyên hải phía Nam của bang Queensland, Australia. Đây là đảo cát lớn nhất thế giới với diện tích 1.840 km2. Năm 1992, UNESCO đã công nhận đảo Fraser là Di sản thế giới.

Trên đảo là rất nhiều đụn cát nối tiếp nhau. Khi hoàng hôn buông xuống, bóng tối chờn vờn như chực úp xuống những đụn cát, tạo nên một khung cảnh nhiều phần quái dị.

“Rất ít người dũng cảm đi vào những đụn cát ấy khi chiều tối. Họ không thể lường trước được những gì trong bóng đêm. Trong khi những trận bão cát chực chờ”- Marie Landnet, một tay máy người Pháp nổi tiếng về những bức ảnh hoàng hôn sa mạc và những đụn cát nói. Bà đã từng săn ảnh tại đảo Fraser cả tháng ròng (năm 2015) nhưng chưa một lần dám đi sâu vào đảo lúc chiều tối.

Nhưng, lạ thay, Fraser lại là một đảo cát từng có người sinh sống. Những dấu tích khảo cổ học xác tín rằng, con người bắt đầu sống trên đảo Fraser từ khoảng 5.000 năm trước. Đặc biệt, nhà thám hiểm James Cook từng đi ngang qua đảo vào tháng 5-1770.

Trong nhật ký hành trình, James Cook viết: “Vừa bước chân lên đảo, chúng tối đã thấy ngay được những bụi cây mọc thành từng hàng hình vòng cung rất lạ mắt trên các ụ cát. Chúng tôi đặt tên nó là đồi Arch. Cát ở đây có màu đỏ sáng rất đặc trưng do có nhiều chất tannin. Các đụn cát ở đây có cái cao đến hơn 200m”. James Cook cũng không quên ghi nhận, cát trên đảo Fraser lại khá phì nhiêu nên cây cối phát triển rất tươi tốt.

Nhưng rồi theo thời gian, cát ở đây bạc màu dần. Ban ngày chúng hút nhiệt năng mặt trời khiến toàn đảo nóng rừng rực. Nhưng đêm xuống, chúng lại tỏa nhiệt hết sức nhanh, trở nên lạnh ngăn ngắt. Cũng chính vì đặc điểm này mà buổi chiều tối (trong vòng 2 giờ đồng hồ), thật khó có thể băng ngang những đụn cát vì nhiệt độ bốc ra khiến ai cũng phải choáng váng.

Dù là đảo cát lớn nhất thế giới nhưng Fraser rất hiu quạnh. Bên rìa đảo, có một số lều trại, rất ít những người đàn ông trung niên cầm cự. Họ sống nhờ vào việc dẫn đường cho khách du lịch mạo hiểm, những người tò mò muốn thử cảm xúc khi đi giữa những đụn cát hoang vắng.

“Chúng tôi không biết làm gì hơn là làm công việc này. Những đồng tiền chúng tôi kiếm được dành để nuôi gia đình. Có khi chúng tôi ở đây cả tháng mới về nhà một lần”- Francis Medalffi, một hướng dẫn viên du lịch không chuyên của đảo Fraser nói.

Nhưng ở một khía cạnh khác, du khách đến với đảo cát Fraser sẽ được ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên kỳ lạ với sự thay đổi khác nhau theo từng mùa: hoa dại của mùa xuân, ngày sáng chói của mùa hè, màu sắc của mùa thu và sự hoang tàn của mùa đông. Và đảo cát này còn nổi tiếng với những rừng cây tán lá thấp mọc tự nhiên trên cát, trong đó cây Banksia là danh giá nhất.

2. Thế giới còn ghi nhận nhiều đảo cát, cồn cát khác không kém phần khác lạ.

Trước hết, đó là đảo cát Pila nổi tiếng là cồn cát cao nhất châu Âu, gần Aquitaine, phía tây nam nước Pháp. Nó cao 107m so với mực nước biển, dài 3km và rộng 500m. Pila là đảo cát thường gặp những trận gió quét rát lớn, trở thành bão cát cực lỳ nguy hiểm. Tháng 1-2009, trong một trận bão, những cơn gió với tốc độ 175km/h đã hủy hoại cồn cát này. Kể từ đó ít người dám mạo hiểm khám phá Pila, và rồi nó đang ngày một hoang vắng.

Cồn cát Pila, phía tây nam nước Pháp, cao 107m so với mực nước biển.

Nằm ở sa mạc Taklamakan (Trung Quốc), Mingsha Shan nổi tiếng với hiện tượng cát hát. Những cồn cát cao nhất ở đây tới 1.725m so với mực nước biển. Nhưng độ cao ấy cũng không cố định bởi các cồn cát thay đổi diện mạo luôn. Chỉ một trận gió lớn, có khi cồn cát này “lùn” xuống cả trăm mét, và ngược lại cồn cát khác lại “lớn lên” vài chục mét.

Tại Bắc Mỹ, Khu bảo tồn và công viên quốc gia Great Sand Dunes ở Colorado là “ngôi nhà” lớn nhất so với tất cả những cồn cát khu vực này. Trong đó, cồn cát Star Dune, cao khoảng 330m. Mặc dù các cồn cát luôn biến động nhưng người ta vẫn xác định được nó đã tồn tại từ 12.000 năm trước.

Còn cồn cát Mount Tempest thuộc đảo Moreton, Australia, ở độ cao 280m so với mực nước biển được coi là cồn cát ven biển cao nhất trên trái đất. Đứng trên cồn cát này, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh vẻ đẹp tuyệt vời của bờ biển xung quanh. Thật khó có thể tưởng tượng được một cồn cát sừng sững ngay mép nước biển, khổng lồ như một trái núi, bất chấp những con gió biển, những đợt sóng biển dâng đập vào suốt ngày đêm.

Tại Namibia, Big Daddy là cái tên nổi tiếng. Nói đến cái tên này, người Namibia biết ngay đó là một động cát hoang sơ và bí ẩn ở Sossusvlei. Nó cũng là một trong những cồn cát rất cao, chừng 325m và có tuổi thọ 5 triệu năm. Cũng ở Namibia, cồn cát Tsauchab (lấy theo tên một dòng sông trong khu vực) còn cao hơn Big Daddy chừng 10m, nhưng kém hoang sơ hơn. Tuy nhiên,cả hai cồn cát này không có người ở.

Tại Chile- Cerro Medanoso là cồn cát hùng vĩ nhất đất nước. Nó nằm ở sa mạc Atacaman, với độ cao 550m. Sa mạc Atacaman được biết đến là nơi khô hạn nhất hành tinh với lượng mưa trung bình chỉ 1 millilit/năm. Một số khu vực trong sa mạc thậm chí còn không có mưa từ năm 1570 đến năm 1971. Một cồn cát có tên tương tự- cồn cát Cerro Blanco lại nằm ở đất nước Peru.

Người ta nói rằng, có nhiều cồn cát đẹp trên thế giới nhưng không cồn cát nào có thể sánh bằng độ cao và vẻ đồ sộ như Cerro Blanco, nằm ở thung lũng Nazca, Peru, cách Thủ đô Lima 482km, cồn cát này cao đến 1.176m.

Cũng giống như các cồn cát khác, Cerro Blanco cũng chỉ để ngắm vì thật khó sinh sống ở vùng hoang vu đến như thế.

Theo thời gian, cát ở đảo Fracesy bạc màu dần. Ban ngày chúng hút nhiệt năng mặt trời khiến toàn đảo nóng rừng rực. Nhưng đêm xuống, chúng lại tỏa nhiệt hết sức nhanh, trở nên lạnh ngăn ngắt. Cũng chính vì đặc điểm này mà buổi chiều tối (trong vòng 2 giờ đồng hồ), thật khó có thể băng ngang những đụn cát vì nhiệt độ bốc ra khiến ai cũng phải choáng váng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lạc vào cồn cát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO