Những ngày này, không ít phụ huynh băn khoăn về việc tặng quà các thầy cô nhân dịp 20/11 với tâm lý “muốn sang thì bắc cầu Kiều…”.
Một học sinh lớp 7 ở quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, do bố mẹ bận đi công tác, không trực tiếp đến trường chúc mừng giáo viên chủ nhiệm vào dịp 20/11, nên đã nhờ con mang quà đến tặng cô. Trong túi quà có một phong bì, một tuýp sữa rửa mặt. Cứ nghĩ cô giáo đã nhận là em thấy yên tâm.
Một phụ huynh ở quận Đống Đa, Hà Nội kể rằng, để việc tặng quà cô giáo tế nhị hơn, chị kẹp chiếc khăn lụa vào bên trong một tờ tạp chí in đẹp.
Tặng quà hay không tặng quà giáo viên vào dịp Ngày nhà giáo Việt Nam thật ra là do quan điểm, cách nghĩ của mỗi người. Nhưng với truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam, đây là dịp để học trò tri ân người thầy của mình. Ở thời phụ huynh thế hệ 6X, 7X, 8X, những bó hoa tươi thắm học trò tặng thầy cô giáo thực sự có ý nghĩa đẹp, thay cho lời cảm ơn chân thành, sâu sắc và tình cảm kính mến gửi đến những người đã dạy dỗ mình nên người. Khi cuộc sống đầy đủ hơn, những món quà vật chất cũng dần xuất hiện.
Bản thân món quà có lẽ không có gì đáng trách, có chăng nó thể hiện điều kiện của mỗi gia đình. Nhưng cách tặng và nhận quà mới là điều đáng nói. Làm sao để người tặng không “phô”, không để ngày 20/11 trở thành dịp phụ huynh thể hiện đẳng cấp; làm sao để cách nhận cũng tế nhị, vì món quà dù ít, dù nhiều, dù to hay nhỏ cũng chính là sự tri ân của học sinh và gia đình tới giáo viên. Những đứa trẻ vốn hồn nhiên bỗng một ngày ngỡ ngàng khi giáo viên xướng tên và những món quà mà bố mẹ chúng tặng ngay giữa lớp, hẳn sẽ là một vết hằn khó quên.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng dù thế nào đi chăng nữa, món quà tinh thần lớn lao, có ý nghĩa mà học trò dành tặng tặng giáo viên là kết quả học tập tốt, là ý thức, tinh thần thái độ trong quá trình học tập. Thậm chí giờ đây, khi mạng xã hội thông dụng thì những dòng tin nhắn, những lời chúc qua Zalo, Facebook, Viber… hay điện thoại di động cũng có thể làm ấm lòng thầy cô giáo. Còn những món quà vật chất - nếu có, chỉ nên là những món quà nhỏ, có ý nghĩa nhiều hơn về mặt tinh thần do chính tay học sinh làm, hoặc do các em tự để dành dụm tiền mua tặng giáo viên bằng sự kính trọng và thương yêu.
Vì thế, nói “không” với việc tổ chức tiếp khách và nhận hoa, quà chúc mừng kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tới đây của ngành giáo dục một số địa phương, âu cũng chỉ là hình thức, đối phó với dư luận. Đành rằng, có những lý giải cho là, việc không tặng quà thầy, cô giáo sẽ tạo ra sự đối xử công bằng với tất cả các em học sinh. Nhưng nếu việc tặng quà xuất phát từ cái tâm của người tặng và sự trân trọng của người nhận, liệu có cần nhắc tới những văn bản cấm?