Để chủ động phòng ngừa trước thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng và bảo vệ tài sản của mình, Cơ quan Công an khuyến cáo mọi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, tuyệt đối không nghe theo hay làm theo các thao tác hướng dẫn của bất cứ người nào qua điện thoại…
“Chiêu cũ” nhưng nạn nhân vẫn sập bẫy
Mới đây, Bộ Công an tiếp tục phát đi cảnh báo về tình trạng mạo danh cán bộ nhà nước để tiến hành lừa đảo. Theo đó, với thủ đoạn mạo danh là cán bộ Chi cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh, đối tượng đã gọi điện cho nạn nhân để thông báo về thủ tục kê khai miễn giảm thuế doanh nghiệp và yêu cầu cài đặt ứng dụng thuế điện tử để xác nhận thông tin, rồi gửi link có địa chỉ http://dvcgov.lol và hướng dẫn tiến hành thao tác cài đặt trên máy điện thoại của mình.
Sau khi truy cập vào đường link trên thì toàn bộ hệ thống máy điện thoại của nạn nhân bị treo không tiếp tục cài đặt được, lúc này đối tượng hướng dẫn nạn nhân cài đặt App Etax và đăng nhập vào App này với ID là mã số thuế và mật khẩu là số điện thoại của nạn nhân, đồng thời hướng dẫn nạn nhân nộp khoảng 10.000 đồng đến 20.000 đồng vào số điện thoại của mình để đối tượng gửi mã kích hoạt vào máy.
Quá trình nạn nhân thực hiện theo hướng dẫn trên, đối tượng đã chiếm quyền truy cập vào điện thoại và sao chép các thao tác truy cập thẻ tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP và chiếm đoạt số tiền gần 100 triệu đồng trong thẻ ngân hàng.
Cơ quan Công an xác định với thủ đoạn tinh vi và kịch bản đã được sắp đặt sẵn, các đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn mạo danh cán bộ Thuế thường che giấu hành vi của mình bằng cách lấy hình ảnh đại diện Zalo cá nhân là cán bộ mặc trang phục của cơ quan thuế để liên hệ, tạo vỏ bọc, nhằm chiếm niềm tin tuyệt đối từ nạn nhân.
Đồng thời, đối tượng thường sử dụng khoảng thời gian vào cuối tuần (thứ bảy hoặc chủ nhật) để liên hệ với nạn nhân vì khoảng thời gian này các ngân hàng sẽ ngừng tiếp nhận các yêu cầu đóng băng tài khoản của người dùng; đồng thời đối tượng sẽ tiến hành việc chiếm đoạt tài sản qua thao tác rút tiền trên thẻ tài khoản ngân hàng của nạn nhân vào thời điểm từ 1h -2h sáng, lúc nạn nhân đang ngủ say.
Đáng nói, thời gian qua, mặc dù đã được lực lượng Công an trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý phức phòng ngừa cho người dân trước các phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng nhiều hình thức, tuy nhiên thực tế vẫn có nhiều trường hợp người dân trên địa bàn Hà Tĩnh đã phải ngã ngửa khi biết mình “mắc bẫy” của các đối tượng, gây thiệt hại tài sản hàng trăm triệu đồng.
“Không có hình thức làm việc qua điện thoại…”
Cơ quan Công an khuyến cáo hiện nay các đối tượng không chỉ mạo danh là cán bộ Thuế mà còn có thể mạo danh là cán bộ Công an, hải quan, ngân hàng hay cơ quan thực thi pháp luật Nhà nước… để yêu cầu nạn nhân thực hiện các thao tác trên thiết bị điện thoại nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để chủ động phòng ngừa trước thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng và bảo vệ tài sản của mình, Cơ quan Công an khuyến cáo mọi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, tuyệt đối không nghe theo hay làm theo các thao tác hướng dẫn của bất cứ người nào qua điện thoại. Đối với các thủ tục thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan Nhà nước đều được tiến hành làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan hoặc có thông báo bằng văn bản từ cơ quan có thẩm quyền, tuyệt đối không có hình thức làm việc trực tuyến qua điện thoại nên người dân hết sức lưu ý…
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Văn Đoàn (Công ty Luật TNHH hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X) đánh giá, chiêu trò mạo danh cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước để lừa đảo tuy đã cũ nhưng vẫn thường xuyên được các đối tượng xấu sử dụng nhằm chiếm đoạt tài sản. Thực tế vẫn còn nhiều người dân sập bẫy do các chiêu thức biến đổi tinh vi, khôn lường. Một phần cũng do người dân thiếu ý thức cảnh giác.
Luật sư Đoàn khuyến cáo, phải luôn đề cao cảnh giác khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi tự nhận mình là cán bộ nhà nước, bởi không một cơ quan nhà nước nào làm việc trực tiếp qua điện thoại. Thậm chí phải để phòng cả các cuộc gọi video qua các ứng dụng mạng xã hội bởi các đối tượng lừa đảo có thể sử dụng Deepfake với khuôn mặt và đồng phục như những cán bộ nhà nước để lấy được lòng tin của nạn nhân.
Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số điện thoại và địa chỉ của mình trên các trang mạng và cho những người không quen.
Đối với các giao dịch trao đổi không được cung cấp mã OTP cho bất cứ ai. Luôn kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển tiền vào tài khoản của bất kỳ ai.
Trước khi truy cập luôn phải kiểm tra địa chỉ website trước khi truy cập, bởi những website giả mạo có tên miền giống với tên miền của các cơ quan nhà nước cũng nhan nhản xuất hiện trên không gian mạng. Tuyệt đối không mở các tin nhắn, email từ nguồn không rõ ràng.
Trong trường hợp thấy có dấu hiệu của việc lừa đảo đề nghị người dân không thực hiện theo yêu cầu của đối tượng, mà cần ra ngay cơ quan Công an nơi gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ.